Ngày 1-11, Bộ GTVT đã công bố quy hoạch mạng lưới đường sắt giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng phê duyệt. Trong đó, đáng chú ý nhất là việc bổ sung quy hoạch tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, mà quy hoạch trước đây chưa từng đề cập.
Theo đó, từ nay đến năm 2030 sẽ đầu tư xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, trong đó ưu tiên triển khai đầu tư trước đoạn Hà Nội - Vinh, Nha Trang - TP.HCM.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết đây là cơ sở quan trọng để Bộ GTVT tham mưu cho Chính phủ xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam hiện đại để cạnh tranh với hàng không.
“Trong nhiệm kỳ này Chính phủ sẽ báo cáo Bộ Chính trị, trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án này để kỳ tới chuẩn bị các bước đầu tư, giải phóng mặt bằng nhằm sớm khởi công tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam theo đúng quy hoạch được phê duyệt” - ông Thể cho hay.
|
Ảnh minh họa. |
Trước đó, Bộ GTVT trình Thủ tướng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Theo đề xuất, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dài 1.559 km chạy dọc hành lang Bắc - Nam, nối Hà Nội và TP.HCM. Tốc độ thiết kế đoàn tàu 350 km/giờ, tốc độ khai thác 320 km/giờ; được xây dựng để khai thác riêng tàu chở khách, còn đường sắt quốc gia hiện nay được cải tạo để chở hàng.
Theo tính toán của tư vấn, tàu khai thác tốc độ 320 km/giờ đi từ Hà Nội đến Vinh mất 1 giờ, trong khi thời gian chờ đợi và di chuyển bằng đường hàng không bao gồm cả tiếp cận, kiểm tra an ninh sẽ mất 3 giờ; trên chặng Hà Nội - Nha Trang là 4,2 giờ, tương đương thời gian đi máy bay khoảng 4,5 giờ; chặng Hà Nội - TP.HCM là 5,5 giờ, dài hơn máy bay chỉ 1 giờ nên tính cạnh tranh với đường hàng không khá cao.
“Với giá vé tàu tốc độ cao 320 km/giờ được tính toán và giữ ở mức bằng khoảng 75% giá vé bình quân máy bay thì người dân có thể lựa chọn tàu tốc độ cao. Xét thêm về tính thuận tiện đi lại và tính đúng giờ của đường sắt tốc độ cao sẽ càng hấp dẫn với hành khách…” - Bộ GTVT phân tích.
Nếu theo phương án trên, tổng mức đầu tư dự án dự kiến trên 58 tỉ USD (tương đương 1,3 triệu tỉ đồng). Trong đó, giai đoạn 1 cần khoảng 10,83 tỉ USD, giai đoạn 2 cần khoảng 13,83 tỉ USD. Hiện Thủ tướng đang giao Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định báo cáo của Bộ GTVT.
TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông, cho rằng với tiềm lực kinh tế hiện nay nên nâng cấp đường sắt quốc gia lên thành đường đôi, chưa nên điện khí hóa mà chỉ nên diesel hóa. Tức là dùng đầu máy hàng chục ngàn mã lực, nâng tốc độ chạy tàu từ 60 km/giờ như hiện nay lên 120-150 km/giờ. Với phương án này, ngân sách nhà nước chỉ tốn khoảng 10-15 tỉ USD và thực hiện trong 5-10 năm. Khi hoàn thành sẽ chở được hành khách lẫn hàng hóa.
“Còn đường sắt cao tốc Bắc - Nam theo tôi là nên đầu tư nhưng phải sau năm 2045. Bởi đầu tư quá sớm chúng ta không có tiền, đời sống người dân còn thấp, khó có điều kiện sử dụng tuyến đường sắt hiện đại như vậy… Đặc biệt nền công nghiệp đường sắt trong nước còn hạn chế, nếu đầu tư sớm phụ thuộc quá nhiều vào nước ngoài sẽ khó hiệu quả và dẫn đến thua lỗ…” - ông Thủy cho hay.