Tại sao người Trung Quốc nhập cảnh Việt Nam trái phép dễ dàng?

Google News

(Kiến Thức) - Việc người Trung Quốc nhập cảnh trái phép được phát hiện tại hàng loạt tỉnh thành khiến dư luận đặt câu hỏi: Tại sao người Trung Quốc nhập cảnh Việt Nam trái phép dễ dàng?

Thời gian gần đây, tại một số địa phương đã phát hiện tình trạng người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam như ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ninh, Lào Cai, Khánh Hòa...
Tình trạng trên được đánh giá hết sức nguy hiểm khi thời điểm dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm, tái bùng phát dịch.
Mới đây tại Đà Nẵng đã liên tục phát hiện một số ca nhiễm COVID-19 cộng đồng không loại trừ xâm nhập từ những người nhập cảnh trái phép trên.
Ngoài ra, việc nhập cảnh trái phép trên còn có nguy cơ mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, thậm chí không loại trừ những hoạt động gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh chính trị…
Dư luận đặt câu hỏi: Vì sao người Trung Quốc nhập cảnh Việt Nam trái phép dễ dàng?
Một số ý kiến cũng cho rằng,liệu có phải vấn đề do miễn thị thực 15 ngày với công dân Trung Quốc?
Tai sao nguoi Trung Quoc nhap canh Viet Nam trai phep de dang?
Gao Liang Gu - đối tượng trong đường dây đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Đà Nẵng và Quảng Nam. 
Một phần nguyên nhân có thể do miễn thị thực?
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa cho rằng, hiện tượng người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam liên tục được phát hiện trong thời gian gần đây và đang có xu hướng gia tăng.
“Nguyên nhân có thể xuất phát từ rất nhiều yếu tố. Một trong số đó có thể là do Việt Nam thực hiện rất tốt công tác phòng, chống và kiểm soát cực tốt dịch COVID-19 dẫn đến người nước ngoài muốn đến Việt Nam để được an toàn. Cũng có thể là do lợi dụng sự mở cửa của Việt Nam như chính sách miễn thị thực đương nhiên (miễn thị thực trong vòng 15 ngày) đối với công dân của một số quốc gia trong khối ASEAN hoặc các nước mà Việt Nam có ký hiệp định, hiệp ước khác…” - luật sư Hoàng Tùng cho hay.
Theo luật sư Hoàng Tùng, mỗi một quốc gia đều có các chính sách rất nghiêm ngặt về việc người nước ngoài nhập cảnh vào quốc gia của mình. Việt Nam cũng như vậy.
“Việc người nước ngoài nhập cảnh vào nước ta kéo theo rất nhiều các yếu tố, không chỉ đơn giản là chúng ta mở cửa để kích cầu du lịch, kinh tế, hợp tác quốc tế mà kèm theo đó cũng tồn tại nhiều vấn đề về văn hóa, chính trị. Đặc biệt, trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn ra phức tạp trên thế giới, việc người nước ngoài, người Việt ở nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam là vấn đề rất quan trọng” - luật sư Tùng nêu ý kiến.
Tai sao nguoi Trung Quoc nhap canh Viet Nam trai phep de dang?-Hinh-2
 Luật sư Hoàng Tùng.
Nhiều nguyên nhân khác...
Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, theo quy định tại Điều 20 Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 quy định người nước ngoài được nhập cảnh khi có đủ các điều kiện sau đây: Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế và thị thực; Người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực thì hộ chiếu phải còn thời hạn sử dụng ít nhất 06 tháng và phải cách thời điểm xuất cảnh Việt Nam lần trước ít nhất 30 ngày;
Không thuộc trường hợp chưa cho nhập cảnh quy định tại Điều 21 của Luật này, bao gồm: Không đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 20 của Luật này; Trẻ em dưới 14 tuổi không có cha, mẹ, người giám hộ hoặc người được ủy quyền đi cùng; Giả mạo giấy tờ, khai sai sự thật để được cấp giấy tờ có giá trị nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú; Người bị mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh truyền nhiễm gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng; Bị trục xuất khỏi Việt Nam chưa quá 03 năm kể từ ngày quyết định trục xuất có hiệu lực; Bị buộc xuất cảnh khỏi Việt Nam chưa quá 06 tháng kể từ ngày quyết định buộc xuất cảnh có hiệu lực; Vì lý do phòng, chống dịch bệnh; Vì lý do thiên tai; Vì lý do quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Như vậy, theo quy định trên, việc nhập cảnh vào nước ta phải đảm bảo các điều kiện theo quy đinh của pháp luật. Mọi trường hợp nhập cảnh trái phép đều được coi là hành vi vi phạm pháp luật và tuỳ từng tính chất, mức độ có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Luật sư Cường cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến các đối tượng nhập cảnh, cư trú trái phép ở Việt Nam. Trong đó phải kể đến điều kiện nhập cảnh vào Việt Nam phải theo quy định của pháp luật. Thời điểm dịch bệnh, không phải ai cũng được phép nhập cảnh vào Việt Nam.
“Do đó, những người mang mầm bệnh, người đang nhiễm bệnh chắc chắn sẽ bị cách ly y tế, xử lý y tế (mà không thể thực hiện được việc du lịch, làm việc tại Việt Nam theo mong muốn...) nên có thể những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh, mang mầm bệnh trốn tránh cách ly y tế nên đã nhập cảnh, cư trú trái phép tại Việt Nam” - luật sư Cường nói và cho rằng, đây là trường hợp rất nguy hiểm có thể làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng nên những trường hợp này cần phải phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh, nếu cố ý lây lan dịch bệnh ra cộng đồng thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngoài đối tượng có biểu hiện bệnh lý, đi từ vùng dịch, đang bị mắc bệnh dịch, các đối tượng khác thuộc trường hợp cấm nhập cảnh do vi phạm pháp luật hoặc những đối tượng vào Việt Nam với mục đích ý đồ xấu, chống đối nhà nước, vi phạm pháp luật. Nhóm đối tượng này luôn có tâm lý trốn tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Do đó, việc các đối tượng thuộc nhóm này nhập cảnh vào Việt Nam sẽ nguy cơ gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, cũng là nhóm đối tượng nguy hiểm cần phải xác minh làm rõ và xử lý theo quy định pháp luật.
Tai sao nguoi Trung Quoc nhap canh Viet Nam trai phep de dang?-Hinh-3
 Luật sư Đặng Văn Cường.
Đối với một số trường hợp do sợ bị cách ly y tế 14 ngày nên đã trốn tránh việc nhập cảnh, khai báo y tế. Những người này cũng có nguy cơ mang mầm bệnh và có nguy cơ làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng bởi vậy nhóm người này cần phải được phát hiện, kiểm soát, xử lý kịp thời.
Đối với những người nhập cảnh trái phép sẽ bị xử phạt hành chính, nếu còn vi phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 347 bộ luật hình sự năm 2015. Đối với nhóm người môi giới, tổ chức cho những người nước ngoài nhập cảnh, quá cảnh, cư trú trái phép tại Việt Nam sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 348 bộ luật hình sự năm 2015 với mức hình phạt cao nhất có thể đến 15 năm tù.
“Một số khác là người lao động, người dân tộc thiểu số ở vùng giáp biên do thiếu hiểu biết pháp luật nên đã bị các đối tượng dụ dỗ lôi kéo sang Việt Nam cư trú, làm việc, tuy nhiên số này không nhiều và không khó trong việc kiểm soát, phát hiện và xử lý.
Ngoài ra, theo luật sư Cường có thể còn là người Việt Nam sinh sống làm việc ở nước ngoài do không đủ điều kiện thủ tục để nhập cảnh về Việt Nam nên đã trốn tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng, nhập cảnh và cư trú trái phép tại Việt Nam.
“Cho dù những người vi phạm quy định về xuất nhập cảnh, quá cảnh, cư trú là đối tượng nào, nguyên nhân gì chăng nữa thì cơ quan chức năng cũng cần siết chặt công tác quản lý người nước ngoài, người không quốc tịch, thậm chí người Việt Nam từ nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, cư trú trái phép tại Việt Nam để phòng chống dịch bệnh cũng như để đảm bảo an ninh quốc gia, đấu tranh phòng và chống tội phạm trong bối cảnh xã hội hiện nay” - luật sư Cường nêu ý kiến.
Kiểm soát thế nào?
Luật sư Cường cho rằng, để đảm bảo an toàn trật tự xã hội cũng như phòng chống việc lây lan dịch bệnh truyền nhiễm COVID-19, cần chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và chấm dứt tình trạng người nước ngoài nhập cảnh trái phép.
Theo đó, các cơ quan quản lý xuất nhập cảnh cần tăng cường công tác quản lý tạm trú, tạm vắng, quản lý chặt chẽ người ngoài nhập cảnh; Tăng cường phối hợp với Bộ đội biên phòng chỉ đạo các lực lượng chức năng dọc tuyến biên giới Việt - Trung làm tốt công tác quản lý công dân nhập cảnh, nhất là các đường tiểu ngạch; Tăng cường công tác nắm địa bàn, đẩy mạnh công tác điều tra, phát hiện những người nhập cảnh, dẫn dắt đưa người nhập cảnh trái phép để xử lý kịp thời.
Đồng thời, để công tác đấu tranh với hoạt động nhập cảnh trái phép qua biên giới đạt được hiệu quả cao, cần có sự vào cuộc quyết liệt của các tổ chức xã hội, các ngành, các cấp từ biên giới đến nội địa.
Cần phải tập trung đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền pháp luật tại những khu vực này. Người dân chỉ tuân thủ pháp luật, thực hiện đúng pháp luật khi họ thật sự nhận thức và hiểu biết về các quy định pháp luật, hiểu rõ hành vi nào là hành vi vi phạm pháp luật và những hậu quả pháp lý có thể xảy ra nếu họ có hành vi vi phạm pháp luật. Ngoài vấn đề xử lý nghiêm minh hành vi phạm tội thì tuyên truyền pháp luật cũng là yếu tố then chốt trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm.
 >>> Mời độc giả xem video Đường dây đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam bằng mô tô, bè xốp đã bị bắt

Nguồn: Youtube.

Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)