Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường thăm chính thức CHDCND Lào

Google News

Sáng 11/1, chuyên cơ chở Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu cấp cao rời Việt Nam đến Viêng Chăn thăm chính thức nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Sonexay Siphandone, Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Lào và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 45 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào từ ngày 11 - 12/1.

Tháp tùng Thủ tướng có: Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long; Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan.

Thu tuong Pham Minh Chinh len duong tham chinh thuc CHDCND Lao

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Lào từ 11-12/1

Ngoài ra, tham gia đoàn chính thức còn có: Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an; Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng; Phó Trưởng ban Thường trực Ban Đối ngoại Trung ương Nguyễn Thị Hoàng Vân và Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Thành.

Ngoài các thành viên đoàn chính thức, còn có lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương tham dự Kỳ họp lần thứ 45 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Lào, trong đó có Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Vũ Đại Thắng; Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Lê Quang Tùng.

Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; cũng là chuyến công tác nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng trong năm 2023. Thủ tướng Phạm Minh Chính là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên thăm chính thức Lào sau khi Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone nhậm chức.

Thu tuong Pham Minh Chinh len duong tham chinh thuc CHDCND Lao-Hinh-2

Phó Đại sứ Lào tại Việt Nam tiễn Thủ tướng Phạm Minh Chính tại sân bay - Ảnh VGP/Nhật Bắc
Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam đang phát triển vững chắc. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, hai nước vẫn giữ được đà và phát triển quan hệ trên các lĩnh vực.
Quan hệ chính trị tiếp tục phát triển tốt đẹp, hai bên phối hợp tổ chức thành công: Kỳ họp lần thứ 44 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Lào, Lễ phát động "Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam-Lào 2022"; thường xuyên tổ chức các chuyến thăm, tiếp xúc của Lãnh đạo cấp cao và các cấp từ Trung ương đến địa phương. Nổi bật, hai bên đã phối hợp tổ chức thành công Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 2022 và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào, cùng nhiều hoạt động có ý nghĩa khác tại thủ đô và các tỉnh thành của mỗi nước.
Trong hơn hai năm dịch COVID-19 bùng phát, Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước đã hỗ trợ nhau cả về kinh phí, vật tư, trang thiết bị y tế và cử chuyên gia hỗ trợ nhau phòng, chống dịch. Hợp tác quốc phòng, an ninh tiếp tục được củng cố, nhất là trong hợp tác cứu hộ, cứu nạn; tìm kiếm, quy tập và hồi hương hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào trong thời kỳ chiến tranh; kiểm soát biên giới; phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, đặc biệt là vấn đề buôn bán, vận chuyển ma túy.
Hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư tiếp tục được duy trì tốt. Hiện, Việt Nam có 238 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Lào, tổng vốn đăng ký khoảng 5,34 tỷ USD, duy trì vị trí thứ 3 đầu tư vào Lào. Kim ngạch thương mại hai chiều tính đến hết tháng 11/2022 đạt 1,5 tỉ USD, và ước đạt hơn 1,6 tỷ trong cả năm 2022, tăng hơn 20% so với năm 2021. Bên cạnh kinh tế, hai nước tiếp tục thúc đẩy hợp tác giáo dục, đào tạo và văn hóa. Hiện, tổng số lưu học sinh Lào đang học tập tại Việt Nam khoảng 14.000 người.
Các địa phương hai nước, nhất là các địa phương có chung biên giới tiếp tục được tăng cường, đặc biệt trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, chăm sóc y tế, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn tại các khu vực biên giới hai nước. Trong đó, các địa phương của Việt Nam tiếp tục tiếp nhận bệnh nhân của Lào sang cấp cứu, điều trị tại Việt Nam, được Bạn đánh giá cao.
Hai bên phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn hợp tác khu vực và quốc tế, nhất là trong khuôn khổ ASEAN, Liên hợp quốc và các cơ chế tiểu vùng...
PV

>> xem thêm

Bình luận(0)