Thấy gì từ đề thi văn vào lớp 10 năm nay?

Google News

Từ năm 2021, ngành giáo dục sẽ tiến hành đổi mới kỳ thi THPT, đổi mới cách kiểm tra đánh giá. Tuy nhiên, dường như tư duy sách giáo khoa là số 1 vẫn chưa thể “thoát li” trong cách ra đề hiện nay.

Thay gi tu de thi van vao lop 10 nam nay?
 Thí sinh thở phào vì đề thi văn năm nay “trúng tủ”. Ảnh: Như Ý
Hà Nội, TPHCM và một số tỉnh thành đã kết thúc kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập năm học 2020 - 2021. Như thường lệ, môn thi được dư luận quan tâm nhất là Ngữ văn và Toán. Đề thi ngữ văn của Hà Nội và đề thi của TPHCM cho người đọc hai cảm xúc khác nhau. Đối với đề thi của TPHCM, các giáo viên nhận xét là táo bạo, đột phá khi đưa dữ kiện, hơi thở của cuộc sống vào trong đề thi; nội dung đề thi đưa ra đã thoát thai khỏi sách giáo khoa hiện hành. Trong khi đó, đề ngữ văn của Hà Nội lại hoàn toàn ngược lại.
Cô Phạm Thái Lê, giáo viên dạy ngữ văn Trường THCS-THPT Marie Curie (Hà Nội) nhận xét, đề thi môn ngữ văn của Hà Nội năm nay tiếp tục ra theo cấu trúc và nội dung rất quen thuộc. Với cách ra đề như vậy, thầy trò ôn tập bám sát SGK lâu nay sẽ rất hân hoan. Học sinh vui vì “trúng tủ” cũng không có gì lạ khi đề thi bám vào SGK như vậy. Với đặc thù của môn ngữ văn thì trong chương trình, SGK có mấy tác phẩm nên việc “đoán tủ” và “trúng tủ” vẫn thường xảy ra. Năm nay, xác suất “trúng tủ” lại càng cao hơn vì số lượng tác phẩm trong chương trình đã được giới hạn bởi hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về tinh giản, cắt bỏ một số bài học, tác phẩm không dạy do dịch COVID-19.
Về phần nghị luận xã hội, cô Thái Lê cho rằng, vấn đề đặt ra trong đề thi cũng khá hay khi yêu cầu học sinh trình bày suy nghĩ: “Cách ứng xử là tấm gương phản chiếu nhân cách mỗi con người”. Tuy nhiên, ngữ liệu của phần này cũng vẫn lấy từ sách giáo khoa môn văn lớp 9. Đây cũng là điểm nữa thể hiện mong muốn “an toàn” từ phía những người ra đề, vẫn quan niệm SGK là chính thống. Điều này khiến học sinh sẽ khó thoát ly được SGK cũng như chịu khó đọc các văn bản phong phú hơn trong quá trình học tập, ôn luyện. Mặc dù vậy, cô Lê nhìn nhận, cái hay của phần nghị luận xã hội trong đề là đã chạm vào được vấn đề thực tiễn, hướng học sinh liên hệ từ những bài học trong sách vở tới thực tế cuộc sống, hay nói cách khác là “đưa hơi thở cuộc sống” vào sách vở.
Hà Nội cũng có sự thay đổi trong những năm gần đây trong cách ra đề, nhưng nếu so sánh với TP.HCM thì rõ ràng là đề thi của TP.HCM đổi mới và có tác động lại cách dạy học tốt hơn, đúng với mục tiêu đổi mới theo hướng phát triển năng lực của học sinh mà Bộ GD&ĐT đang hướng tới. Tuy nhiên, cô Phạm Thái Lê cho rằng, về cơ bản, từ khi Hà Nội tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 10 (từ 2006) thì dường như đề ngữ văn vẫn giữ nguyên phom cũ, chưa có sự đột phá sáng tạo.
Không chỉ đề ngữ văn của Hà Nội mà ở các địa phương đã tổ chức thi tuyển sinh lớp 10 THPT thời gian này, trừ TPHCM, còn lại, nội dung ra đề thi vẫn rất an toàn, không đột phá. Ở một vài địa phương, dữ liệu có thể không phải là SGK nhưng những yêu cầu đối với học sinh vẫn chỉ na ná những gì trong SGK đã dạy như Nghệ An, Đà Nẵng…
TS Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên dạy Văn của trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) cho rằng, đề thi ngữ văn an toàn, vừa sức với học trò, nhưng dư luận vẫn luôn chờ đợi một sự thay đổi lớn hơn, để đề văn “văn chương” hơn, mới mẻ hơn. Còn cô Phạm Thái Lê khẳng định, đã từng không ít lần nêu ý kiến của mình xung quanh vấn đề này.
Theo cô, muốn đổi mới căn bản việc dạy học văn phải đổi mới về cách ra đề thi. Tâm lý thi gì học nấy là điều dễ hiểu, nhất là với những kỳ thi có ý nghĩa quan trọng như thi tuyển sinh vào lớp 10 này. “Là giáo viên, chúng tôi hiểu rất rõ điều này. Khi dạy các lớp 6, 7, chúng tôi rất “tung tẩy”, đổi mới phương pháp, ra những đề kiểm tra “đủ độ” để tìm ra những học sinh có tố chất, có sáng tạo, có tư duy độc lập... Tuy nhiên, đến lớp 8 và đặc biệt là lớp 9, thì chúng tôi lại trở thành “máy dạy” theo “khuôn khổ” cách thức ra đề thi lớp 10 truyền thống, để đảm bảo học sinh của mình đi thi đạt điểm tốt”, cô Phạm Thái Lê chia sẻ.
Theo Nghiêm Huê/Tiền Phong

>> xem thêm

Bình luận(0)