Đã ba ngày trôi qua, nhiều dấu vết của trận lũ lụt vẫn còn lưu lại trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Anh Nguyễn Viết Hiền (ngụ quận 3, TPHCM, lái xe khách chạy tuyến TPHCM-Bình Thuận) cho biết, kể từ ngày xảy ra sự cố ngập lụt, nhiều tài xế lưu thông qua cung đường này lại bất an nếu có mưa lớn. "Nếu quan sát kỹ, đoạn đường bị ngập vừa qua như một lòng chảo. Nền đường quá thấp, cống thoát nước lại nhỏ, nếu không sửa nhanh thì sắp tới sẽ còn ngập” - anh Hiền nêu ý kiến.
|
Nước ngập đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây hôm 29/7 khiến xe ô tô không lưu thông được |
Trước đó vào sáng 29/7, mưa lớn khiến nước tràn vào cao tốc Phan Thiết- Dầu Giây. Đoạn qua huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận tại Km25+ 419 bị ngập sâu, có nơi gần 1 m khiến nhiều ô tô chết máy, giao thông qua khu vực này bị tê liệt. Làm việc với lãnh đạo các sở, ban ngành chức năng tỉnh Bình Thuận chiều 31/7, Giám đốc điều hành dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết Đặng Hùng Thái khẳng định, nguyên nhân ngập nặng là mưa lớn và nước từ đập sông Phan xả về, không phải do vấn đề đặt cống hay thiết kế công trình.
Đại diện Công ty CP Tư vấn Xây dựng 533 (đơn vị tư vấn thiết kế) cho rằng, tuyến đường được thiết kế phù hợp, có tính toán dữ liệu thủy văn và địa hình trước đó. Cao tốc ngập còn do cây cối mọc nhiều ở ven sông Phan gây cản trở dòng chảy.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Tân - Trác Xuân Cường khẳng định, ý kiến của đại diện ban quản lý và đơn vị tư vấn cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết không chính xác, bởi cây cối mọc tự nhiên hai bên bờ không ảnh hưởng nhiều đến dòng chảy của sông Phan. Ông Cường cho rằng, độ dốc hạ cốt nền đường cao tốc qua đoạn vừa bị ngập quá thấp có thể là nguyên nhân gây ngập nên cần đánh giá lại khâu thiết kế.
Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bình Thuận, đoạn đường trũng nhưng chỉ đặt một cống thoát nước rộng 2,5 m x 2,5 m là quá nhỏ, khó đảm bảo thoát nước khi mưa lớn. Ngoài ra, mực nước sông dâng lên do mưa lũ cũng cần được đơn vị tư vấn tính toán lại để thiết kế cống phù hợp hơn.
Đặc biệt, ông Huỳnh Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Bình Thuận khẳng định, đơn vị tư vấn thiết kế lấy số liệu của đỉnh lũ sông Phan năm 1992 để tính toán hạng mục thoát nước qua đoạn này là chưa toàn diện bởi đỉnh lũ của sông Phan vào năm 1999 cao hơn nhiều so với năm 1992. Ngoài ra, độ dốc của đường cao tốc qua đoạn vừa bị ngập thiết kế quá sâu, đến mức không cần thiết.
Ông Thanh đặt vấn đề: Vì sao thiết kế mặt đường tại vị trí Km25+419 bị hạ cốt nền xuống thấp làm nước tràn vào đường cao tốc? Có phải vị trí này có đường điện cao thế, thiết kế như vậy để đảm bảo khoảng cách an toàn với đường dây điện này không?
Theo ông Phan Đình Minh, Giám đốc Truyền tải điện Bình Thuận, khoảng cách từ dây dẫn điện xuống mặt đường tại vị trí Km25+419 chỉ cần 14 m. Trong khi đó, vị trí thấp nhất trên mặt đường ở Km25+419 so với đường dây đến 25m. Do đó, không phải vì đường điện cao thế mà phải hạ cốt nền sâu đến như vậy.