Bao trọn nhà nghỉ để che giấu thân phận
Mỗi câu chuyện mà anh Nguyễn Văn Thanh (từng làm nhân viên nhà nghỉ) chia sẻ khiến chúng tôi thêm một lần “sởn da gà”.
Theo anh, hoạt động kinh doanh nhà nghỉ cũng tiềm ẩn lắm rủi ro. Và cho đến tận bây giờ khi nghĩ đến “tập đoàn móc túi”, anh Thanh kể vẫn không thể tin đó là sự thật.
Theo lời anh Thanh, thời điểm anh còn làm nhân viên lễ tân, nhà nghỉ nơi anh làm việc thường có nhiều tốp khách Nghệ An, Thanh Hóa đến thuê phòng. Điều đặc biệt ở nhóm khách này là họ thường thuê phòng kéo dài cả tháng trời.
Đặc biệt, những mùa lễ hội đầu năm là thời điểm mà họ thường đi theo đoàn 8-10 người, có cả trẻ nhỏ, đều là người trong gia đình. Họ thuê nhà nghỉ làm “căn cứ” sau mỗi lần làm “chiến dịch móc túi”.
Anh Thanh cho hay, ngày đó nhiều khi chỉ hai nhóm khách Thanh Hóa, Nghệ An đã thuê trọn gói 6 phòng của nhà nghỉ. Thấy khách thuê đều đặn, có giấy tờ tùy thân đầy đủ lại thanh toán tiền phòng sòng phẳng nên bà chủ rất “khoái”. Thế nhưng, sau hơn 1 năm thường xuyên lui tới nhà nghỉ thì chân tướng của những vị khách hào phóng mới dần lộ diện.
|
Cho đến tận bây giờ khi nghĩ đến “tập đoàn móc túi” mà anh Thanh kể vẫn không thể tin đó là sự thật. Ảnh minh hoạ. |
Hai nhóm khách này thuê phòng nhưng thường ra khỏi khách sạn từ 6h sáng và đến khuya mới về. Họ “thoắt ẩn, thoắt hiện”. Khi chủ nhà nghỉ hỏi thì họ nói đi lễ hội ở các tỉnh lân cận Hà Nội hay đi siêu thị, trung tâm thương mại thăm quan, mua sắm. Có lúc thì họ nói đi khám bệnh. Với những lý do đó, mọi người làm nhà nghỉ cũng không nghi ngờ gì.
Anh Thanh nhớ lại: “Hồi đó, mỗi lần nhân viên dọn phòng cho 2 nhóm khách này thường có thắc mắc vì sao trên nền nhà lại ngổn ngang sổ khám bệnh, sim rác, tiền lẻ ngoại tệ, dao lam… Lúc đó, chẳng ai nghĩ gì nhiều, thậm chí thích thú vì gom được cơ số tiền lẻ.
Ngày đó, khách lưu trú nhiều ngày đến mức hàng xóm cũng nhẵn mặt. Bà chủ nhà nghỉ đã từng nghe người này, người kia nói gặp tốp khách Nghệ An ở bệnh viện hoặc siêu thị, thậm chí có người “tố” thấy họ dàn cảnh móc túi nhưng bà chủ không tin.
Thế nhưng, sau những “phản ánh” đó, chủ nhà nghỉ cũng sinh nghi và bảo chúng tôi theo dõi chặt, nếu có gì bất thường phải báo ngay. Chỉ riêng chuyện dọn phòng và lượm lặt được những vật chứng sau những pha hành nghề “hai ngón” của gia đình này cũng khiến bất kỳ ai sinh nghi. Dao lam thường được bẻ đôi, sim rác nhiều vô kể, thậm chí có cả ví tiền và nhẫn vàng nhóm khách lượm lặt còn sót lại”.
“Khi toàn bộ nhân viên nhà nghỉ và gia chủ xâu chuỗi quá trình “biến mất” của khách vào ban ngày và trở về vào ban đêm với vô số đồ đạc xách trên tay thì cũng là lúc họ trả phòng và nói 1 tháng sau lại ra. Có lẽ lúc đó họ cũng sợ hoạt động lộ liễu sẽ bại lộ nên nhanh chân tẩu thoát”, anh Thanh nói.
“Cáo lòi đuôi” và sự sững sờ của chủ nhà nghỉ
Tuy nhiên, điều khiến anh Thanh và chủ nhà nghỉ bất ngờ chính là việc đôi vợ chồng người Nghệ An đó bị bắt tại Lâm Đồng do hành nghề “hai ngón” với chiêu gắn dao lam vào khe điện thoại. Nhìn hình ảnh đăng tải trên báo mạng, cả nhà nghỉ nơi anh Thanh không ai dám tin vào mắt mình.
Khi đó, cơ quan chức năng đã bóc trần đôi vợ chồng này hành nghề đạo chích từng nhiều năm và thường kéo cả “tập đoàn gia đình” đi theo.
Gia đình đạo chích này thường thuê nhà nghỉ để trú ngụ. Tuy nhiên, họ thuê nay đây mai đó chứ không cố định ở một địa điểm để tránh sự phiền toái là lộ "đuôi cáo". Lần này, băng trộm liên tỉnh đã thuê ô tô Innova từ Vinh vào Đà Lạt "du lịch, kết hợp làm ăn" bằng cách trộm cắp tài sản.
Địa bàn hoạt động phạm pháp của gia đình đạo chích này khá rộng, từ Bắc vào Nam. Đặc biệt, địa bàn Hà Nội là mảnh đất màu mỡ để họ hành nghề. Điều đáng nói, gia đình đạo chích này thường đi theo tốp 4-5 người và đích nhắm của chúng là các bệnh viện, siêu thị, lễ hội để rạch túi.
|
Chỉ cần trót lọt một vụ trộm như vậy là gia đình đạo chích này có nhiều tiền để chia chác, tha hồ “yến tiệc”. Ảnh minh hoạ. |
Trong vai những bệnh nhân, họ trà trộn vào xếp hàng và lợi dụng lúc bệnh nhân, người nhà bệnh nhân sơ hở họ áp dụng “kỹ nghệ” hai ngón để hành nghề. Sở dĩ, chúng chọn các bệnh viện để móc túi là do nhiều bệnh nhân lâm vào tình cảnh bệnh trầm kha, gia đình phải mang theo rất nhiều tiền để đóng viện phí. Thậm chí, có những gia đình bệnh nhân mang theo 50-70 triệu đồng. Chỉ cần trót lọt một vụ trộm như vậy là gia đình đạo chích này có nhiều tiền để chia chác, tha hồ “yến tiệc”.
“Khi gia đình đạo chích này bị tóm, chủ nhà nghỉ mới nghĩ đến chuyện những người dân sống gần nhà mình “tố” đã từng gặp gia đình đạo chích này xếp hàng khám bệnh tại bệnh viện Bạch Mai, Xanh-Pôn... thì mới hay đó là sự thật chứ không phải thói ganh ghét, phá đám kinh doanh”, anh Thanh chia sẻ thêm.
Qua lời kể của anh Thanh, chúng tôi cũng thấy choáng váng trước hành vi siêu tinh vi, táo tợn của nhóm tội phạm này. Họ hành nghề chuyên nghiệp, có bài bản và liên kết khép kín bởi các thành viên trong gia đình hòng tẩu tán tang vật nhanh, dễ dàng và cản đường khi bị phát hiện.