Vụ ông Trịnh Đình Dương, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, lại làm Chủ tịch Hội đồng xét tuyển viên chức, còn người ứng tuyển và đậu vào vị trí viên chức duy nhất của đơn vị là ông Trịnh Tiến Dũng (SN 1990, con trai ruột ông Trịnh Đình Dương) khiến dư luận hoài nghi thiếu khách quan, không trung thực.
Đáng chú ý, trước khi được xét tuyển và đậu vị trí viên chức, ông Trịnh Tiến Dũng đang làm cán bộ hợp đồng của Ban Quản lý di tích lịch sử Lam Kinh (thuộc Sở VHTTDL Thanh Hóa) từ năm 2012, khi đi dự tuyển cũng không báo cáo cơ quan. Đây cũng chính là nơi ông Trịnh Đình Dương làm Trưởng ban nhiều năm, trước khi chuyển về làm lãnh đạo Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa vào cuối năm 2017.
Liên quan vụ việc này, ông Trịnh Đình Dương khi trao đổi với báo chí nói rằng, theo quy định xét tuyển viên chức thì không cấm việc bố làm Chủ tịch hội đồng khi có con xét tuyển viên chức.
|
Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa nơi ông Trịnh Đình Dương làm giám đốc. Ảnh: NLĐ |
Giám đốc Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa cũng cho biết, đợt xét tuyển này có 1 người nộp hồ sơ vào vị trí lao động hợp đồng 68 và có 3 người ứng tuyển vào vị trí viên chức. Hôm phỏng vấn có 2 người tham gia và người trúng tuyển là con trai ông.
Dư luận nghi ngờ việc xét tuyển viên chức tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa cũng có cơ sở khi ông Trịnh Đình Dương, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa chính là Chủ tịch Hội đồng xét tuyển. Trong khi Phó chủ tịch Hội đồng xét tuyển, các ban giúp việc đều là người thuộc cấp dưới của ông.
Hơn nữa, hiện tỉnh Thanh Hóa có nhiều người có bằng cấp chuyên môn, không ít người muốn dự tuyển để có một việc làm tại bảo tàng, tại sao chỉ có 2 người tham gia ứng tuyển và người có kết quả trúng tuyển vào vị trí viên chức duy nhất của đơn vị là ông Trịnh Tiến Dũng, con trai ruột của ông Dương?
Hiện nay, Sở VHTTDL tỉnh Thanh Hóa đã giao các phòng chuyên môn kiểm tra lại quy trình xét tuyển viên chức tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa khi có phản ánh về việc bố là Giám đốc bảo tàng, làm Chủ tịch hội đồng xét tuyển, còn người trúng tuyển là con trai ruột.
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, tuy hiện nay luật viên chức, quy trình tuyển dụng viên chức không có quy định nhưng tất cả công chức, viên chức, người có chức vụ quyền hạn đều phải tuân thủ quy định của luật phòng chống tham nhũng. Nếu hành vi vi phạm về phòng chống tham nhũng, kết quả xét tuyển vẫn có thể bị hủy bỏ.
Cụ thể, theo điểu 23, Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 quy định về kiểm soát xung đột lợi ích nêu rõ: Người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nếu biết hoặc buộc phải biết nhiệm vụ, công vụ được giao có xung đột lợi ích, phải báo cáo người có thẩm quyền để xem xét, xử lý.
Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khi phát hiện có xung đột lợi ích của người có chức vụ, quyền hạn thì phải thông tin, báo cáo cho người trực tiếp quản lý, sử dụng người đó để xem xét, xử lý.
Người trực tiếp quản lý, sử dụng người có chức vụ, quyền hạn khi phát hiện có xung đột lợi ích và nếu thấy việc tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, công vụ không bảo đảm tính đúng đắn, khách quan, trung thực thì phải xem xét, áp dụng một trong các biện pháp sau đây: Giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao của người có xung đột lợi ích; Đình chỉ, tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao của người có xung đột lợi ích; Tạm thời chuyển người có xung đột lợi ích sang vị trí công tác khác.
Bởi vậy tuy luật viên chức, quy định về thi tuyển không quy định rõ ràng về vấn đề bố làm Chủ tịch hội đồng thì con có được tham gia thi tuyển hay không. Tuy nhiên điều 23 luật phòng chống tham nhũng năm 2018 đã quy định trách nhiệm của người được giao thực hiện nhiệm vụ công vụ.
Trong trường hợp này ông Trịnh Đình Dương có trách nhiệm phải báo cáo với cơ quan cấp trên để xem xét xử lý. Trong trường hợp ông Dương không thông báo sẽ căn cứ vào điều 23 luật phòng chống tham nhũng, cơ quan thanh tra có thể xem xét đến kết quả tuyển dụng này. Nếu hành vi của ông Dương vi phạm quy định tại điều 23 luật phòng chống tham nhũng, kết quả trúng tuyển này có thể sẽ bị hủy bỏ.
|
Luật sư Đặng Văn Cường. |
Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, trong bối cảnh đang giảm biên chế chế công chức, viên chức hiện nay, việc tuyển dụng biên chế thêm là rất hãn hữu, trong khi đó rất nhiều người muốn trở thành viên chức nhà nước để có cuộc sống ổn định, cơ hội thăng tiến làm quan chức, lãnh đạo, đặc biệt là đối với những trường hợp con em quan chức...
Bởi vậy, khi mỗi cơ quan, tổ chức thông báo tuyển công chức, viên chức thì sẽ có rất nhiều người nộp hồ sơ, ứng tuyển vào tham gia thi tuyển. Việc đơn vị này tổ chức thi tuyển có thông báo công khai hay không? việc tiếp nhận hồ sơ được thực hiện như thế nào? tổ chức thi tuyển như thế nào thì cần phải làm rõ để xác định có yếu tố tư lợi cá nhân hay không?
Hiện, pháp luật không quy định bố là chủ tịch hội đồng tuyển công chức, viên chức thì con không được phép thi tuyển. Tuy nhiên các bộ ban ngành, cơ quan giúp việc phải thật sự khách quan, việc thi tuyển công chức phải đúng quy trình, đúng đối tượng và phải được thể hiện một cách công khai, có sự giám sát.
Trong vụ việc như thế này, dư luận không tránh khỏi những nghi ngờ. Bởi vậy, để đảm bảo tính khách quan, công bằng thì cần phải thanh tra, kiểm tra lại quy trình tuyển dụng phải thi tuyển công chức này.
Trong trường hợp kết quả thanh tra, kiểm tra tho thấy cho thấy việc tuyển viên chức tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa là đúng với yêu cầu nhiệm vụ, đúng với chỉ tiêu, việc thông báo tuyển dụng công khai, tổ chức thi tuyển công khai, minh bạch, có sự giám sát của cơ quan hội đồng thì có thể công nhận kết quả này, đây sẽ là kết quả để trả lại sự công bằng phải minh bạch cho Giám đốc Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa và con trai ông trong vụ việc này.
Còn trường hợp kết quả thanh tra, kiểm tra cho thấy việc tổ chức tuyển dụng, thi tuyển không đảm bảo nguyên tắc, có sai phạm dẫn đến kết quả không khách quan có thể hủy bỏ kết quả này để tổ chức thi tuyển đúng quy định của pháp luật, đảm bảo công bằng cho tất cả các ứng viên theo quy định.
“Thông thường những vụ việc nhạy cảm như thế này, người bố khi làm Chủ tịch hội đồng xét tuyển phải có ý kiến báo cáo lãnh đạo cấp trên trước khi tổ chức thi tuyển và nên từ chối vai trò là Chủ tịch hội đồng để đảm bảo tính khách quan, minh bạch, tránh những điều tiếng.
Đây sẽ là bài học rút kinh nghiệm về công tác cán bộ của nhiều địa phương để đảm bảo uy tín cán bộ cũng như đảm bảo niềm tin của nhân dân với công tác cán bộ hiện nay”, Luật sư Cường cho hay.
Những vụ việc gian lận thi cử đình đám vừa được dư luận phanh phui những năm gần đây trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 cho thấy, nhiều ông bố bà mẹ sẵn sàng bất chấp tất cả để con cái mình được trúng tuyển gây ra nhiều hệ lụy xấu cho xã hội.
Bởi vậy, bố là Chủ tịch hội đồng thi tuyển, con là thí sinh thì hoàn toàn có thể xảy ra những trường hợp người bố sẽ có những tác động tiêu cực để con mình được hưởng lợi, đơn giản chỉ là tiêu cực về đề thi về cách chấm thi... Trong khi, những người tham gia coi thi, chấm thi, lên điểm khi biết thí sinh đó là con của chủ tịch hội đồng thì chắc chắn sẽ có những ưu ái, nể nang. Do vậy, rất khó để đảm bảo tính khách quan.
Do đó, quy trình thi tuyển cũng cần phải lưu ý vấn đề này để đảm bảo công bằng cho tất cả các ứng viên, đảm bảo kết quả kỳ thi phản ánh đúng năng lực, trình độ của từng ứng viên, lựa chọn được người xứng đáng vào những vị trí mà nhà nước đang cần.
>>> Mời độc giả xem thêm video Bổ nhiệm cán bộ: Người đứng đầu không phải người địa phương: