Mới đây, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo ông Hoàng Văn Tiền, Chánh án TAND tỉnh Quảng Ninh. Cùng mức kỷ luật trên còn có hai Phó Chánh án bà Phạm Thị Hương Giang và ông Nguyễn Trí Chinh, bà Nguyễn Thúy Hằng, Chánh Tòa Dân sự và Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Trưởng Phòng Kiểm tra nghiệp vụ và Thi hành án, TAND tỉnh Quảng Ninh.
Các lãnh đạo và cán bộ TAND tỉnh Quảng Ninh bị kỷ luật do đã vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước; vi phạm các quy chế làm việc của Tỉnh ủy, Ban cán sự đảng TAND tỉnh, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo trong việc xét, quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho phạm nhân Phan Sào Nam khi không đủ điều kiện.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, vi phạm của các cá nhân nêu trên là nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước và uy tín của tổ chức đảng, của ngành Tòa án.
|
Phan Sào Nam. |
Sẽ bị xử lý kỷ luật về mặt chính quyền
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, việc Uỷ ban kiểm tra trung ương quyết định kỷ luật Đảng với hình thức cảnh cáo đối với tổ chức Đảng và cá nhân ông Hoàng Văn Tiền, Chánh án TAND tỉnh Quảng Ninh cùng một số lãnh đạo, cán bộ tòa này là một trong các hình thức kỷ luật về Đảng đối với tổ chức và đảng viên vi phạm quy định về điều lệ Đảng.
Theo quy định 102 năm 2017 khẳng định, Đảng viên vi phạm đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự, không xử lý nội bộ; Kỷ luật Đảng không thay thế kỷ luật hành chính, đoàn thể hoặc các hình thức xử lý khác của pháp luật…
Người vi phạm pháp luật, vi phạm điều lệ Đảng, ngoài việc bị xử lý kỷ luật đảng sẽ bị xử lý kỷ luật công chức, viên chức theo quy định tại Nghị định 112/2020/NĐ-CP. Các hình thức kỷ luật hành chính gồm: Áp dụng đối với cán bộ: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm. Áp dụng đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý: Khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, buộc thôi việc. Áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý: Khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc. Áp dụng đối với viên chức không giữ chức vụ quản lý: Khiển trách, cảnh cáo, buộc thôi việc. Áp dụng đối với viên chức quản lý: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc.
Luật sư Cường cho rằng, hình thức kỷ luật đảng và kỷ luật hành chính là khác nhau. Cụ thể, tại Khoản 6 Điều 2 Quy định 102-QĐ/TW đã quy định rõ: “Kỷ luật đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và các hình thức xử lý của pháp luật”.
Khoản 5 Điều 2 Nghị định 112/2020/NĐ-CP cũng có quy định: “Không áp dụng hình thức kỷ luật hành chính hoặc hình thức kỷ luật đảng thay cho hình thức kỷ luật hành chính; xử lý kỷ luật hành chính không thay cho truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu hành vi vi phạm đến mức bị xử lý hình sự”.
Như vậy, trường hợp cán bộ, đảng viên có vi phạm pháp luật, vi phạm kỷ luật, ngoài việc bị xử lý kỷ luật về mặt đảng sẽ bị xử lý kỷ luật về mặt chính quyền theo quy định tại Nghị định 112/2020/NĐ-CP, của Chính phủ về kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.
Phan Sào Nam sẽ tiếp tục phải chấp hành nốt thời gian phạt tù?
Theo luật sư Cường, hiện, Tòa án nhân dân cấp cao đang xem xét kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao đối với thủ tục giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù mà Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã áp dụng đối với Phan Sào Nam.
Trong trường hợp có căn cứ cho thấy, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã ban hành quyết định trái pháp luật và quyết định này bị Toà án nhân dân cấp cao hủy bỏ thì Phan Sào Nam sẽ tiếp tục phải chấp hành nốt thời gian phạt tù (22 tháng) mà Tòa án tỉnh Quảng Ninh đã giảm trước đó.
Trước đó, ngày 14/4, Viện trưởng VKSND Cấp cao tại Hà Nội ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm với hai quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù trong năm 2020 và 2021 của TAND tỉnh Quảng Ninh với Phan Sào Nam.
Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, trường hợp có quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tuyên hủy quyết định của Chánh án tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh thì phần bản án sơ thẩm và phúc thẩm trong vụ án tổ chức đánh bạc đối với Phan Sào Nam được phục hồi hiệu lực và Phan Sào Nam phải quay lại trại giam để chấp hành nốt thời hạn còn lại của bản án là 22 tháng tù - Đây là thời gian bị án này được tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh xét giảm trong hai lần năm 2020 và năm 2021.
Có truy cứu trách nhiệm hình sự
Luật sư Cường cho biết, cơ quan chức năng cũng sẽ xem xét trách nhiệm của cán bộ đã ký, ban hành quyết định giảm thời gian chấp hành hình phạt tù này. Nếu có lỗi cố ý - biết rõ làm việc ban hành quyết định trái pháp luật nhưng vẫn cố tình ban hành quyết định này thì người ký quyết định còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về mặt lý luận, các quyết định tố tụng hình sự bị hủy bỏ có thể do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý, nếu lỗi cố ý thì đó là hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp. Tùy thuộc vào yếu tố lỗi, động cơ, mục đích, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà hành vi vi phạm là ra quyết định trái pháp luật có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 về tội ra quyết định trái pháp luật theo điều 371, Bộ luật Hình sự 2015.
Theo quy định tại Điều 371: “Người nào có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng, thi hành án ra quyết định mà mình biết rõ là trái pháp luật gây thiệt hại về tài sản từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 368, 369, 370, 377 và 378 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”.
“Như vậy, trường hợp tổ chức đảng xác định đảng viên có sai phạm là đúng, cơ quan chức năng cũng xác định quyết định giảm thời gian chấp hành hình phạt tù là quyết định trái pháp luật và hủy bỏ quyết định này, cơ quan chức năng sẽ xem xét quyết định trái pháp luật là quyết định do ai ban hành? Người ban hành quyết định này có biết rõ là trái pháp luật hay không? Trường hợp xác định là quyết định trái pháp luật, việc ban hành quyết định trái pháp luật gây thiệt hại đến lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân như thế nào. Khi đó mới có căn cứ để xem xét có xử lý hình sự đối với hành vi ra quyết định trái pháp luật hay không”, luật sư Cương nêu ý kiến.
Khi có quyết định của hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân cấp cao để hủy bỏ quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù của Chánh án tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh, cơ quan chức năng cũng sẽ xem xét, làm rõ: Khi ban hành quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù này, người ban hành quyết định có “biết rõ” là trái pháp luật hay không? Nếu việc ban hành quyết định này là lỗi cố ý, người ban hành quyết định “biết rõ” là quyết định trái pháp luật nhưng vẫn cố tình ban hành thì người ký quyết định này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Còn trường hợp người ban hành quyết định này không biết rõ, do lỗi vô ý, chủ quan sẽ không xem xét xử lý hình sự mà chỉ xử lý kỷ luật về đảng và kỷ luật về mặt chính quyền như đã nêu ở trên.
>>> Mời độc giả xem thêm video Khởi tố, bắt tạm giam nguyên cán bộ Công an tỉnh:
Nguồn: Truyền hình Nhân dân.