1. Thực trạng quỹ đất và phát triển ngành nông nghiệp tỉnh Hà Nam
Hà Nam là tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng, cửa ngõ phía Nam thủ đô Hà Nội, có tổng diện tích tự nhiên 86.193 ha, trong đó đất nông nghiệp là 52.980 ha, đất trồng lúa là 33.405 ha. Mặc dùđóng góp trong cơ cấu kinh tế của tỉnh thấp (khoảng 11 %) nhưng sản xuất nông nghiệp đóng vai trò nền tảng, đảm bảo tính ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Những năm qua, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo triển khai thực hiện các chủ trương, đề án để phát triển nông nghiệp, nhằm đưa sản xuất nông nghiệp của tỉnh phát triển toàn diện, có giá trị sản xuất cao, từng bước hình thành chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ nông sản. Tập trung đầu tư hỗ trợ để phát triển cơ giới hoá trong nông nghiệp.
Từ khi tái lập tỉnh (1997) đến nay, Hà Namđã thực hiện 02 lần dồn đổi ruộng đất nông nghiệp từ ô thửa nhỏ sang ô thửa lớn, nhằm khắc phục tình trạng manh mún, phân tán ruộng đất, tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng cơ giới hóa và tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp. Lần thứ nhất: thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TU ngày 05/5/2000 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch số 08/KH-UB ngày 10/5/2000của UBND tỉnh về dồn đổi ruộng đất nông nghiệp nhằm khắc phục tình trạng manh mún, phân tán ruộng đất. Lần thứ hai, khi thực hiện Kế hoạch số 572/KH-UBND ngày 03/5/2012 của UBND tỉnh về dồn đổi ruộng đất trên địa bàn tỉnh đến năm 2015. Hiện nay bình quân mỗi hộ nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giảm xuống còn từ 1,2 đến 1,6 thửa/ hộ.
Mặc dù tăng trưởng bình quân nông nghiệp trên địa bàn tỉnh luôn tăng trong những năm gần đây, tuy nhiên, tăng trưởng sản xuất nông nghiệp chưa có sự bứt phá, chưa tương xứng với lợi thế, tiềm năng của tỉnh. Trong lĩnh vực nông nghiệp chưa hình thành chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến bảo quản, chế biến và tiêu thụ, thiếu sự liên kết giữa doanh nghiệp với các hộ nông dân.Chất lượng một số nông sản chưa đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm. Ở một số địa phương, do sản xuất nông nghiệp (trồng lúa) không có lãi nên nhiều hộ nông dân không thiết tha với đồng ruộng.
Những hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân, song nguyên nhân chủ yếu là do diện tích đất nông nghiệp của tỉnh không nhiều, bình quân đất nông nghiệp 600-650 m2/khẩu nông nghiệp (đất hai lúa bình quân 360m2/khẩu); năng suất, sản lượng các loại cây trồng truyền thống cơ bản đã đạt mức trần năng suất sinh học. Mặc dù đã dồn đổi ruộng đất nhưng do bình quân đất nông nghiệp thấp nên tình trạng ruộng đất manh mún, quy mô nhỏ lẻ vẫn còn, gây khó khăn đối với việc đưa cơ giới hoá, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao chất lượng nông sản, nâng cao giá trị sử dụng đất. Nhiều doanh nghiệp, hộ nông dân sản xuất, kinh doanh tốt có nhu cầu mở rộng sản xuất, ứng dụng công nghệ cao nhưng không có diện tích đất đủ lớn để thực hiện.
2. Sự cần thiết phải tập trung, tích tụ ruộng đất và đổi mới hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp trong điều kiện mới.
a) Cơ sở lý luận:
- Chủ trương tích tụ ruộng đất, tạo quỹ đất nông nghiệp nhằm thu hút đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và hình thành khu vực chuyên canh theo hướng sản xuất nông nghiệp hiện đại, chuyên môn hóa gắn với thị trường,nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp đã đượcthể hiện trong các Văn kiện đại hội Đảng toàn quốc. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, nêu: “Xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh xuất khẩu”Đồng thời phải “có chính sách phù hợp để tích tụ, tập trung đất đai, thu hút mạnh các nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp; từng bước hình thành các tổ hợp nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ công nghệ cao” để đạt mục tiêu là “đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.... bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài; nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân”.
Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đặt ra yêu cầu: “Quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên” và khẳng định “ Tiếp tục thực hiện chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh”.
Đồng thời chỉ ra để thực hiện được các yêu cầu trên, cần phải: “Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế, pháp luật đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập, ổn định, cụ thể, minh bạch; phát triển đầy đủ và đồng bộ thị trường các yếu tố sản xuất, nhất là các thị trường quyền sử dụng đất…”
- Luật đất năm 2013 hiện nay đã quy định các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất nói chung, trong đó có quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân đặc biệt là quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; đồng thời quy định hạn mức giao đất đối với từng loại đất, trong đó có đất nông nghiệp. Các quy định này là căn cứ pháp lý để thực hiện việc tích tụ, tập trung đất đai, tạo quỹ đất đủ lớn, đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn, tập trung và ứng dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất nông nghiệp.
b) Cơ sở thực tiễn.
- Thực tế khu vực đồng bằng sông Hồng, trong đó có Hà Nam, ruộng đất nhỏ lẻ,manh mún, độ cao không đồng đều, quỹ đất sản xuất nông nghiệp bình quân đầu người thấp; Sản xuất nông nghiệp mang tính truyền thống, tự phát, tập quán sản xuất còn lạc hậu, chưa có sự gắn kết giữa sản xuất và thị trường tiêu thụ. Tình trạng nhiều nơi người nông dân bỏ ruộng để chuyển sang làm ngành nghề khác, hoặc sản xuất cầm chừng với mục đích là giữ ruộng đất với hy vọng khi nhà nước thu hồi đất thì được bồi thường, hỗ trợ. Trong khi nhiều doanh nghiệp, cá nhân có năng lực về tài chính, về kỹ thuật muốn có đất nông nghiệp để sản xuất lại gặp khó khăn trong việc tạo quỹ đất đáp ứng yêu cầu sản xuất.
- Do yêu cầu phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa trong thời kỳ hội nhập đòi hỏi rất khắt khe của thị trường về chất lượng an toàn sản phẩm,nên cầnphải tổ chức lại sản xuất nông nghiệp,đẩy mạnh việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp nhằm tạo ra những sản phầm nông nghiệpchất lượng cao, sạch và an toàn để nâng cao thu nhập cho nông dân, tạo sự bền vững về xây dựng nông thôn mới.
Xuất phát từ cơ sở lý luận, đặc biệt là thực tiễn nhu cầu phát triển xã hội, việc tích tụ, tập trung đất đai hiện nay là xu hướng tất yếu, khách quan trong phát triển nông nghiệp.Phát triển nông nghiệp và tập trung, tích tụ đất đai có mối quan hệ mật thiết hữu cơ với nhau: Muốn phát triển nông nghiệp tập trung, hiện đại cần phải tạo ra quỹ đất thông qua việc tập trung, tích tụ đất đai. Mặt khác việc tập trung, tích tụ đất đai sẽ tạo điều kiện cho việc phát triển nông nghiệp.
Tuy nhiên trong quá trình tập trung, tích tụ đất đai, hiện nay còn đang gặp phải một số khó khăn, vướng mắc như: Ruộng đất manh mún, quy mô nhỏ lẻ gây khó khăn cho việc đưa cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao; nhiều doanh nghiệp, hộ nông dân sản xuất kinh doanh có nhu cầu mở rộng sản xuất nhưng không có diện tích đất đủ lớn để thực hiện. Chính sách pháp luật đất đai còn chưa quy định cụ thể, hành lang pháp lý chưa rõ ràng trong tích tụ, tập trung đất đai.
3. Các quy định hiện hành của Luật Đất đai về hình thức tập trung, tích tụ đất đai.
Theo quy định tại Điều 167 Luật Đất đai, muốn tích tụ, tập trung đất đai thì người sử dụng đất phải thực hiện thông qua các quyền của người sử dụng đất mà pháp luật Đất đai quy định. Các hình thức tích tụ, tập trung đất đai là:
-Chuyển đổi (thông qua dồn đổi ruộng đất),tặng cho, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp.
-Góp vốn bằng quyền sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp.
-Thuê quyền sử dụng đất:
Tuy nhiên các hình thức trên trong thực tế hiện nay chủ yếu diễn ra tự phát giữa các hộ dân với nhau hoặc hộ gia đình thuê đất công ích của UBND cấp xã. Việc thực hiện tích tụ, tập trung đất đai theo quy định hiện nay của Luật Đất đai gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, cụ thể:
- Khó tập trung đất đai được một diện tích đủ lớn theo mong muốn phù hợp với quy mô doanh nghiệp để thực hiện dự án nông nghiệp vì: phải đàm phán với nhiều hộ sử dụng đất (do quỹ đất nông nghiệp của các hộ ít) với nhiều mức giá khác nhau, trong khi lại có hộ không đồng ý cho thuê hoặc góp vốn bằng quyền sử dụng đất vì muốn giữ đất để sản xuất;
- Pháp luật đất đai hiện nay quy định:
+ Tổ chức kinh tế; Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp sẽ không được phép nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho đất trồng lúa (điều 191 Luật Đất đai)
+ Hộ gia đình cá nhân sử dụng đất nông nghiệp do được Nhà nước giao đất, do chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, nhận thừa kế, được tặng cho quyền sử dụng đất hợp pháp từ người khác thì chỉ được chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp trong cùng xã, phường, thị trấn (chỉ thực hiện cho các hộ có cùng hộ khẩu thường trú trong cùng 1 xã – điều 190 Luật Đất đai)
+ Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được thuê đất nông nghiệp trực tiếp với các hộ dân được nhà nước giao đất nông nghiệp không thu tiền sử dụng đất.
4. Việc thực hiện tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tập trung tại Hà Nam.
Xuất phát từ những bất cập của Luật Đất đai hiện hành còn có những nội dung chưa phù hợp với thực tế, quan điểm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Nam là không muốn người nông dân bị thu hồi đất nông nghiệp (tư liệu sản xuất) nhưng vẫn phát triển nền nông nghiệp quy mô tập trung, sản xuất hàng hóa đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, đặc biệt là nâng cao thu nhập của người nông dân.
Từ đó Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Nam đã mạnh dạn chỉ đạo đưa ra các hình thức tích tụ, tập trung đất đai, phù hợp với thực tế, phù hợp với yêu cầu phát triển sản xuất.
Căn cứ các Nghị quyết của Chính phủ phê duyệt quy hoạch sử dụng đất đến 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm đầu kỳ (giai đoạn 2011-2016); điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (giai đoạn 2016-2020) tỉnh Hà Nam; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Nam khóa XIX nhiệm kỳ 2015-2020; Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành các Nghị quyết về phát triển khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo bước phát triển đột phá, bền vững nông nghiệp
Tỉnh Hà Nam đã quy hoạch các vùng nông nghiệp, đặc biệt là các khu nông nghiệp công nghệ cao để thu hút các nhà đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Hiện nay trên địa bàn tỉnh đã quy hoạch 07 khu nông nghiệp công nghệ cao tại địa bàn các huyện: Lý Nhân, Thanh Liêm, Bình Lục, Kim Bảng và thành phố Phủ Lý với diện tích khoảng 691,1ha. Các khu nông nghiệp công nghệ cao là nòng cốt, doanh nghiệp làm hạt nhân, nền tảng, khuyến khích dẫn dắt các hộ nông dân học tập, tham gia sản xuất nâng cao giá trị gia tăng trong nông nghiệp.
Quan điểm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về tích tụ, tập trung đất đai trong các khu nông nghiệp công nghệ cao là:
- Chỉ thực hiện tập trung, tích tụ đất đai phục vụ thu hút đầu tư sản xuất nông nghiệp đối với các khu vực đã được quy hoạch làm khu nông nghiệp tập trung theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được UBND tỉnh phê duyệt.
- Tập trung, tích tụ đất đai phải trên tinh thần tự nguyện, cùng có lợi giữa các các hộ dân có đất với doanh nghiệp; hạn chế tới mức thấp nhất việc thu hồi đất nông nghiệp của các hộ dân.
- Quá trình tích tụ đất đai phải gắn với việc chuyển dịch, đào tạo nghề cho lao động nông thôn sang làm dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp thay vì nông nghiệp. Những người có đất nông nghiệp cho thuê sẽ được ưu tiên tuyển dụng và trở thành lao động trong các doanh nghiệp mà họ cho thuê đất.
- Nâng cao đời sống, đảm bảo quyền lợi của nông dân và ổn định chính trị, xã hội ở khu vực tích tụ đất đai, góp phần thúc đẩy xây dựng nông thôn mới.
- Tạo thuận lợi cho việc thuê quyền sử dụng đất; hỗ trợ tập trung tích tụ đất đai để sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn, áp dụng công nghệ gắn với bảo đảm việc làm và thu nhập bền vững cho nông dân.
- Nhà nước ưu tiên hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn và các chính sách bảo đảm an sinh xã hội khu vực thực hiện tập trung, tích tụ đất đai.
- Hình thức tích tụ, tập trung đất đai: 02 hình thức
+ Chính quyền (UBND cấp huyện, UBND cấp xã) thuê đất nông nghiệp của các hộ nông dân, sau đó chính quyền cho tổ chức, doanh nghiệp thuê lại để phát triển nông nghiệp tập trung với giá thuê bằng giá thuê đất mà chính quyền đã thuê với các hộ nông dân
+ Doanh nghiệp ký trực tiếp hợp đồng thuê đất với các hộ dân, có sự chứng kiến của UBND cấp huyện và cấp xã
- Thời gian thuê đất: từ 20 năm đến không quá 40 năm.
Sau thời gian thuê đất, doanh nghiệp có trách nhiệm hoàn trả nguyên hiện trạng mặt bằng, trường hợp không hoàn trả thì doanh nghiệp phải chịu mức phạt bằng 02 lần giá trị hoàn trả mặt bằng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định tại thời điểm phải hoàn trả.
- Hình thức trả tiền thuê đất: Nhà nước ứng tiền ngân sách trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê đất của dân. Doanh nghiệp trả tiền thuê lại quyền sử dụng đất từ 01 đến 02 lần theo giá thỏa thuận và bằng với giá mà chính quyền đã thuê với hộ dân. Nếu trả làm 02 lần thì lần thứ nhất trả tiền thuê đất cho ½ thời gian thuê. Lần thứ hai trả nốt tiền thuê đất sau thời gian thuê đất từ 5 đến 10 năm. Nhà nước không tính lãi xuất.
- Ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí trong thời gian độ trễ giữa thời điểm thuê đất của các hộ dân với thời điểm cho doanh nghiệp thuê lại đất
Từ quan điểm chỉ đạo đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo rất cụ thể, chi tiết từng bước để thực hiện việc tích tụ, tập trung đất đai:
- UBND tỉnh phân công trách nhiệm cụ thể của từng sở, ngành, UBND cấp huyện trong việc thực hiện việc tích tụ, tập trung đất đai như: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và PTNT, Ban quản lý nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sở Xây dựng, sở Kế hoạch đầu tư, sở Tài chính, sở Tư pháp, UBND cấp huyện để thực hiện các bước trong quá trình thực hiện tích tụ, tập trung đất đai.
- Cấp huyện, cấp xã đều thành lập ban chỉ đạo và tổ công tác giúp việc để trực tiếp chỉ đạo, phổ biến tuyên truyền và giải quyết các vướng mắc tại cơ sở, báo cáo kịp thời các khó khăn trong quá trình thực hiện lên các sở, ngành có liên quan để tổng hợp báo cáo, đề xuất UBND tỉnhchỉ đạo giải quyết. Trên cơ sở Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, việc thực hiện tích tụ, tập trung đất đai được đưa vào Nghị quyết đối với cấp xã và các chi bộ tại thôn, xóm làm cơ sở để cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện.
Với chủ trương và cách làm đó, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh đã thu hút được một số doanh nghiệp lớn vào các khu nông nghiệp công nghệ cao và đã cho thuê, cho thuêlại xấp xỉ 205 ha đất nông nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp lớn như Công ty VinEco - Tập đoàn Vingroup thuê 180,7 ha tại khu nông nghiệp xã Nhân Bình, Xuân Khê huyện Lý Nhân; Công ty cổ phần đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao Hà Nam thuê 21,6 ha tại xã Nhân Khang, huyện Lý Nhân;
* Ưu điểm của hình thức tập trung, tích tụ đất đai mà Hà Nam đang thực hiện:
- Người dân không bị thu hồi đất, người nông dân cho thuê đất vẫn giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khi hết thời gian thuê đất, nếu không có nhu cầu cho thuê tiếp, người dân tiếp tục được sử dụng đất.
- Thời gian thuê đất dài, doanh nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất vì hợp đồng thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người dân đã được ký kết có chứng thực của UBND cấp xã và chứng kiến của UBND cấp huyện nơi có đất.
- Được sự đồng thuận cao của người sử dụng đất, phù hợp với nguyện vọng của các hộ dân có đất cho thuê. Những hộ có nhu cầu sản xuất nông nghiệp vẫn được tiếp tục sản xuất (dồn đổi sang vị trí khác thuận lợi hơn hoặc bằng vị trí đất ban đầu).
- Dễ dàng tập trung, tích tụ đất đai với quy mô đủ lớn, phù hợp với quy mô doanh nghiệp để thu hút đầu tư trong sản xuất nông nghiệp.
- Những hộ dân có đất cho thuê nếu có nhu cầu lao động sản xuất để ổn định đời sống thì được các doanh nghiệp thuê đất ưu tiên và đảm bảo công ăn việc làm, có thu nhập cao hơn nhiều lần so với họ tự sản xuất trên mảnh đất của mình.
* Một số khó khăn, vướng mắc trong khi thực hiện tích tụ, tập trung đất đai theo phương thức mới mà Hà Nam đã và đang thực hiện,
- Việc tích tụ ruộng đất là chủ trương mới, hành lang pháp lý có tính riêng biệt về cơ chế tích tụ ruộng đất chưa quy định trong Luật Đất đai. Pháp luật đất đai chưa quy định cụ thể, rõ ràng việc chính quyền (UBND các cấp) được thuê đất của các hộ dân, sau đó chính quyền cho tổ chức, doanh nghiệp thuê lại quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư;
- Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cần quy mô diện tích lớn, trong khi đó diện tích đất nông nghiệp của từng hộ vẫn nhỏ nên việc tuyên truyền vận động hàng trăm hộ dân, thậm chí hơn một nghìn hộ dân trong một xã đồng ý cho thuê đất gặp rất nhiều khó khăn, trong khi đó pháp luật Đất đai chưa có chế tài quy định đối với trường hợp này.
- Muốn thu hút hút nhà đầu tư thì phải tích tụ đất đai trước để khi nhà đầu tư vào thì có thể bàn giao quỹ đất ngay cho doanh nghiệp, như vậy cần phải có một lượng vốn lớn để thực hiện chi trả cho các hộ dân, trong khi nguồn lực của tỉnh có hạn, không có cơ chế hỗ trợ từ Trung ương nên việc tích tụ đất đai gặp rất nhiều khó khăn.
- Luật ngân sách chưa quy định: Nhà nước ứng trước kinh phí từ ngân sách để trả tiền thuê đất một lần cho người dân, trong khi thu lại tiền thuê đất từ doanh nghiệp lại từ 01 đến 02 lần; Nhà nước đang phải bỏ ngân sách hỗ trợ tiền thuê đất trong khoảng thời gian độ trễ giữa thời gian thuê đất của các hộ dân với thời gian cho doanh nghiệp thuê lại đất.
5. Những kiến nghị, đề xuất:
Qua thực tế đã triển khai tại tỉnh, để tạo thuận lợi trong việc dồn đổi ruộng đất, tập trung tích tụ đất phục vụ cho phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, tỉnh Hà Nam trân trọng đề nghị:
a)Đối với pháp luật Đất đai.
Sau khi tổng kếtNghị quyết 19-NQ/TW Ban chấp Trung ương khóa XI, trên cơ sở định hướng của Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương khóa XIII về chủ trương, định hướng chính sách đất đai, Chính Phủ sớm trình Quốc hội xem xét sửa đổiLuật đất đai 2013 và các Nghị định hướng dẫn thi hành trên cơ sở khắc phục được các tồn tại, bất cập của Luật Đất đai 2013 đã được chỉ ra, cụ thể:
- Sửa đổi hạn mức giao đất đất nông nghiệp (Điều 129 Luật Đất đai) vàhạn mức nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp (Điều 44 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014) quy định theo hướng không quy định hạn mức. Vì thực tế nội dung này qua các lần sửa đổi luật đều theo hướng nới rộng hạn mức nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội. Việc không quy định hạn mức sẽ tạo điều kiện cho tập trung tích tụ đất đai để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa
- Sửa đổi Luật Đất đai, trong đó có quy định một trong các hình thức tập trung, tích tụ đất đai là: cơ quan nhà nước ( Trung tâm phát quỹ đất) thực hiện việc thuê đất nông nghiệp của người dân, sau đó cho doanh nghiệp thuê lại theo giá và thời hạn thuê như nhà nước đã thuê với người dân.
- Cần quy định các chế tài thật chặt chẽ để doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thuê đất nông nghiệp trực tiếp với các hộ dân để sản xuất nông nghiệp có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan nhà nước.
- Cần bổ sung quy định về chế tài xử lý đối với trường hợp cố tình không thực hiện việc dồn đổi, tích tụ ruộng đất để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dồn đổi,tích tụ ruộng đất tạo điều kiện cho chính quyền địa phương thực hiện.
- Sửa đổi điều kiện nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất đất lúa (Điều 191 Luật Đất đai). Vì nếu như quy định hiện nay tổ chức kinh tế sẽ không được nhận chuyển nhượng đất lúa để sản xuất nông nghiệp, hộ gia đình,cá nhân không trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp cũng sẽ không được nhận đất lúa để sử dụng vào mục đích nông nghiệp. Như vậy sẽ không khuyến khích được phát triển nông nghiệp, không bảo đảm quyền của người sử dụng đất.
b)Đối với các pháp luật khác có liên quan
¬- Sửa đổi cho phù hợp giữa Luật Đất đai với Luật Đầu tư về hình thức đấu giá quyền sử dụng đất thuê với đấu thầu dự án có sử dụng đất; sửa đổi luật đất đai với Luật khoáng sản sao cho khi nhà nước cấp giấy phép khai thác khoáng sản hoặc công nhận quyền khai thác khoáng sản thông qua hình thức đấu giá quyền khai thác khoáng sản là phải được nhà nước cho thuê đất
-Trung ương cần có quy định hỗ trợ về vốn cho các địa phương để chi trả tiền thuê đất của các hộ dân phục vụ việc tích tụ đất đai, tiền đầu tư xây dựng hạ tầng ngoài hàng rào dự án (hệ thống giao thông, kênh mương, trạm bơn, trạm biến áp). Vì như hiện nay để thu hút doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nhà nước phải trả tiền một lần cho người dân cho thời gian thuê đấtnhưng doanh nghiệp đề nghị được chi trả số tiền thuê đất này làm 01 đến 02 lần trong thời gian thuê. Khi hệ thống cơ sở hạ tầng đáp ứng đủ, kịp thời thì doanh nghiệp sau khi nhận đất thuê có thể bắt tay ngay vào thực hiện dự án, làm đòn bẩy thu hút doanh nghiệp đầu tư
- Nhà nước cần quy định để hệ thống ngân hàng cho doanh nghiệp, cá nhân sản xuấtnông nghiệp công nghệ cao vay vốn chỉ cần có tài sản đã đầu tư trên đất mà không cần phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp để tiếp cận được vốn vay. Có cơ chế hỗ trợ thông thoáng và hợp lý để nhà đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi ưu tiên cho sản xuất nông nghiệp.