Quy định cung cấp thông tin đất đai chưa thỏa đáng
ThS Nguyễn Đình Phúc, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Pháp luật và Xã hội cho rằng, Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) có nhiều vấn đề cần phải xem xét thêm.
Cụ thể, về trách nhiệm của Nhà nước trong việc cung cấp thông tin đất đai tại Điều 19, ông Phúc cho rằng, nội dung trong Dự thảo Luật là chưa thỏa đáng, chưa đáp ứng các yêu cầu của xã hội về minh bạch trong quản lý và sử dụng đất đai.
|
Hội nghị “Lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học và các tổ chức, đơn vị về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)” do Liên hiệp hội Việt Nam phối hợp tổ chức |
Trong Luật Tiếp cận thông tin 2016 đã có quy định về thông tin công dân được tiếp cận và không được tiếp cận tại điều 5,6,7.
Theo đó, toàn bộ thông tin do Nhà nước tạo ra trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai, bao gồm: các quyết định hành chính, văn bản chấp thuận của cấp có thẩm quyền liên quan đến các dự án có sử dụng đất, quyết định trúng đấu thầu, đấu giá, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, phê duyệt tài chính về đất đai, báo cáo kết luận thanh tra, kiểm tra, xử phạt, tất cả phải được công khai rộng rãi, đảm bảo minh bạch trong quản lý, sử dụng đất. Đồng thời, việc công khai cần đảm bảo khả năng tiếp cận tối đa cho người có nhu cầu tiếp cận thông tin.
Trong quá trình thực hiện đề tài trọng điểm cấp nhà nước "Những vấn đề lý luận và thực tiễn về quyền tiếp cận thông tin ở nước ta hiện nay", qua tổng kết kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới như Cộng hòa Singapore, Liên hiệp Vương Quốc Anh và Bắc Ai Len, ThS Nguyễn Đình Phúc và các cộng sự đều đi đến một kết luận rằng: Thông tin càng được công khai bao nhiêu, thì sức ép yêu cầu cung cấp thông tin càng giảm bấy nhiêu, minh bạch tăng đồng nghĩa với khiếu kiện, khiếu nại giảm.
Ở nước ta, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 ra đời đã cụ thể hóa các quy định trong Hiến pháp về quyền tiếp cận thông tin. Đến năm 2021, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về đã khẳng định: “Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình” là một trong mười hai định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030.
Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII cũng tiếp tục khẳng định "Quản lý và sử dụng đất phải bảo đảm lợi ích chung của toàn dân; nhân dân được tạo điều kiện tiếp cận, sử dụng đất công bằng, công khai, hiệu quả và bền vững"; đảm bảo công khai, minh bạch trong quá trình: "giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất...; "bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; "xác định giá đất"; "tài chính về đất đai"...
Do đó, đảm bảo công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai là cần thiết và phải được nhấn mạnh hàng đầu trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.
Theo ông Phúc, cần bổ sung các khoản 4, 5 vào Điều 19 Dự thảo Luật về Trách nhiệm của Nhà nước trong việc cung cấp thông tin đất đai. Cụ thể như sau:
Toàn bộ thông tin do Nhà nước tạo ra trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai, bao gồm các quyết định hành chính, văn bản chấp thuận của cấp có thẩm quyền liên quan đến các dự án có sử dụng đất, quyết định trúng đấu thầu, đấu giá, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, phê duyệt tài chính về đất đai, báo cáo kết luận thanh tra, kiểm tra, xử phạt phải được công khai rộng rãi, đảm bảo minh bạch trong quản lý, sử dụng đất.
Ngoài các hình thức công khai khác theo pháp luật về tiếp cận thông tin, cơ quan ban hành phải công khai trên trang thông tin điện tử của cơ quan đó.
“Trong quá trình thực thi chính sách, pháp luật về đất đai, các cơ quan có thẩm quyền phải đảm bảo công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình các thông tin do mình tạo ra theo phân công, phân cấp", ông Phúc cho hay.
Xem lại các quy định về giao đất, cho thuê đất…
Về các trường hợp giao đất, cho thuê đất không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu dự án có sử dụng đất quy định tại Điều 125, theo ThS Nguyễn Đình Phúc, sẽ xảy ra trường hợp dẫn đến không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu dự án có sử dụng đất (hoặc nhầm lẫn trong áp dụng Luật).
Trường hợp này xảy ra khi: Chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp; chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở; Chuyển sang đất thương mại, dịch vụ đối với các loại đất: đất xây dựng công trình sự nghiệp, đất sử dụng vào mục đích công cộng có mục đích kinh doanh, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp.
Các trường hợp này xung đột với Điều 126, 127 của Dự thảo Luật và Quy định của Luật Đấu thầu, Luật Nhà ở.
Từ đó, ông Phúc đề xuất, Dự thảo nên bỏ mục này, hoặc phải ghi rõ: "Người sử dụng đất chuyển mục đích sử dụng đất thuộc quy định tại Điều 121 của Luật này trừ trường hợp sử dụng đất tại đô thị và khu vực quy hoạch phát triển đô thị, dự án có xây dựng nhà ở thương mại".
Về nội dung Đấu giá quyền sử dụng đất tại Điều 126, tại Điểm b, khoản 2, theo ông Phúc cũng cần phải xem lại.
Cụ thể, Dự thảo Luật đất đai nêu: Phải có quy hoạch chi tiết 1/500 được cơ quan có thẩm quyền lựa chọn.
Tuy nhiên, trong pháp luật đất đai không có "quy hoạch chi tiết 1/500". Pháp luật về xây dựng, quy hoạch thì gọi là "Quy hoạch chi tiết xây dựng" của Dự án. Mặt khác, một số dự án có thể chỉ cần lập Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 làm cơ sở lập dự án đầu tư xây dựng và cấp giấy phép xây dựng. Ví dụ như Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn theo Điều 31 Luật Xây dựng 2014, sửa đổi, bổ sung năm 2020. Và cơ quan có thẩm quyền cũng không "lựa chọn", mà là "phê duyệt".
Do đó, ông Phúc cho rằng, điểm d, khoản 2 Điều 126 cần sửa lại là: "Phải có quy hoạch chi tiết xây dựng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt".
>>> Mời quý độc giả xem video: "Bắt Phó chủ tịch UBND TP Phan Thiết vì sai phạm liên quan đến đất đai":