Liên quan đến vụ 5 người chết trong hầm nước mắm công ty Foodtech, sáng 13/11, ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó trưởng ban quản lý Khu kinh tế Phú Yên, cho biết sau khi khám nghiệm tử thi, ghi nhận hiện trường và lời khai các nhân chứng, bước đầu cơ quan điều tra đã loại trừ yếu tố điện giật khiến 5 người chết ở bể chứa nước hấp cá (nguyên liệu làm nước mắm) ở Công ty Foodtech JSC.
"Nhiều khả năng 4 công nhân huyện Đông Hòa (Phú Yên) và một chuyên gia Thái Lan tử nạn do ngạt khí độc dưới bể làm nước mắm. Trong đó, ba người chết tại chỗ và hai người tử vong trên đường đưa đi cấp cứu", ông Phúc nói.
Khám nghiệm hiện trường, cơ quan điều tra cho hay bể chứa nước hấp cá chỉ ngập khoảng 40-50 cm. Công ty Foodtech JSC chi nhánh Phú Yên đã mua lại bể chứa nước ngâm đũa của Công ty CP Quen Han (KCN Hòa Hiệp, huyện Đông Hòa) và tận dụng làm bể chứa nguyên liệu làm nước mắm.
|
Hầm làm nước mắm của Công ty Foodtech JSC - nơi 5 người tử nạn. Ảnh: Đ.Huy. |
Theo báo cáo sơ bộ của Ban quản lý Khu kinh tế Phú Yên, khoảng 11h trưa 12/1, anh Huỳnh Văn Nê (ngụ thị trấn Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa) leo thang xuống hầm lấy mẫu thì bị ngạt khí, không lên được. Khoảng 15 phút sau, một công nhân khác leo thang xuống cũng bị ngạt khí và rơi xuống bể. Phỏng đoán hai công nhân bị điện giật, ông Siriphong Phiuphu Khieo (chuyên gia người Thái Lan) chạy đi cúp tất cả cầu dao điện rồi leo xuống thang cũng bị ngất lịm, rơi xuống bể.
Hai công nhân tiếp theo xuống ứng cứu cũng gặp nạn dưới bể này. Phát hiện mọi người gặp nạn, người thứ 6 tên Duy leo xuống cầu thang ứng cứu nhưng mới bước xuống hai bậc anh cảm thấy khó thở nên vội vàng leo lên, thoát chết trong gang tấc.
Theo các công nhân, hầm làm nước mắm này thường ngày vẫn có người xuống lấy mẫu, không hiểu sao trưa 12/1 lại xảy ra tình trạng như vậy.
Hiện Công ty Foodtech JSC (100% vốn Thái Lan) cùng đối tác hỗ trợ mỗi gia đình có nạn nhân tử nạn là 43 triệu đồng để lo mai táng. Lãnh đạo tỉnh Phú Yên và các Sở, ngành, hội, đoàn thể cũng đến thăm hỏi, chia sẻ đau thương cùng gia đình. Trong 4 công nhân Việt gặp nạn đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, trong đó ba người đã có vợ, con, riêng Nê (22 tuổi) chưa có vợ.
Theo các chuyên gia, những hầm cá hoặc hầm làm nước mắm thường chứa khí H2S, CO2, SO2, NO2, CH4… và các hợp chất lưu huỳnh làm cho hầm cá thiếu O2. Người xuống hầm sẽ không có ôxy để thở, lại hít phải các loại khí độc dẫn đến ngộ độc cấp tính, kích thích hô hấp thở nhanh hơn, sau đó thở chậm dần và lịm đi.
Trước khi xuống hầm cá, mọi người cần khơi thông luồng khí, xử lý hơi độc theo các bước đơn giản sau: Đốt một ngọn đèn đưa xuống trước, nếu đèn cháy yếu hay tắt thì không xuống. Lúc này phải làm cho khí độc thoát ra khỏi hầm. Có thể sử dụng quạt công suất lớn thổi xuống hầm cá...