Tháng 5/2008, Quốc hội ban hành Nghị quyết 15 về điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và một số tỉnh liên quan. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/8/2008.
Mở rộng và phát triển
Theo Nghị quyết, thủ đô bao gồm: Hà Nội, toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và 4 xã của huyện Lương Sơn (Hòa Bình). Sau sáp nhập, Hà Nội rộng hơn 3.300 km2 và nằm trong số 17 thành phố, thủ đô lớn nhất thế giới.
Thủ đô Hà Nội thời điểm hợp nhất (tháng 8/2008) với dân số 6,2 triệu người, gồm 29 quận, huyện, thị xã và 577 xã, phường, thị trấn. Qua 15 năm phát triển, đến nay dân số của Hà Nội khoảng 8,6 triệu người (gấp 1,37 lần so với thời điểm sáp nhập), có 30 quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn.
|
Thời khắc địa giới hành chính Hà Tây được sáp nhập vào Hà Nội. |
Sau sáp nhập, Hà Nội luôn duy trì tăng trưởng cao (gần 6,7%/năm), bình quân gấp 1,12 lần so với mức tăng chung của cả nước. Năng suất lao động năm 2022 đạt 291,3 triệu đồng/lao động, gấp 2,34 lần năm 2011 (124,5 triệu đồng/lao động) và gấp 1,6 lần bình quân cả nước (181,1 triệu đồng/lao động).
Ngành du lịch của TP Hà Nội được chú trọng phát triển, dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong nhóm 10 thành phố tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Hà Nội đứng thứ 15 trong danh sách 25 điểm đến du lịch phổ biến trên thế giới.
Năm 2022, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 18,7 triệu người, trong đó khách quốc tế 1,5 triệu người. Ước tính 6 tháng đầu năm 2023, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 12,33 triệu lượt (tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái).
Giai đoạn 2008-2022, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô huy động gần 4,04 triệu tỷ đồng, tăng hằng năm 11,04%. Thành phố triển khai nhiều giải pháp, đã thu hút mới trên 4,5 nghìn dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 33 tỷ USD. Các doanh nghiệp FDI đã đóng góp trên 10% thu ngân sách, 11% số lao động trong các doanh nghiệp, 11% vốn đầu tư phát triển toàn xã hội…
Sau sáp nhập, an sinh xã hội được đảm bảo, phúc lợi xã hội và chất lượng cuộc sống của người dân Hà Nội được nâng cao. Thành phố đã triển khai 4 dự án nước sạch, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của 100% dân cư đô thị và mở rộng. Từ năm 2008, không còn xã, thôn trong diện đặc biệt khó khăn.
Phát triển toàn diện “khối thống nhất”
Việc Hà Nội mở rộng địa giới hành chính là tiền đề quan trọng để tạo không gian, động lực nhằm đáp ứng được yêu cầu mục tiêu đã được đề ra trong Nghị quyết số 15-NQ/TƯ về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
|
Phát triển Hà Nội theo hướng đô thị thông minh, hiện đại.
|
Điển hình trong tháng 6/2023, TP Hà Nội đã khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Đây là Dự án quan trọng quốc gia đầu tiên triển khai thực hiện theo quy định của Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư, đồng thời là dự án có tính chất liên vùng đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị. Đường Vành đai 4 được triển khai với mục tiêu giúp tái cấu trúc đô thị của các địa phương trong vùng, khai thác hiệu quả các đô thị vệ tinh; đồng thời phát triển đô thị hóa, thu hút đầu tư, tạo nguồn lực phát triển cho các địa phương trong vùng.
Trong 15 năm qua, nhiều tuyến đường vành đai, trục hướng tâm, cầu vượt được đầu tư, từng bước hình thành hệ thống giao thông đường bộ khép kín. Hàng loạt dự án giao thông lớn nhỏ được thực hiện kết nối trung tâm với các vùng ngoại vi. Nhiều tuyến cao tốc quan trọng kết nối vùng, lấy Thủ đô làm trung tâm đã hoàn thành, đưa vào khai thác như: Hà Nội - Lào Cai; Hà Nội - Hải Phòng; Pháp Vân - Cầu Giẽ... Trong khu vực nội đô, nhiều tuyến đường như: Vành đai 1, Vành đai 2 và một số đoạn tuyến của Vành đai 2,5 cùng Vành đai 3 và 3,5... được tích cực triển khai xây dựng; Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài được mở rộng.
Ngoài các dự án trọng điểm, TP đã hoàn thành, thông xe nhiều dự án, như Hầm chui Lê Văn Lương, cầu sông Lừ, hạng mục cầu xe máy đường Vành đai 3 đi thấp qua hồ Linh Đàm, cầu đi bộ qua đường Võ Nguyên Giáp tại khu vực Cảng hàng không quốc tế Nội Bài...
Sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội không chỉ khẳng định được tầm vóc mới, tâm thế mới, mà còn chủ động, sáng tạo, linh hoạt để có những bước đi đột phá hơn trên con đường xây dựng và phát triển Thủ đô.
"Nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, là đưa Hà Nội trở thành TP thông minh, hiện đại, có bản sắc. Sớm đưa Thủ đô trở thành hạt nhân, là động lực phát triển của Vùng và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực, thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực.
Trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ trên, cũng như triển khai các chương trình, kế hoạch hành động, Hà Nội luôn lồng ghép, xác định rõ vai trò trách nhiệm của Thủ đô đối với quá trình phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước, Hà Nội sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong liên kết vùng", Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nói.
>>> Mời quý độc giả xem video: "Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) đóng góp ý kiến về về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2":