Mới đây, ông Bùi Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH tỉnh Hải Dương đã ký quyết định 176 thành lập đoàn điều tra vụ tai nạn lao động xảy ra vào 7h30 sáng 21/1/2021 tại Công ty TNHH Thương mại Tuấn Tú (xã Đồng Cẩm, huyện Kim Thành) khiến ông Nguyễn Văn Phùng (SN 1977, người lao động của công ty) bị thương nặng.
|
Sau vụ tai nạn lao động, ông Phùng liệt hai chân, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. |
Bị liệt hai chân sau vụ tai nạn lao động
Vụ tai nạn lao động xảy ra vào 7h30 sáng 21/1 tại xưởng cơ khí Công ty TNHH Thương mại Tuấn Tú. Thời điểm đó, ông Nguyễn Văn Phùng đang làm nhiệm vụ sửa máy thì xảy ra tai nạn lao động khiến anh bị vỡ hai đốt sống lưng dẫn đến bị liệt hai chân.
Cho rằng, đến nay, Công ty TNHH Thương mại Tuấn Tú vẫn chưa xem xét giải quyết quyền lợi về tai nạn lao động theo quy định của pháp luật, ông Phùng đã có đơn kêu cứu gửi các cơ quan chức năng và các cơ quan báo chí.
Trong đơn kêu cứu, ông Phùng cho biết, thời điểm xảy ra vụ việc, ông là thợ hàn tại xưởng cơ khí của nhà máy phân bón nông gia - Công ty TNHH Thương mại Tuấn Tú (xã Đồng Cẩm, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương).
|
Ông Nguyễn Văn Phùng thời điểm điều trị tại bệnh viện. |
Ngày 21/1/2021, ông Phùng được quản lý trực tiếp phân công nhiệm vụ sửa máy trộn Lân đạm của nhà máy do chiếc máy trộn này đang bị hỏng.
“Trước khi chui vào sửa máy, ông Phùng và đồng nghiệp đã dập cầu dao tắt nguồn điện không cho máy hoạt động. Khi đang sửa máy thì đột nhiên máy quay và người tôi bị cuốn vào máy. Sau đó, tôi ngất đi và được mọi người đưa vào bệnh viện cấp cứu” - ông Phùng cho biết.
Theo biên bản số 15, Công ty Tuấn Tú lập ngày 18/3, ông Đồng Văn Liêm, Phó Giám đốc công ty cho biết, 7h15 sáng 21/1, ông Nguyễn Văn Biên và ông Nguyễn Văn Phùng xuống sửa máy trộn nguyên liệu do bị mòn. Trong khi vệ sinh máy để sửa chữa, ông Phùng có vào máy để hàn cánh trộn liệu. Khi đang làm, chị Nguyễn Thị Hoài là phụ kho kiểm tra hàng có ấn khởi động làm máy bị quay dẫn đến ông Phùng bị tai nạn.
Quá trình xác minh, ông Biên và ông Phùng sửa máy không ngắt át điện ở tủ điện vào máy, không kiểm tra an toàn trước khi vào sửa máy mà chỉ ngắt nút khởi động ở tường kho.
Theo ông Phùng, sau khi xảy ra vụ tai nạn lao động trên, ông đã phải phẫu thuật cột sống và điều trị tại bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương gần 2 tháng.
“Trong thời gian tôi điều trị tại bệnh viện, công đoàn công ty đã tổ chức phát động người lao động trong công ty đóng góp thăm hỏi tôi được số tiền là 54.700.000 đồng. Vụ tai nạn khiến ông bị vỡ 2 đốt sống lưng, dẫn đến liệt hai chân do chấn thương liệt tủy sống. Toàn bộ chi phí phẫu thuật điều trị, thuốc men là hơn 200 triệu đồng. Toàn bộ số tiền trên do gia đình ông vay mượn chi trả” – ông Phùng nêu trong đơn.
Cho rằng, phía công ty chưa xem xét giải quyết quyền lợi về tai nạn lao động cho ông theo quy định của pháp luật, ông Phùng đã nhờ văn phòng luật sư có văn bản đề nghị công ty TNHH Thương mại Tuấn Tú làm thủ tục để ông đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa để xác định tỷ lệ thương tật và mức suy giảm khả năng lao động theo quy định của pháp luật. Đồng thời, giải quyết quyền lợi về tai nạn lao động cho ông.
Cần đảm bảo quyền lợi cho người lao động
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, ông Phùng cho biết, cuộc sống và hoàn cảnh kinh tế của gia đình ông vô cùng khó khăn. Vợ ông bị tai nạn giao thông mới mất vào tháng 7/2020. Trước khi bị tai nạn lao động, ông là lao động chính, là trụ cột gia đình. Bản thân ông phải nuôi 3 con nhỏ và bố mẹ già. Trong đó, con nhỏ nhất hiện mới chỉ hơn 1 tuổi.
“Giờ tôi bị tai nạn lao động, liệt hai chân, nằm một chỗ. Công ty TNHH Thương mại Tuấn Tú chưa giải quyết quyền lợi hoặc kéo dài thời gian giải quyết dẫn đến cuộc sống của tôi và gia đình tôi càng thêm khó khăn hơn”- ông Phùng nói.
Ông Phùng đã có đơn gửi nhiều cơ quan chức năng như Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, UBND tỉnh Hải Dương, Sở LĐ,TB&XH, Công an huyện Kim Thành…
|
Ông Phùng mong muốn công ty giải quyết đảm bảo quyền lợi người lao động sau vụ tai nạn lao động xảy ra tại công ty. |
Trao đổi với PV, đại diện Sở LĐ,TB&XH Hải Dương cho biết, sau khi nhận được đơn của ông Phùng, Sở đã tiến hành mời doanh nghiệp lên làm việc vào cuối tháng 4/2021 để làm rõ các nội dung vụ việc. Đồng thời, yêu cầu công ty làm báo cáo về sở. Trên cơ sở đó, Sở sẽ thực hiện các bước tiếp theo.
“Công ty cho biết anh Phùng đã có hợp đồng làm việc chính thức. Sau khi xảy ra sự việc, công ty đã chi trả chi phí cấp cứu ban đầu hơn 13 triệu đồng. Đồng thời huy động công đoàn hỗ trợ, tổng được hơn 54 triệu. Nữ cán bộ công ty dập cầu dao điện cũng đã hỗ trợ hơn chục triệu đồng. Tổng từ 3 nguồn gần 100 triệu. Trong khi đó, ông Phùng nói chi phí gần 200 triệu đồng” - đại diện Sở LĐ,TB&XH cho biết.
>>> Mời độc giả xem video Phóng sự về một gia đình cần được giúp đỡ tại Kim Thành, Hải Dương:
Nguồn: Truyền hình Hải Dương.
Theo quy định của Luật An toàn vệ sinh lao động, việc điều tra tai nạn lao động đối với một trường hợp nặng như ông Phùng thuộc thẩm quyền của doanh nghiệp. Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh chỉ được phép điều tra lại. Khi điều tra của doanh nghiệp không bảo đảm, người lao động khiếu nại tố cáo thì đoàn điều tra cấp tỉnh sẽ vào cuộc.
Ông Bùi Thanh Tùng, PGĐ Sở LĐ,TB&XH tỉnh Hải Dương cho biết, lãnh đạo Sở đã giao cho thanh tra sở tiếp tục làm rõ.
“Quan điểm của Sở là phải đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Nhìn hoàn cảnh ông Phùng, vợ mất, còn 3 con nhỏ, bố mẹ già. Doanh nghiệp không có người lao động này thì có người lao động khác nhưng vụ tai nạn lao động xảy ra tại doanh nghiệp nên công ty này phải có trách nhiệm với người lao động” - ông Tùng nêu ý kiến.
PV Báo Tri thức và Cuộc sống tiếp tục thông tin vụ việc trên…