Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam (Hội thành viên Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), hiện đã có kế hoạch khai thác phân khu sông Hồng, nhưng việc khai thác quỹ đất hai bên sông lại đang gặp vướng mắc về mực nước. Do đó, các nhà khoa học nghiên cứu và đề xuất xây dựng đập. Tuy nhiên, ngoài việc quan tâm đập của sông Hồng cũng cần phải nghiên cứu 6 dòng sông khác của vùng đồng bằng Bắc bộ sao cho không vì Thủ đô mà ảnh hưởng mực nước của các dòng sông khác.
|
KTS Đào Ngọc Nghiêm. |
Trước khi triển khai xây đập cần phải có số liệu khí tượng thủy văn của thượng nguồn sông Hồng. Mực nước của sông Hồng phụ thuộc thượng nguồn và dòng sông này có khoảng 600 km chảy qua Việt Nam, trong đó 120 km chảy qua Hà Nội. Vì vậy, cần phải có nghiên cứu và dự báo đúng từ thượng nguồn, đặc biệt từ Trung Quốc, để khai thác có hiệu quả vốn đầu tư và phát huy được hiệu quả công trình.
Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam nhấn mạnh, đây là giải pháp cần thiết nhưng phải chú ý vấn đề đánh giá lại tác động môi trường của cả hệ thống các dòng sông của Bắc bộ trước khi triển khai dự án.
Mới đây, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, cần sớm nghiên cứu nâng cao đáy sông hoặc dâng mực nước. Giải pháp đầu tiên là làm các đập dâng, trước mắt có thể nghiên cứu xây hai đập ở khu vực Xuân Quan (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) và Long Tửu (huyện Đông Anh, TP Hà Nội), dự kiến khởi công trong giai đoạn 2026-2030.
Ngoài việc đáp ứng nhu cầu lấy nước tưới tiêu, nước sông Hồng dâng lên sẽ giúp các sông Nhuệ, Đáy, thậm chí Tô Lịch, có dòng chảy tự nhiên như xưa.
Tuy nhiên, đề xuất xây dựng đập dâng nhằm dâng mực nước sông Hồng đang gây nhiều lo ngại về tác động không mong muốn như dòng chảy thay đổi, kéo theo một loạt vấn đề môi trường.
>>> Mời độc giả xem thêm video Mùa đông ở bãi giữa sông Hồng: