PGS-TS Văn Như Cương – Chủ tịch Hội đồng quản trị trường THPT Lương Thế Vinh, nhà giáo dục nổi tiếng, một chuyên gia giáo dục có tâm với những câu nói phản biện thẳng thắn với những bất cập cũng như công cuộc đổi mới của ngành giáo dục Việt Nam đã chút hơi thở cuối cùng vào rạng sáng 9/10 sau ba năm chống chọi với căn bệnh ung thư.
Trong suốt ba năm chống chọi với bệnh ung thư, những người thân trong gia đình, đồng nghiệp, các y bác sĩ và các thế hệ học trò của thầy giáo Văn Như Cương luôn ở bên động viên, tiếp thêm sức mạnh cho thầy vượt qua làn ranh mong manh giữa sự sống và cái chết.
Chắc hẳn ai cũng nhớ, mới tháng 3/2017, hàng ngàn học sinh trường THPT Lương Thế Vinh đã cùng nhau ngồi dưới sân trường và hát vang "Bài ca Lương Thế Vinh". Hàng trăm em học THCS Lương Thế Vinh cơ sở Nam Trung Yên (Cầu Giấy), cũng đã đồng thanh bài hát truyền thống. Những bài hát, những bức thư, lời chúc các em học sinh gửi đến thầy giáo Văn Như Cương khi đó với mong muốn tiếp thêm sức mạnh, giúp thầy vượt qua bệnh tật.
|
Vĩnh biệt thầy giáo Văn Như Cương. Ảnh giaoduc.net.vn |
Tình cảm lớp lớp học trò dành cho thầy giáo Văn Như Cương đã minh chứng cho một nhà giáo cả đời cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, tận tâm với nghề, hết mình vì các thế hệ học sinh.
Trong giai đoạn chiến đấu với bệnh ung thư, thầy giáo Văn Như Cương đã không gục ngã, dù sức khỏe yếu vẫn tận tâm với nghề, vẫn sẵn sàng trả lời báo chí với những câu nói phản biện thẳng thắn góp ý với những vấn đề còn tồn tại trong ngành giáo dục.
Như lời thầy giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội) - người đồng sáng lập trường Lương Thế Vinh nhận xét: “Dù mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo nhưng khát vọng sống, cống hiến trong thầy vẫn rất mãnh liệt và tôi cũng muốn nói rằng, thầy đã sống, cống hiến hết mình cho giáo dục, học sinh và chiến đấu mạnh mẽ với bệnh tật như cái tên Văn Như Cương của mình".
Là một nhà báo thường xuyên phản biện về vấn đề giáo dục, mỗi khi thực hiện phỏng vấn về những vấn đề bất cập trong ngành giáo dục, người tôi nghĩ đến đầu tiên là xin ý kiến thầy giáo Văn Như Cương. Trước những câu hỏi của PV, dù sự việc mới xảy ra trong ngành giáo dục nhưng thầy luôn nắm bắt được sự việc và có những ý kiến góp ý thẳng thắn, đúng và trúng về vấn đề. Những bài có ý kiến thầy giáo Văn Như Cương luôn được độc giả, các cơ quan chức năng ngành giáo dục đón nhận.
Không chỉ các thế hệ học trò, ngay cả những người chưa từng gặp thầy giáo Văn Như Cương, nhưng qua những ý kiến phản biện thẳng thắn đã dành những tình cảm đặc biệt cho người thầy giáo tử tế này. Những phát ngôn giản dị nhưng đi sâu vào lòng người như “Tự học là phương pháp tốt nhất để phát huy trí tuệ, để nắm vững kiến thức và linh hoạt áp dụng, còn học thêm là con đường ngắn nhất làm cho trí tuệ trở thành thiểu năng”, “Các em có thể trở thành những người lao động chân chính, những nhà kỹ thuật có chuyên môn giỏi, những nhà nghiên cứu thành công, những doanh nghiệp tầm cỡ, những nhà lãnh đạo xuất sắc, nhưng trước hết phải là…người tử tế”…
Chắc hẳn nhiều bậc phụ huynh sẽ khắc nhớ trong tâm trí những câu nói của thầy giáo Văn Như Cương trong những dòng nhắn nhủ đầy tâm huyết của thầy Văn Như Cương gửi các phụ huynh nhân dịp đầu năm học mới năm 2013. “Xin các vị đừng quá nuông chiều đến mức thỏa mãn mọi đòi hỏi của con cái. Hãy nhớ rằng con cái chúng ta luôn luôn "được voi, đòi tiên", bởi vậy chúng ta cần cân nhắc trước yêu sách của con cái... Xin các vị đừng thương các con đến mức không để chúng đụng tay đụng chân làm bất kì việc gì, mà dành toàn bộ thời gian cho chúng "dùi mài kinh sử"; Hãy dạy con cái chúng ta có tấm lòng nhân ái, biết làm việc từ thiện dù rất nhỏ và có thái độ thân thiện đối với mọi người. Lòng thương người, tính đôn hậu là tính tốt cơ bản nhất mà mỗi con người nên có; Hãy dạy con cái mình sống nhiều hơn với các thế giới có thật xung quanh mình, đang diễn ra hàng ngày… để chúng đừng đắm mình và chạy theo thế giới ảo trên các trang mạng...”
Trong lịch sử đất nước, nhiều nhà giáo đã nổi tiếng với đủ ba yếu tố: Tâm, tầm và tài được người đời lưu truyền như nhà giáo Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Đình Chiểu, Lê Quý Đôn, Nguyễn Thiếp…Và nay, thầy giáo Văn Như Cương đã nối tiếp thế hệ cha ông, tiếp tục viết lên sự tử tế trong ngành giáo dục.
Thầy giáo Văn Như Cương nay đã đi xa nhưng những đóng góp của ông của ngành giáo dục sẽ được lớp lớp thế hệ học trò ghi nhớ. Là kim chỉ nam cho sự tử tế được lưu truyền.
Ngày 9/10 là một ngày buồn với gia đình thầy Văn Như Cương, với ngành giáo dục, với thế hệ học trò và những học sinh trường THPT Lương Thế Vinh.
Vĩnh biệt PGS Văn Như Cương – Một người thầy tử tế!
Bài thơ của cô giáo Văn Thùy Dương - con gái thầy Văn Như Cương gửi tặng bố:
Con lại trở về với ký ức của con,
Con đường con đi chưa lúc nào vắng Bố.
Những đêm về, học thêm trong ngõ nhỏ,
Chiếc ba bét ta vẫn nổ giòn đưa Bố đến đón con.
Những sáng hè trời còn mọng đầy sương...
Bố dậy đưa con đi tới trường từ khi tờ mờ sáng...
Con gật gà sau đêm thức khuya làm bài trên lớp,
Làm Bố lạng tay, chiếc xe nhỏ chao nghiêng!
Sinh nhật con, 18 tuổi, thần tiên!
Bố chở con đi mua con búp bê bé tý
Đường Hàng Bài, phố dài, xa đến thế!
Tay ôm quà, tay ôm Bố, mỏi ghê!
Cuốn phim đầu đời con xem rạp... Thích mê!
Cũng là Bố đưa con đi ...khi con tròn 16 tuổi.
Con đã khóc vì tình yêu của người cha trong bộ phim thời ấy...
Bộ phim"Thày lang"! Con nhớ lắm Bố à!
Con chưa bao giờ nghĩ rằng Bố sẽ đi xa...
Chưa bao giờ con nghĩ Bố sẽ thôi đồng hành cùng con trong chặng đường sắp tới.
Chưa bao giờ con nghĩ, trong ngày vui của con ... Bố không đứng đợi
Để nắm tay con, đưa con tới yên bình.
Hãy khoẻ mau để cho mỗi bình minh,
Bố lại cầm kéo cắt bông hoa hồng đã úa,
Nghe con chim gù gù ngoài khung cửa,
Ngắm bọn trẻ con nhảy nhót nô đùa.
Hãy khoẻ lại mau, để bố lại làm thơ,
Tặng mẹ con khi ngày 8 tháng 3 sắp tới
Bố khoẻ lại đi! Chờ Kiều Anh sinh cháu nội
Cho con và Bố sẽ đỡ tay, đón cháu đầu tiên...
Con chỉ mong mỗi ngày một bình yên
Sẽ đến bên giường và đậu lên đôi má Bố!