Tiến tới Đại hội XIII của Đảng: Đồng tâm hiệp lực cho sự phát triển của thành phố mang tên Bác

Google News

Tiến tới Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI và Đại hội XIII của Đảng, qua 5 hội nghị lắng nghe, tiếp thu nguyện vọng, ý kiến của nhân dân do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố và Ban Dân vận, Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức, đã có hàng trăm lượt ý kiến của các đại biểu đại diện cho các tầng lớp nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh góp ý vào dự thảo văn kiện Đại hội đảng bộ các cấp.

Các ý kiến của người dân đã thể hiện tinh thần trách nhiệm, thẳng thắn, tâm huyết, phản ánh mong muốn và nỗ lực chung tay cùng Đảng bộ, chính quyền thành phố xây dựng và phát triển thành phố mang tên Bác trở thành đô thị thông minh, hiện đại, phát triển nhanh, bền vững.
Tien toi Dai hoi XIII cua Dang: Dong tam hiep luc cho su phat trien cua thanh pho mang ten Bac
 Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh Tô Thị Bích Châu phát biểu tại Hội nghị.

Nâng cao hiệu quả phản biện xã hội và vai trò của hệ thống Mặt trận
Đặc biệt quan tâm đến những vấn đề liên quan đến công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, nhiều người dân Thành phố cho rằng cần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phản biện xã hội, nhất là phản biện xã hội của hệ thống Mặt trận để góp thêm những góc nhìn đa chiều, đầy đủ hơn về cuộc sống.
Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, phản biện xã hội phải là hoạt động thường xuyên để xây dựng môi trường tôn trọng nhân dân, văn hóa lắng nghe, giải trình. Do đó cần nâng cao nhận thức của toàn xã hội đối với phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, những tổ chức đại diện cho các tầng lớp, các giới nhân dân của thành phố. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh hiện còn thiếu những biện pháp chủ động, tích cực để tập hợp và phản ánh trung thành những ý kiến và nguyện vọng của nhân dân. Điều đó khiến phản biện xã hội nhiều khi mang tính hình thức nên ít động viên được nhân dân trực tiếp tham gia. Vì vậy, đề ra một cơ chế rõ ràng về việc tiếp thu, xử lý các ý kiến phản biện là một nhiệm vụ rất quan trọng hiện nay.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu nêu rõ, phản biện xã hội là hoạt động đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015, một số văn bản dưới luật và hướng dẫn của phản biện xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, chưa có một văn bản quy phạm pháp luật nào quy định và điều chỉnh một cách trực tiếp và toàn diện vấn đề phản biện xã hội. Vì vậy, yêu cầu xây dựng và hoàn thiện pháp luật về phản biện xã hội đang trở nên bức thiết, để tạo ra cơ sở pháp lý quan trọng cho phản biện xã hội phát huy được những mặt tích cực đối với đời sống chính trị - xã hội của đất nước.
Tien toi Dai hoi XIII cua Dang: Dong tam hiep luc cho su phat trien cua thanh pho mang ten Bac-Hinh-2
  Quang cảnh Hội nghị.

Bà Hoàng Thị Lợi, cư dân Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, cần nâng cao hơn nữa vai trò giám sát của hệ thống Mặt trận trong thực tế cuộc sống, nhất là các vấn đề nhận được sự quan tâm lớn của người dân như trong lĩnh vực đất đai, các dự án về nhà ở, các dự án ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Đánh giá cao vai trò hoạt động giám sát của hệ thống Mặt trận trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, bà Nguyễn Thị Thanh, cán bộ hưu trí (thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ) cho rằng, cần tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát thực hiện dân chủ cơ sở. Theo bà Thanh, tăng cường giám sát cũng là quá trình nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền trong thực hành công vụ, xây dựng thái độ cầu thị, lắng nghe ý kiến của nhân dân. Qua giám sát, Mặt trận cũng thay mặt người dân kịp thời đề xuất, kiến nghị các cấp chính quyền những ý kiến nhằm điều chỉnh, bổ sung chính sách, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội cho phù hợp với thực tiễn, đảm bảo quyền lợi của người dân.
Chú trọng xây dựng xã hội văn minh, con người văn hóa
Theo Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Thị Ngọc Phượng, thành phố cần quan tâm hơn nữa đến công tác giáo dục, xây dựng văn hóa cá nhân, văn hóa gia đình, văn hóa cơ quan để tạo nên văn hóa của một thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Thành phố Hồ Chí Minh cần có có kế hoạch xây dựng thiết chế văn hóa; xây dựng trường học kiểu mẫu; giáo dục các học sinh có tư chất văn hóa, văn minh; nâng cao trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội trong giáo dục, huấn luyện giới trẻ phát triển nhân cách năng động, hiện đại mà vẫn giữ được những giá trị văn hóa truyền thống.
Cũng về vấn đề giáo dục, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Khuyến học Quận 4 đề nghị chú trọng giáo dục đạo đức trong học đường cho học sinh, sinh viên và đội ngũ giáo viên, quản lý giáo dục. Bên cạnh đó, thành phố cần có chính sách khuyến khích tạo điều kiện phát triển các trường dân lập có chất lượng ngang bằng trường công lập và học phí phù hợp, nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục tại thành phố.
Bên cạnh vấn đề giáo dục, người dân thành phố rất quan tâm đến các chính sách, chủ trương trong xây dựng một nền văn hóa mang tính dân tộc, nhân văn, phát huy hết tiềm năng nội lực con người trong xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh - thành phố văn hóa. Theo ông Châu Văn Tuấn, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Nhà Bè, cùng với đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, thành phố tiếp tục quan tâm triển khai các chương trình vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh đô thị; nâng cao văn hóa, văn minh, trong ứng xử cộng đồng; ứng xử văn minh tại cơ quan công sở; văn minh, văn hóa trong an toàn, giao thông; thực hiện đảm bảo an ninh, trật tự trong địa bàn thành phố. Đồng thời, xây dựng các thiết chế văn hóa tại các khu lưu trú công nhân, đa dạng hóa các hình thức sinh hoạt văn hóa cho công nhân có điều kiện tham gia, hưởng thụ.
Quan tâm đến vấn đề phát triển văn hóa của thành phố dưới góc độ một chuyên gia văn hóa, Tiến sỹ Phú Văn Hẳn, Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật dân tộc thiểu số cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều công trình nghệ thuật để khai thác giá trị văn hóa nhưng giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số đang sinh sống tại đây lại đang không được khai thác đúng tiềm năng. Cộng đồng dân tộc thiểu số rất mong thành phố quan tâm tạo điều kiện để phát huy giá trị văn hóa dân tộc trong bảo tồn, thể hiện, lưu truyền văn hóa và khai thác du lịch văn hóa các dân tộc thiểu số.
Cùng về vấn đề văn hóa, Mục sư Nguyễn Thế Hiển, Hội thánh Tin Lành miền Nam (Việt Nam) góp ý trực tiếp rằng Đề án Phát triển văn hóa giai đoạn 2020-2025 của Thành phố còn thiếu sự quan tâm đến phát triển lĩnh vực âm nhạc yêu nước, cách mạng cho giới trẻ. Đảng bộ thành phố cần quan tâm đến chính sách phát triển âm nhạc yêu nước nhằm khơi dậy tinh thần ái quốc, nhân văn, nghĩa tình cho giới trẻ thành phố, xây dựng nên những con người có văn hóa và cuộc sống tinh thần phong phú, nhân văn.
Tổng hợp ý kiến đóng góp của người dân với Dự thảo văn kiện Đại hội đảng bộ các cấp cho thấy, người dân thành phố quan tâm đến nhiều lĩnh vực, thể hiện sự quan tâm, nhiệt huyết của người dân với Đảng bộ và chính quyền thành phố. Sự tham gia đông đảo của đại diện các giới, các tầng lớp nhân dân qua các ý kiến đóng góp tâm huyết của các tầng lớp nhân dân đã thể hiện được truyền thống đoàn kết, năng động sáng tạo, nghĩa tình của nhân dân trong việc tích cực tham gia xây dựng thành phố phát triển nhanh, bền vững; vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc của nhân dân.
Theo Xuân Khu / TTXVN

>> xem thêm

Bình luận(0)