Thời gian gần đây, nhiều gia đình trình báo con gái “mất tích”, trong đó đã có trường hợp bị sát hại, cướp tài sản như vụ thiếu nữ Lê Thị Thùy L. (21 tuổi, quê Thanh Hóa) bị đối tượng Hoàng Minh Hào (20 tuổi, trú tại thị trấn Kép, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) sát hại, cướp tài sản, phi tang thi thể trong tủ bếp căn phòng trọ ở quận Cầu Giấy (Hà Nội).
Xung quanh vấn đề trên, trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội đã đưa ra những góc nhìn pháp lý về tâm lý tội phạm cũng như lời khuyên cho các gia đình, các cô gái trẻ để tránh trở thành nạn nhân của những vụ việc như trên.
|
Thiếu nữ Lê Thị Thùy L. nạn nhân vụ giết người, cướp tài sản. |
Các vụ sát hại thiếu nữ chủ yếu để cướp tài sản
Gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ thiếu nữ mất tích, trong đó có những trường hợp đáng tiếc khi bị sát hại, cướp tài sản, là chuyên gia pháp lý ông đánh giá có phải tội phạm đang càng manh động, táo tợn?
Việt Nam đang là đất nước đang phát triển, các quan hệ dân sự kinh tế đang diễn ra rất mạnh mẽ, trong khi đó, trình độ nhận thức, ý thức pháp luật của một bộ phận người dân là chưa cao nên tình hình tội phạm về trật tự xã hội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm, tài sản của công dân diễn ra khá phổ biến.
Trong thời gian qua xảy ra nhiều vụ việc các cô gái trẻ bị sát hại để cướp tài sản, hiếp dâm, đối tượng còn phi tang xác để che giấu hành vi phạm tội. Đặc biệt là các vụ việc xảy ra trong dịp Tết Nguyên đán khiến dư luận xã hội hoang mang và bức xúc.
Mỗi vụ việc lại có những nguyên nhân động cơ khác nhau, nhưng nhìn chung các đối tượng gây án đều trẻ tuổi, khó khăn về kinh tế, trình độ học thức, văn hóa không cao và có ý thức coi thường pháp luật.
Các đối tượng thực hiện hành vi giết người, cướp tài sản thường là các đối tượng có lòng tham và tính ích kỷ cao độ, thêm vào đó là ý thức coi thường pháp luật, không ý thức được hậu quả pháp lý mà bản thân mình phải gánh chịu hoặc vì lòng tham sự ích kỷ che mờ mắt mà các đối tượng sẵn sàng thực hiện hành vi phạm tội rồi che giấu hành vi hoặc bỏ trốn, nghĩ rằng mình có thể trốn tránh được sự trừng phạt của pháp luật.
Theo các con số thống kê của Bộ Công an về số vụ án, số bị can bị cáo, tính chất mức độ hành vi phạm tội của nhóm tội phạm về trật tự xã hội cho thấy, tội phạm về trật tự xã hội có diễn biến phức tạp, hành vi côn đồ manh động xảy ra nhiều, đặc biệt là tội phạm đang có xu hướng "trẻ hóa" và những vấn đề đáng lo ngại trong công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm hiện nay.
Những vụ án giết người để chiếm đoạt tài sản có giá trị không lớn, giết người chỉ vì do mâu thuẫn, giết người để thực hiện hành vi hiếp dâm xảy ra khá nhiều. Những vụ án xảy ra thời gian gần đây với các cô gái trẻ đều vào các tình huống vắng vẻ, khu trọ ít người lên đối tượng này sinh ý định thực hiện hành vi phạm tội giết người, cướp tài sản, thậm chí còn hiếp dâm nạn nhân. những hành vi vi phạm pháp luật này có nguyên nhân sâu xa từ quá trình giáo dục hình thành nhân cách trong suốt một thời tuổi trẻ.
Với những đối tượng sống trong hoàn cảnh gia đình thường xuyên tiếp xúc với bạo lực, sống trong gia đình không có hạnh phúc, bỏ học từ sớm hoặc thiếu sự quan tâm giáo dục của cha mẹ dễ sa ngã, hư hỏng, không nhận thức được những chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực pháp luật, vì lòng tham và sự ích kỷ mà sẵn sàng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật bất kỳ lúc nào.
Những vụ án mạng giết người cướp tài sản vừa qua cho thấy nguy cơ mất an toàn trong xã hội là rất cao.
Nguy cơ mất an toàn trong xã hội có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, bất kỳ nơi đâu và bất kỳ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của các đối tượng tội phạm. Bởi vậy, đấu tranh phòng chống tội phạm về trật tự xã hội là nhiệm vụ khó khăn còn nhiều cam go trong thời gian tới đòi hỏi cần phải thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tội phạm và cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân thì mới kiểm soát được tình hình.
Như ông phân tích, đối tượng phạm tội ngày càng trẻ hóa, mục đích các vụ giết người nhằm vào các cô gái trẻ chủ yếu để cướp tài sản, cho thấy lối sống buông thả, coi thường pháp luật của các đối tượng trẻ phạm tội?
Thời gian qua, những vụ việc bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản do nợ nần, cướp ngân hàng để có tiền trả nợ, rồi giết người, cướp tài sản để giải quyết khó khăn về tài chính xảy ra khá nhiều cho thấy tính chất manh động liều lĩnh của không biết đối tượng phạm tội về trật tự xã hội.
Người xưa từng nói: "người quân tử đến bước đường cùng thì thu mình giữ chí, còn kẻ tiểu nhân đến bước đường cùng thì quấy phá làm càn".
Theo đó, với người có giáo dục, có đạo đức, khi vào hoàn cảnh khó khăn họ sẽ "thu mình giữ chí", thậm chí người khác muốn giúp đỡ họ cũng có thể từ chối vì sợ phiền, sợ thành gánh nặng cho người khác. Còn đối với các đối tượng có đạo đức, nhân cách thấp kém, tính ích kỷ lòng tham và ý thức coi thường pháp luật thì sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn phương thức để chiếm đoạt tài sản, thậm chí sát hại người khác để thỏa mãn nhu cầu tiền bạc, giải quyết khó khăn về tài chính của bản thân.
Tính ích kỷ có nguồn gốc, nguyên nhân từ giáo dục sai lầm trong môi trường gia đình và môi trường xã hội. Khi một đối tượng thiếu cả đạo đức, thiếu cả trí tuệ, thiếu cả nghị lực thì lòng tham, tính ích kỷ và ý thức coi thường pháp luật luôn thường trực, đó là những con quỷ thiêu đốt bản thân, khi có thời cơ là thực hiện hành vi phạm tội bất kỳ lúc nào để thỏa mãn lòng tham và sự ích kỷ cá nhân.
Ngoài ra, vấn đề giáo dục pháp luật, giáo dục kỹ năng sống cho những người trẻ cũng chưa được coi trọng đúng mức, giáo dục kỹ năng sống và giáo dục pháp luật trong môi trường học đường còn nặng về hình thức, nội dung chương trình không phù hợp, thiếu đổi mới sáng tạo dẫn đến không hiệu quả. Nhiều đối tượng thực hiện hành vi phạm tội do thiếu hiểu biết pháp luật, phần còn lại là ý thức coi thường pháp luật.
|
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường. |
Lời khuyên cho các cô gái trẻ tránh thành nạn nhân vụ giết người
Từ những vụ việc đã xảy ra, luật sư có lưu ý gì để người dân nói chung và các cô gái nói riêng nâng cao cảnh giác, tránh đưa mình vào tình thế nguy hiểm không?
Từ những vụ án mạng vừa xảy ra đối với các bạn nữ trẻ sẽ có thể rút ra được một số bài học.
Hiện nay, trong xã hội các mối quan hệ xã hội có thể dễ dàng thiết lập thông qua môi trường mạng internet nên cẩn thận trọng với các mối quan hệ trên môi trường mạng; Với người lạ, cẩn thận trọng khi tiếp xúc ở thời điểm vắng vẻ, đêm khuya và những nơi nhạy cảm mà có thể nảy sinh các tình huống nguy hiểm; Thận trọng khi tiếp xúc với những đối tượng đang có khó khăn túng quẫn về tài sản, những đối tượng trong tình trạng nợ nần thua lỗ hoặc đam mê cờ bạc.
Thận trọng với mối quan hệ nam nữ, đặc biệt là thân mật tình cảm với những người mà chưa biết rõ về nhân thân, lai lịch, đặc điểm tính cách để tránh bị xâm hại tình dục hoặc bị chiếm đoạt tài sản.
Không tiếp xúc một mình với người lạ vào lúc đêm khuya vắng vẻ, khi thấy những người lạ có biểu hiện bất thường từ ánh mắt cử chỉ hành vi thì cần có những phản ứng phù hợp, có những giải pháp phòng thân để đảm bảo an toàn cho bản thân. Không mang theo tài sản, trang sức hoặc những đồ có giá trị để tiếp xúc với người lạ hoặc đến những nơi vắng vẻ để tránh nguy cơ bị cướp.
Khi bị tấn công, bị xâm hại tình dục hoặc đối tượng muốn thực hiện hành vi cướp tài sản thì tùy từng tình huống mà có cách ứng xử phù hợp, mục tiêu cao nhất là bảo toàn tính mạng, tránh bị đối tượng xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm và tài sản, với mỗi tình huống phải có cách ứng xử khéo léo, phù hợp với từng đối tượng, từng hoàn cảnh.
Những kỹ năng sống cần phải được rèn luyện trong môi trường học đường và trả trải nghiệm thực tiễn cuộc sống. Khi gia đình mất liên lạc với người thân, cần phải trình báo sự việc ngay với cơ quan chức năng để tìm kiếm, xử lý kịp thời tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Xin cảm ơn luật sư về cuộc trao đổi trên!
>>> Mời độc giả xem thêm video Lộ diện hung thủ giết người, bọc thi thể trong bao dứa ở Hải Phòng