Thương vụ Mobifone: Gia đình ông Nguyễn Bắc Son đã nộp 21 tỷ

Google News

(Kiến Thức) - Hội đồng xét xử cho biết, chiều nay gia đình bị cáo Nguyễn Bắc Son (cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) đã nộp 21 tỉ đồng để khắc phục hậu quả.

Chiều nay (23/12), TAND TP Hà Nội tiếp tục mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án MobiFone mua 95% cổ phần của AVG. Tại cuối phần tranh luận, Thẩm phán Trương Việt Toàn cho biết, gia đình cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đã nộp được 21 tỷ đồng để khắc phục hậu quả cho bị cáo này.
Chủ tọa phiên tòa Trương Việt Toàn cho biết: "Gia đình bị cáo Son có nộp một số chứng từ chuyển tiền khắc phục cho bị cáo, tổng số là 21 tỷ đồng. Những người nộp tiền khắc phục gồm anh Trần Văn Hưng (con rể bị cáo) và một số người khác".
Luật sư Phạm Công Hùng (một trong nhiều luật sư) bào chữa cho cựu Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Bắc Son cho biết: “Hôm nay, sau khi Viện Kiểm sát và chủ tọa phiên tòa ký vào cáo trạng, thì chiều hôm nay, gia đình bị cáo Nguyễn Bắc Son sẽ chuyển số tiền khắc phục hậu quả vào tài khoản của cơ quan cảnh sát điều tra”.
Không nói rõ số tiền là bao nhiêu, nhưng luật sư Phạm Công Hùng cho biết, người nhà bị cáo Nguyễn Bắc Son đang rất tích cực gom góp tiền để khắc phục cho cựu Bộ trưởng.
Luật su Phạm Công Hùng cho biết: “Sáng nay, bị cáo Son trao đổi với tôi, sau đó tôi gọi điện cho gia đình và được biết gia đình đang rất tích cực gom số tiền để khắc phục cho bị cáo. Tôi nghĩ rằng sẽ có những kết quả khiến HĐXX hài lòng”.
Thuong vu Mobifone: Gia dinh ong Nguyen Bac Son da nop 21 ty
 Bị cáo Nguyễn Bắc Son (cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
Theo cơ quan công tố, ông Son có ý thức khắc phục hậu quả nhưng gia đình không hợp tác. Ngày 14/3/2019, ông viết bản tự khai thừa nhận đã nhận 3 triệu USD của cựu chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ. Sau đó, ông Son viết thư gửi vợ với nội dung: “Anh đã khai báo với CQĐT, Bộ Công an về việc sau khi hợp đồng mua bán trên đã hoàn tất, Phạm Nhật Vũ đã mang đến cho anh số tiền 3 triệu USD. Số tiền này anh đã gửi Huyền (Nguyễn Thị Thu Huyền, con gái ông Son - PV) mang vào TP HCM giữ cho anh.
Anh không nói gì về nguồn gốc số tiền trên với Huyền và em. Em thay anh báo cho Huyền sớm thu xếp trả lại cho Nhà nước” - đại diện VKS trích lại một phần nội dung bức thư. Sáu ngày sau, CQĐT đã mời bà Huyền tới làm việc với CQĐT Bộ Công an, thông báo nội dung lá thư. Tại biên bản đối chất ngày 14-6 giữa ông Son và con gái, bà Huyền thừa nhận ngày 20/3 bà được Cơ quan CSĐT Bộ Công an mời đến trụ sở để làm việc.
“Nội dung là bị cáo Nguyễn Bắc Son, bố tôi, có gửi một bức thư cho vợ là bà Lê Thị Thúy (mẹ tôi). Do mẹ tôi sức khỏe yếu nên cơ quan điều tra đã chuyển bức thư trên cho tôi đọc để chuyển tải nội dung cho mẹ tôi biết” - bà Huyền thừa nhận trong buổi đối chất. Cơ quan điều tra mời vợ ông Son đến nhận thư song bà không tới mà ủy quyền cho con gái. Sau cuộc gặp này, gia đình ông Son cũng không nộp tiền khắc phục hậu quả.
Quá trình điều tra tiếp theo, ông Son vẫn tiếp tục trình bày ý kiến muốn khắc phục hậu quả và tự mình làm đơn xin khắc phục hậu quả. Ông Son tiếp tục đề nghị muốn được gặp vợ và con trai để trao đổi, thông báo về số tiền đã nhận bất hợp pháp từ Phạm Nhật Vũ. Ngày 12/8, điều tra viên cho ông Son gặp vợ và con trai. Tại buổi gặp này, ông Son đề nghị gia đình giúp ông nộp tiền khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, vợ ông Son cho biết chỉ có cuốn sổ tiết kiệm hơn 2 tỉ đồng, đây là tiền của cá nhân bà, không liên quan đến ông Son.
Bà giữ số tiền này lại để sử dụng cá nhân và sẽ dùng để thuê luật sư bào chữa cho ông Son. Việc yêu cầu gia đình khắc phục hậu quả, gia đình không có khả năng thực hiện. Thậm chí quá trình điều tra, ông Son sau đó còn đề nghị điều tra viên, kiểm sát viên kê biên mảnh đất đứng tên ông ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội). Tuy nhiên, cơ quan điều tra và VKSND Tối cao thấy đây là đất hương hỏa của tổ tiên để lại nên không kê biên.
"Việc bị cáo Son không nộp lại số tiền 3 triệu USD nhận của Phạm Nhật Vũ do gia đình không hợp tác để nộp như bản cáo trạng đã nêu là hoàn toàn chính xác” - đại diện VKS nêu rõ và khẳng định việc luật sư cho rằng cơ quan điều tra bưng bít thông tin là không có cơ sở.
“Điều này thể hiện luật sư không đọc kỹ hồ sơ vụ án, hoặc luật sư cố tình không đưa ra hết các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án để phản ánh khách quan, đầy đủ, gây ra sự hiểu lầm trong dư luận về tính đúng đắn trong hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng.
Có thể coi đây là sự tùy tiện trong cách đưa chứng cứ tại phiên tòa, điều đó gây bất lợi cho thân chủ mà chính luật sư đang bào chữa” - đại diện VKS nói.
Mặc dù các bị cáo phạm tội nhận hối lộ không trình bày bất cứ ý kiến tranh luận nào về tội danh bị truy tố nhưng VKS cho rằng có ý kiến băn khoăn của một số cho rằng lời khai của người đưa hối lộ có khách quan không, có dấu hiệu của sự mớm cung hay không?
Về nội dung này, đại diện VKS khẳng định lời khai đưa tiền cho bốn bị cáo của Phạm Nhật Vũ là đúng. Tuy nhiên, do thời gian đã lâu, ông Vũ rất nhiều lần chủ động đề nghị được cho xem tài liệu điều tra để chứng minh.
“Kết quả điều tra thể hiện cơ quan điều tra không mớm cung. Việc hỏi cung đã được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật” - đại diện VKS khẳng định.
Hơn nữa, nhiều bản cung có kiểm sát viên và có cả luật sư của Vũ cùng chứng kiến, bị cáo Vũ cũng đều khai như những bản cung trước đây.
>>> Xem thêm video: Ông Nguyễn Bắc Son bị đề nghị án tử hình

Nguồn: VTC Now.

Trung Vương

>> xem thêm

Bình luận(0)