Tìm giải pháp 'chữa bệnh thừa tiền' cho ngân hàng

Google News

Ngân hàng có thanh khoản tốt nhưng nhu cầu vay toàn nền kinh tế chưa cải thiện. Trong tình trạng bất thường ấy, Chính phủ cần có giải pháp khác thường.

 
Tiếp tục tìm kiếm giải pháp nâng cao hiệu quả tiếp cận vốn của doanh nghiệp, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, hôm nay, 7-9, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chủ trì cuộc họp với sự tham gia của nhiều bộ, ngành, chuyên gia.
Tim giai phap 'chua benh thua tien' cho ngan hang
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú trình bày báo cáo. Ảnh: VGP 
Ngân hàng Nhà nước đề xuất 4 nhóm giải pháp
Báo cáo cập nhật tình hình, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết toàn hệ thống ngân hàng đang phải "chữa bệnh thừa tiền". Tình trạng này tương tự các doanh nghiệp bị tồn kho hàng hóa lớn vậy.
Toàn ngành ngân hàng đã liên tục cải cách, đảm bảo thanh khoản hệ thống, tháo gỡ các điểm nghẽn, nhưng việc cung cấp tín dụng cho nền kinh tế vẫn khó khăn. Lý do chính là doanh nghiệp không hấp thụ được vốn, "không muốn vay". Đây là vấn đề rất khó!
Phân tích sâu hơn, ông Tú cho biết tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống vẫn thấp chủ yếu do nhu cầu thấp từ hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng. Một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, lĩnh vực bất động sản vẫn chưa khởi sắc. Việc triển khai gói 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân gặp nhiều vướng mắc.
Để tiếp tục tháo gỡ, NHNN đề xuất 4 nhóm giải pháp gồm: Nhóm giải pháp kích cầu đầu tư, tiêu dùng, thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế; nhóm giải pháp phát triển các loại thị trường (trái phiếu doanh nghiệp, bát động sản); nhóm giải pháp nâng cao năng lực, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp; và nhóm giải pháp về tiền tệ, tín dụng, lãi suất.
Cần có giải pháp "khác thường" cho trạng thái bất thường
Tại cuộc họp, TS Võ Trí Thành cho rằng, NHNN cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ khôn khéo, gắn với bảo đảm an toàn hệ thống tín dụng. Các ngân hàng thương mại cần hoạt động tuân theo pháp luật và quy luật của thị trường.
Bên cạnh đó, cần tính toán, đánh giá kỹ lưỡng để hướng dòng vốn vào những khu vực có khả năng phục hồi và phát triển, đi đôi với các giải pháp kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy xuất khẩu, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước…
Còn PGS Trần Đình Thiên đề nghị việc điều hành tín dụng trong trạng thái bất thường phải có những giải pháp "khác thường". Ví dụ nên tính tới giải pháp hỗ trợ tín dụng doanh nghiệp phát triển kinh tế số, chuyển đổi xanh, năng lượng tái tạo.
"Điều hành tín dụng nên có cách nhìn dài hạn, hướng về tương lai", ông Thiên phát biểu.
Ông Thiên cũng cho rằng, trong giai đoạn hiện nay nên tính toán tiếp tục đẩy mạnh các chính sách tài khóa ngân sách để hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế đảm bảo "đủ mức, đủ độ". "Đây là câu chuyện rất khó về cơ chế. Nhưng khó mới cần phải làm" - ông nói.
Giao nhiệm vụ cho năm bộ ngành
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu NHNN chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện các biện pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp.
Cần tập trung vốn tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, các ngành sản xuất chủ lực trong nước, thực hiện các biện pháp hiệu quả để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Rà soát lại tất cả các điều kiện liên quan đến tín dụng, tháo gỡ được gì thì phải tính toán, điều chỉnh. Đối với những gói hỗ trợ tín dụng đang còn hiệu lực thì tiếp tục cố gắng thúc đẩy, giải ngân tối đa có thể.
Về phía Bộ Tài chính thì cần thực hiện có hiệu quả các chính sách gia hạn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất đã ban hành. Đẩy nhanh hơn nữa việc hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, người dân.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, phát triển thị trường nội địa, đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường lớn, truyền thống; tận dụng tối đa lợi ích các FTA thế hệ mới.
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiến độ rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án bất động sản; thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, tạo động lực tăng trưởng kinh tế.
Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân đầu tư công, sớm đưa các dự án đi vào khai thác, kích thích đầu tư và chi tiêu khu vực tư nhân.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng đề nghị các doanh nghiệp thực hiện các biện pháp tăng cường năng lực tài chính, quản trị của doanh nghiệp, minh bạch dòng tiền và xây dựng phương án kinh doanh hiệu quả, khả thi. Đồng thời, chủ động áp dụng công nghệ, chuyển đổi số vào sản xuất kinh doanh, tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Theo Minh Trúc/ Báo Pháp luật

>> xem thêm

Bình luận(0)