Thể thao khiêu dâm phạt 5-10 triệu: Yoga, Dance sport có 'mùi' đồi truỵ... xử?!

Google News

(Kiến Thức) - Theo ông Phạm Xuân Phúc - Phó Chánh thanh tra Bộ VHTT&DL cho biết, Yoga đã xuất hiện yoga khoả thân, dance sport hay thể dục dưỡng sinh cũng có hình thức tập luyện không đúng, không phù hợp với thuần phong mỹ tục... Vậy có bị cho là thể thao khiêu dâm, có phạt không?

Từ ngày 1/8, Nghị định 46/2019/NĐ-CP về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao sẽ có hiệu lực. Một trong những quy định trong Nghị định trên đang khiến dư luận có nhiều ý kiến trái chiều, đó là, hành vi sử dụng các bài tập, môn thể thao hoặc các phương pháp tập luyện, thi đấu thể thao mang tính chất khiêu dâm, đồi trụy, kích động bạo lực, trái với đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và bản sắc văn hóa dân tộc của Việt Nam có thể bị xử phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Nhiều ý kiến băn khoăn các bài tập, môn thể thao hoặc các phương pháp tập luyện, thi đấu thể thao thế nào thì mang tính chất khiêu dâm, đối trụy đến mức phải xử phạt. Trong khi đó chưa có hướng dẫn chi tiết, cụ thể để thực thi. Liệu có đủ cán bộ đi kiểm tra thường xuyên tại các phòng tập để xử phạt hành vi cho là khiêu dâm, đồi trụy ấy hay không?
Mới đây, tại cuộc họp báo thường kỳ quý II của Bộ VHTTDL diễn ra ngày 1/8, Phó Chánh thanh tra Bộ VHTTDL - ông Phạm Xuân Phúc cho biết, qua thực tế kiểm tra, một số môn thể thao hiện nay như Yoga đã xuất hiện Yoga khoả thân. Hoặc thậm chí thể dục dưỡng sinh cũng có những hình thức như "suối nguồn tươi trẻ". Những hoạt động như thế này không phù hợp với thuần phong, mỹ tục. Thậm chí, theo ông Phạm Xuân Phúc, Bộ VHTTDL còn biết cả môn dance sports cũng ăn mặc phản cảm và có những động tác biến tấu không phù hợp, hình thức tập luyện không đúng.
Quy dinh the thao khieu dam phat 5-10 trieu: Yoga, Dance sport co 'mui' doi truy... xu?!
Nhiều ý kiến băn khoăn các bài tập, môn thể thao hoặc các phương pháp tập luyện, thi đấu thể thao thế nào thì mang tính chất khiêu dâm, đối trụy đến mức phải xử phạt. 
Trên thực tế có hiện tượng như lời ông Phạm Xuân Phúc nói khi tại một số môn thể thao như Yoga, dance sports…một số người đã biến tướng phương pháp tập luyện bằng cái bài tập không đúng, có hiện tượng khỏa thân khi tập Yoga. Tuy nhiên, đa số hiện tượng trên diễn ra ở một số nơi trên thế giới chứ tại Việt Nam nếu có thì cũng là con số vô cùng nhỏ trong số những người tập luyện những môn thể thao trên.
Nếu chỉ dựa vào đó để cho rằng, môn thể thao hoặc các phương pháp tập luyện, thi đấu thể thao mang tính chất khiêu dâm và đưa vào quy định để xử phạt thì khó khả thi trong thực tế. Nhất là khi thể thao vốn là lĩnh vực nhạy cảm trong trang phục và động tác, nếu không nói rõ khái niệm thế nào là hành vi khiêu dâm trong thể thao thì rất khó khiến người tập thể dục thể thao chấp hành khi bị xử phạt.
Để có thể xử phạt những môn thể thao mang tính chất khiêu dâm cần định nghĩa thế nào là khiêu dâm trong thi đấu thể thao và quy định như thế nào là mang tính chất khiêu dâm, đồi trụy. Tuy nhiên, như lời ông Phúc quy định nêu trên chỉ mang tính định tính chứ chưa định lượng được.
Hiện nay, chưa có văn bản pháp luật nào giải thích một cách chính thức về khái niệm "khiêu dâm". Dù khái niệm này đã được đề cập ở một số văn bản như tại khoản 5 điều 3 Nghị định 178/2004/NĐ-CP ngày 15/10/2004 quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh phòng, chống mại dâm có định nghĩa: "Khiêu dâm" là hành vi dùng cử chỉ, hành động, hình ảnh, âm thanh gây kích thích ham muốn tình dục" hoặc tại điều 3 Thông tư 09/2010/TT-BVHTTDL ngày 24/08/2010 của Bộ VHTTDL (đã hết hiệu lực kể từ ngày 1/1/2014) cũng định nghĩa: “Khiêu dâm được hiểu là hành vi dùng hình ảnh, ngôn ngữ, âm thanh, hành động khêu gợi, kích thích dâm ô, ham muốn tình dục trái với truyền thống đạo đức, thuần phong mỹ tục dân tộc Việt Nam bao gồm: mô tả bộ phận sinh dục, khoả thân, mô tả khoả thân hoặc không khoả thân nhưng kích thích tình dục, mô tả nhu cầu tình dục, thủ dâm dưới mọi hình thức”.
Dù trong các văn bản pháp luật hiện hành đã có quy định các hành vi như bán tranh, ảnh có nội dung khiêu dâm; dùng các phương thức phục vụ có tính chất khiêu dâm tại vũ trường, nhà hàng karaoke... là các hành vi bị cấm và có thể bị xử phạt hành chính.
Tuy nhiên trong lĩnh vực thể thao hiện nay không có quy định nào một cách cụ thể về hành vi khiêu dâm đồi trụy. Trên thực tế, nhiều môn thể thao như thể hình, Yoga, dance sports, thậm chí, bơi lội, bóng chuyền, tennis…các vận động viên, người tập luyện thường ăn mặc gọn nhẹ, thậm chí chỉ che đi bộ phận nhạy cảm để dễ dàng vận động, đồng thời để phô diễn cơ thể cùng những bài tập, động tác gợi cảm, mang tính chất tạo vẻ đẹp hình thể theo chủ đề bài biểu diễn.
Tất nhiên, trang phục và những động tác đó là bắt buộc theo phương pháp tập luyện của những môn thể thao này. Nhưng khi chưa có khái niệm thế nào là “khiêu dâm trong thể thao” thì cách ăn mặc và các động tác khi tập luyện có phải là hành vi khiêu dâm hay không. Bởi chỉ đánh giá bằng cảm tính thì sẽ dẫn đến cách nhìn lệch lạc và dễ bị quy chụp là khiêu dâm.
Ngay khi lời ông Phạm Xuân Phúc khi dẫn ví dụ về khiêu dâm trong thể thao cũng dẫn môn dance sports mà ông cho rằng ăn mặc phản cảm và có những động tác biến tấu không phù hợp, hình thức tập luyện không đúng.
Nếu xử phạt hành chính những hành vi trên thì căn cứ vào đâu để cho rằng hành vi ấy là khiêu dâm khi ngay khái niệm thế nào là khiêu dâm trong thể thao còn chưa rõ ràng. Nếu không xử phạt thì đó có được coi là hành vi khiêu dâm hay không.
Thực tế, với những người tập luyện thể thao thì những hành vi ấy đơn giản chỉ là bài tập luyện để phô diễn cơ thể, đáp ứng yêu cầu bài tập cũng như phương pháp tập luyện mà môn thể thao ấy yêu cầu nhưng trong mắt những người xem, thậm chí là cơ quan chức năng có thẩm quyền kiểm tra thì lại cho đó là khiêu dâm thì liệu có xử phạt được hay không. Bởi đánh giá khiêu dâm hay không qua con mắt người xem chứ không phải là những đang người tập luyện thể thao, thể hiện những động tác đó.
Ngay như ông Phạm Xuân Phúc cũng nói rằng, về khái niệm “thể thao mang tính chất khiêu dâm” sẽ được cụ thể hóa thế nào trong thông tư hướng dẫn tới đây là điều rất khó, do có những điều khoản để răn đe là chính.
Khi mà chính những người soạn thảo quy định còn chưa định lượng được thế nào là khiêu dâm trong thể thao thì làm sao những người tập luyện những môn thể thao ấy biết được cách ăn mặc, động tác tập luyện, biểu diễn nào được cho là mang tính chất khiêu dâm để tránh. Bởi vậy, ngay các vận động viên, những người tập luyện thể thao cũng cho rằng, cấn làm rõ, quy định rõ, các hoạt động thể dục thể thao ăn mặc như thế nào cho vừa không khiêu dâm, vừa đáp ứng được các bài tập hay như các động tác nào là khiêu dâm để chỉnh sửa lại các bài tập.
Không chỉ trong các môn thể thao nếu mở rộng theo quy định trên thì các loại hình trình diễn nghệ thuật, múa, hay ngay phần thi trình diễn áo tắm trong các cuộc thi sắc đẹp có được xem là hành vi khiêu dâm hay không?
Dư luận cũng đặt ra thắc mắc, ai sẽ là người kiểm tra, thanh tra để phát hiện những hành vi khiêu dâm trong tập luyện thể thao khi mà phong trào tập luyện thể thao phát triển mạnh mẽ trong đại đa số nhân dân, các phòng tập mọc ra ở khắp nơi. Và việc quy định xử phạt hành vi khiêu dâm trong thể thao khi chưa định nghĩa rõ ràng về khái niệm còn làm cản trở sự phát triển của các môn thể thao đòi hỏi người tập phải ăn mặc hở hang, động tác gợi cảm hay không?
Phân tích như vậy để thấy rằng, một quy định đưa ra và áp dụng vào thực tế phải được nghiên cứu cụ thể rõ ràng, chứ không phải cứ đưa ra để mang tính chất răn đe là chính, bởi quy định không mang tính khả thi sẽ làm giảm đi niềm tin vào những người soạn thảo quy định mang tính chất pháp luật như trên.
Thiên Nga

>> xem thêm

Bình luận(0)