Ngày 28/9, Cơ quan An ninh Điều tra (Công an tỉnh Hà Giang) cho biết, đơn vị vừa ra quyết định khởi tố vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ để điều tra dấu hiệu gian lận thi cử xảy ra vào tháng 7/2017 tại Hà Giang.
Việc khởi tố vụ án căn cứ vào kết quả giải quyết nguồn tin tố giác tội phạm của luật sư Hoàng Văn Hướng (bào chữa cho bị cáo Triệu Thị Chính, nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang) được nêu tại bản án sơ thẩm ngày 25/10/2019.
Theo sự tố giác này, trong Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017, hai thí sinh cá biệt tại điểm thi của huyện Xín Mần là Sùng Văn Đ. và Nguyễn Văn T. đã đạt điểm cao, trúng tuyển vào một trường đại học khối công an và có thông tin về việc thí sinh phải "chạy" 500 triệu đồng để đạt điểm cao.
|
Các bị cáo trong phiên tòa xét xử vụ gian lận thi cử tại Hà Giang. Ảnh: Báo Nhân dân
|
Những người tác động nâng điểm thi sẽ bị xử lý hình sự
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, theo quy định của pháp luật, nếu có căn cứ cho thấy vụ việc có dấu hiệu tội phạm, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự để tiến hành điều tra.
“Quá trình điều tra, cơ quan điều tra sẽ làm rõ ai là người đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, hành vi vi phạm pháp luật diễn ra như thế nào, ở đâu, gây hậu quả như thế nào đối với xã hội để làm căn cứ tiến hành các thủ tục tố tụng tiếp theo. Trường hợp có hành vi phạm tội xảy ra từ năm 2017, đến nay vẫn trong thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, do đó, nếu phát hiện ra hành vi vi phạm pháp luật, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự, tiến hành các hoạt động điều tra” - luật sư Cường nêu ý kiến.
Dẫn Điều 4, BLHS năm 2015, luật sư Cường cho rằng, theo quy định, không chỉ có cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan bảo vệ pháp luật mới có trách nhiệm đấu tranh phòng chống tội phạm mà kể cả các cơ quan bổ trợ tư pháp, những người tham gia tố tụng như luật sư hoặc bất cứ công dân nào mà phát hiện tội phạm đều có quyền trình báo tố giác tội phạm, có nghĩa vụ tích cực tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm.
Căn cứ vào quy định này nên một số luật sư bào chữa cho các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm vụ gian lận điểm thi ở Hà Giang đã kiến nghị tòa án chuyển hồ sơ, tài liệu cho cơ quan an ninh điều tra để tiến hành xác minh làm rõ và xử lý đối với sai phạm liên quan đến gian lận thi cử năm 2017 trở về trước là có cơ sở, đúng pháp luật.
Trên cơ sở các tình tiết chứng cứ có trong vụ án hình sự gian lận điểm thi năm 2018 tại Hà Giang, căn cứ vào kết quả xác minh điều tra của Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Giang, đến nay đã khởi tố vụ án hình sự. Đây là bước đầu của vụ án hình sự, là cơ sở để cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ ai là người đã thực hiện hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn để tiếp tục khởi tố bị can để tiến hành các hoạt động điều tra theo quy định pháp luật.
Theo luật sư Cường, tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ là tội phạm có chủ thể đặc biệt là người có chức vụ quyền hạn, đã vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái công vụ gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước hoặc thiệt hại đến lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân.
“Hành vi vì thân quen, vụ lợi làm trái công vụ, nâng điểm cho các thí sinh cướp đi cơ hội học tập của các học sinh khác là hành vi gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, làm giảm sút uy tín của nhân dân đối với chính quyền. Bởi vậy, nếu có chứng cứ có người đã thực hiện hành vi tác động làm thay đổi điểm số, nâng điểm của học sinh nhằm trúng tuyển vào các trường đại học thì đây là hành vi vi phạm pháp luật, đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 356 bộ luật hình sự năm 2015 với mức phạt cao nhất có thể đến 15 năm tù”- luật sư Cường nêu ý kiến.
Luật sư Cường cho rằng, Cơ quan điều tra sẽ làm rõ những người nào đã tác động để nâng điểm thi cho thí sinh để xử lý hình sự đối với những người này. Những người chủ mưu, người trực tiếp thực hiện hành vi nâng điểm, những người giúp sức, xúi giục nâng điểm kể cả lực lượng kiểm tra giám sát, giám sát kỳ thi, lực lượng dọc phách, ghép phách, giữ bài thi, lực lượng chấm, các phụ huynh, người nhà thí sinh… nếu có liên quan cũng sẽ đều có thể xem xét xử lý hình sự theo quy định tại điều 356 BLHS năm 2015 với vai trò đồng phạm.
Nếu có căn cứ cho thấy, những người sửa điểm, nâng điểm cho các thí sinh là thực hiện công việc theo yêu cầu của người “nhờ vả” bằng cách đưa tiền để “mua điểm, chạy trường” thì sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội đưa hối lộ và tội nhận hối lộ, đồng thời xử lý đối với những người đã thực hiện hành vi đưa tiền và nhận tiền theo quy định tại điều 354 và điều 364 bộ luật hình sự năm 2015.
|
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường. |
Nếu gian lận, hai thí sinh có bị tước bằng?
Đối với hai thí sinh Hà Giang trúng tuyển trường công an, luật sư Cường cho rằng, trường hợp các thí sinh gian lận điểm thi từ năm 2017 trở về trước, thời điểm này có thể đang chuẩn bị ra trường hoặc đã ra trường. Do đó, cơ quan điều tra sẽ kiến nghị với cơ sở giáo dục hủy bỏ kết quả thi, hủy bỏ kết quả học đối với các thí sinh này theo quy chế của Bộ GD&ĐT.
Đặc biệt là đối với các thí sinh theo học trong các trường thuộc lực lượng vũ trang, môi trường này sẽ có các hình thức xử lý kỷ luật sẽ nghiêm khắc hơn bởi lực lượng vũ trang là lực lượng đòi hỏi con người phải trung thực, có đạo đức, có trí tuệ thì mới đủ khả năng phục vụ, làm việc trong môi trường này.
“Khi sinh viên không đủ năng lực mà vào trường học, rất có thể sẽ tiếp tục tiêu cực để được duy trì thời gian học, được tốt nghiệp và không loại trừ khả năng sẽ tiếp tục dùng tiền để được bố trí công tác. Khi có vị trí rồi, sẽ thực hiện các hành vi tiêu cực để “thu hồi vốn” và “lấy lời” trong suốt quá trình đầu tư như vậy! Những con người không đủ trình độ phẩm chất, không đủ năng lực và biết cách gian lận, tiêu cực từ khi mới còn là sinh viên, sau này giữ những cương vị, vị trí nắm giữ sinh mệnh chính trị của người khác, đó là hiện tượng hết sức nguy hiểm cho xã hội”- luật sư Cường nêu ý kiến.
Những năm gần đây, một số cơ sở giáo dục tuyển sinh ở mức điểm rất cao, nên đến 29 điểm, thậm chí 30 điểm vẫn có thể trượt là những dấu hiệu bất thường, không loại trừ trường hợp có gian lận, tiêu cực dẫn đến chỉ tiêu giảm đi. Các thí sinh và người nhà thí sinh đã bỏ tiền ra mua điểm, chạy trường như vậy vô hình trung đã đánh cắp cơ hội của những người có năng lực khác, làm gia tăng tiêu cực xã hội, làm mầm mống để phát sinh các hệ lụy tiêu cực khác trong xã hội, làm suy giảm niềm tin của người dân đối với chính quyền.
Bởi vậy, việc phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm như vậy là cần thiết, đảm bảo các kỳ thi được tổ chức, thực hiện một cách minh bạch, công bằng, tạo cơ hội cho những người có đủ năng lực phẩm chất có cơ hội phấn đấu và là điều kiện để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, công bằng, bình đẳng xã hội.
>>> Mời độc giả xem thêm video Khóc ngất vì lãnh án trong vụ gian lận thi cử tai tiếng ở Hòa Bình: