Những ngày tháng Giêng, tháng khởi đầu của một năm mới, giữa ồn ào bao tin tức, nào Hà Nội tắc đường mùng 1, nào biển người ùn ùn đông nghẹt kéo đến khắp các đền chùa lớn, nào chen chúc mua vàng ngày Thần Tài, nào xô lấn giành giật lộc chùa..., lòng người chợt lặng xuống, vừa thảng thốt, trĩu nặng, vừa cảm phục, yêu thương trước một câu chuyện.
Một cô bé vì bạo bệnh đã phải vĩnh viễn rời xa cuộc đời mà em chỉ mới viết những trang đầu dang dở. Nhưng mẹ em và em đã chọn cho em một cách ra đi không thể đẹp đẽ hơn: tặng lại một phần thân thể của em cho những người cũng không may bệnh tật, thiệt thòi.
"Con tặng lại ánh sáng cho bạn khác nhé". Người mẹ trẻ nhủ cùng con khi em đã "yên giấc". Và giác mạc của em đã đem lại cơ hội nhìn thấy ánh sáng cho hai người bệnh.
|
Nước mắt tuôn rơi trong đám tang của bé Hải An |
Bảy tuổi ba tháng, cái tuổi mà bạn bè em đều đang thơ ngây tươi vui trong ngập tràn hạnh phúc, thì em đã phải chiến đấu với sự hành hạ của căn bệnh u não, để rồi âm dương chia lìa, bị dứt ra một cách tàn nhẫn khỏi vòng tay cha mẹ. Bất cứ ai trong chúng ta nếu bị đặt trong hoàn cảnh của em, của bố mẹ em chắc đều có thể tức giận vì sự bất công của cuộc đời, số phận. Điều đó là hoàn toàn hiểu được.
Vậy mà không một lời ai oán, món quà em để lại cho đời đâu chỉ là phần thân thể em, đó còn là như cách ai đó đã gọi em - "ngọn lửa Hải An". Ngọn lửa thắp lên niềm tin vào tình yêu thương, sự tử tế vẹn nguyên vượt lên trên nghịch cảnh.
Không ít người từng nói rằng sự tử tế phải được vun đắp từ mỗi con người, bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất. Thực vậy. Nhưng khi một ngọn lửa của sự tử tế được thắp lên, nó sẽ trở thành "trái tim Đan-kô" dẫn lối trong đêm thẳm hay lụi tắt dần, trách nhiệm thuộc về chúng ta - những người còn lại.
Từ hơn 30 năm trước, khi xã hội còn chưa ngổn ngang, phức tạp như bây giờ, đạo diễn Trần Văn Thủy đã gửi gắm vào phim của mình nỗi day dứt: “Tử tế vốn có trong mỗi con người, mỗi nhà, mỗi dòng họ, mỗi dân tộc. Hãy bền bỉ đánh thức sự tử tế, đặt nó lên bàn thờ tổ tiên hay trên lễ đài của quốc gia, bởi thiếu nó, một cộng đồng dù có nỗ lực tột bực và chí hướng cao xa đến mấy thì cũng chỉ là những điều vớ vẩn. Hãy hướng con trẻ và cả người lớn đầu tiên vào việc học làm người, người tử tế trước khi mong muốn và chăn dắt họ trở thành những người có quyền hành, giỏi giang, hoặc siêu phàm...”
Vị đạo diễn nhiều trăn trở ấy đã lường trước những gì khi ông viết về sự "bền bỉ": một hành trình "đánh thức" đầy gian khó, thử thách, không có chỗ cho sự dễ dãi, thỏa hiệp? Và mấy chục năm qua, trước những gì đã chứng kiến, liệu có lúc nào ông thấy ngã lòng?
Hãy nhìn vào những gì chúng ta đang ngưỡng vọng, thờ kính. Con cá, con rắn, cái cây "lạ"..., bất cứ cái gì là lạ cũng có thể hút về những dòng người đông đỏ, sì sụp khấn vái. Đầu năm đền chùa miếu mạo đâu đâu cũng chật cứng người. Cầu tiền tài, cầu danh vọng, cầu bổng lộc đủ thứ, liệu có ai "đặt lên bàn thờ" sự tử tế để mà cầu khấn.
|
Chen lấn, xô đẩy để xin lộc chùa |
Đền chùa mọc lên ngày càng nhiều, ngày càng hoành tráng, và nhìn vào mức độ hăm hở, rình rang của người Việt đi lễ chùa, thì hẳn rằng xã hội, con người phải an ổn, tươi vui lắm chứ. Vậy mà sao chưa bao giờ sự bất an, hoài nghi giữa người với người lại phủ bóng nặng nề đến thế?
Nhìn xung quanh, biết bao sự "bất tử tế" đang bủa vây, từ những hành động nhỏ nhất như chen lấn, xô đẩy..., đến sự tham lam, bất chấp thủ đoạn để tranh quyền đoạt vị, giành giật lợi ích, tiền bạc... cho đến những hành vi tội ác. Có những kẻ sẵn sàng đoạt mạng người khác chỉ vì đôi chút mâu thuẫn, cãi cọ. Có những tên sát nhân chỉ mới vừa 18 tuổi đã ra tay giết chết 5 người trong một gia đình để cướp tài sản, trả thù. Không bàng hoàng, kinh sợ sao được.
Dường như đang có một sự đổ vỡ nghiêm trọng trong nền móng tạo dựng nhân cách người Việt. Trong một bài viết đầu xuân này, một đại biểu Quốc hội nhắn gửi: "Phải chăng, sự tử tế chưa bao giờ thiếu vắng đến thế trên đất Việt, trong người Việt? Như những đàn chim thiên di, sự tử tế cứ lần lượt bay đi, ngày càng nhiều hơn, và không biết bao giờ trở lại. Và càng thiếu vắng thì người ta càng hoảng hốt, càng báo động, càng khao khát."[1]
"Ngọn lửa Hải An" đã được thắp, khơi gợi rất nhiều nước mắt, nỗi xúc động, cảm phục. Và còn rất nhiều ngọn lửa khác nữa. Nhưng sau đó bao nhiêu người sẽ chọn đáp đền, tiếp nối bằng cách sống tốt đẹp hơn? Hay rồi lại quyết liệt lao vào sân si với đời. Khi chúng ta cuống cuồng cầu khấn các đấng bậc, xô lấn giành giật, bỏ rơi chính cái Tâm của mình, thì chẳng có sự tử tế nào được đánh thức, chỉ có những sự tử tế "ngủ quên", hoặc mải miết "bay đi" trong sự vô tri của chúng ta.