Sửa luật để tránh sai sót, vi phạm trong khám chữa bệnh

Google News

Cần quản lý chặt thiết bị y tế, mua sắm từ các nguồn ngân sách và tài trợ xã hội; xác định rõ nguyên tắc mua sắm, sử dụng thuốc chữa bệnh…

Sáng 17/2, tại phiên họp thứ 8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bổ sung dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Làm rõ thực phẩm chức năng khác với thuốc chữa bệnh

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá so với hồ sơ trình lần trước, hồ sơ đề nghị xây dựng luật đã hoàn thiện hơn rất nhiều, tuy nhiên cần làm rõ một số nội dung trong quá trình soạn thảo và thẩm tra. Ông chỉ rõ vấn đề tài chính - ngân sách, trang thiết bị y tế cho công tác khám chữa bệnh (KCB) thời gian qua có nhiều vụ việc nổi cộm. Do vậy, việc sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh lần này phải đảm bảo tính minh bạch, công khai, tạo điều kiện thuận lợi và có khung khổ pháp lý thực hiện.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị làm rõ một số vấn đề giữa y tế dự phòng và KCB; làm rõ sự khác nhau trong việc điều chỉnh pháp luật giữa thực phẩm chức năng với thuốc chữa bệnh… Ngoài ra, theo Chủ tịch Quốc hội, vấn đề trang thiết bị cho công tác KCB thời gian qua có nhiều sai sót, vi phạm nhưng dự thảo luật quy định còn chung chung.

Sua luat de tranh sai sot, vi pham trong kham chua benh

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung làm việc. Ảnh: quochoi.vn

 

Về cơ chế giá dịch vụ của các cơ sở KCB tư nhân, ông đặt vấn đề để đồng bộ với Luật Giá thì xác định như thế nào, ai được quyết định vấn đề này? “Hiện chúng ta chưa có cơ chế để quy định giá đối với cơ sở KCB trong trường hợp liên doanh, liên kết, mới chỉ có giá dịch vụ KCB theo yêu cầu. Vậy quy định vấn đề này thế nào trong dự án luật? Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ được hoàn toàn thì cơ cấu giá dịch vụ có được tính khấu hao hay không?” - Chủ tịch Quốc hội nói và đề nghị “cần tính toán thêm”.

Chủ tịch Quốc hội cũng gợi ý nên chăng cần nghiên cứu bổ sung quy định khung về việc mua sắm, quản lý, sử dụng thuốc cho KCB, chi phí vật tư tiêu hao, có thể giao Chính phủ quy định chi tiết vấn đề này…

Khẳng định Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) rất quan trọng, liên quan đến chăm sóc sức khỏe của nhân dân, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đầu tư công sức kỹ lưỡng cho vấn đề này để đảm bảo chất lượng cao nhất.

Cần “khung giá mềm” để y tế tư nhân phát triển

Giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay trong dự thảo luật, Chính phủ đã làm rõ và bóc tách nguồn lực cho y tế dự phòng và KCB trên nguyên tắc đối với y tế dự phòng sẽ chi theo ngân sách nhà nước; KCB chi theo Luật Bảo hiểm y tế. Hiện Chính phủ cũng đang xây dựng Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi để quy định rõ vấn đề này.

Cơ quan soạn thảo cũng trao đổi, thảo luận nhiều về vấn đề cơ chế giá dịch vụ KCB tư nhân. “Nếu đưa ra khung “cứng” giá dịch vụ y tế tư nhân thì không tạo ra cạnh tranh, không phát triển y tế tư nhân. Trong khi nếu không quy định thì có thể không đảm bảo quyền lợi cho người bệnh” - ông Long nói và cho biết Bộ Y tế đang sửa đổi, nguyên tắc chung là theo cơ chế thị trường để đảm bảo sự phát triển cho y tế tư nhân.

Liên quan đến vấn đề cấp giấy phép hành nghề hay vấn đề sử dụng ngôn ngữ trong KCB tại Việt Nam đối với người nước ngoài, Bộ trưởng Long cho rằng sẽ tham khảo kinh nghiệm quốc tế và ý kiến của các chuyên gia. Bộ trưởng Bộ Y tế ghi nhận và sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến của Chủ tịch Quốc hội và tiếp tục làm rõ thêm các vấn đề trong quá trình xây dựng dự thảo luật trong thời gian tới.

Quản chặt việc kê toa, mua sắm thiết bị y tế

Tại phiên họp, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình đề nghị bổ sung dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết việc chỉnh lý Báo cáo đánh giá tác động theo hướng bổ sung, cập nhật đánh giá tác động đối với 10 nhóm chính sách, trong đó tập trung đánh giá tác động đối với quy định bỏ cấp phép hành nghề đối với chức danh y sĩ; sử dụng ngôn ngữ trong KCB; kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề; phân cấp hệ thống cơ sở KCB; sử dụng sản phẩm dinh dưỡng đặc biệt cho trẻ em dưới 72 tháng tuổi; bảo đảm an ninh, an toàn cơ sở KCB.

Cũng theo Bộ trưởng Lê Thành Long, việc chỉnh lý Báo cáo tổng kết 11 năm thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 theo hướng cập nhật, bổ sung, phân tích làm rõ hơn các tồn tại, bất cập trong quá trình thi hành luật giai đoạn 2019-2021. Đặc biệt là các nội dung liên quan đến dịch COVID-19 như vấn đề điều động nhân lực, giấy phép hoạt động của cơ sở KCB, vấn đề KCB từ xa, vấn đề kê đơn, cấp phát thuốc cho người bệnh...

Kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, người chủ trì, điều hành phiên họp, đề nghị cần phải làm rõ một số vấn đề giữa y tế dự phòng và KCB: Làm rõ sự khác nhau trong việc điều chỉnh pháp luật giữa thực phẩm chức năng với thuốc chữa bệnh; làm rõ các nội dung về sử dụng ngân sách nhà nước trong KCB và trong y tế dự phòng; các tiêu chí cơ sở KCB hoạt động phi lợi nhuận, y tế công lập, các đơn vị tự chủ, các hình thức cơ sở cổ phần; các vấn đề về giá và dịch vụ KCB đồng bộ với Luật Giá và các văn bản liên quan; các nguyên tắc và tiêu chí chung để xác định chi phí KCB, quản lý thiết bị y tế, mua sắm từ các nguồn ngân sách khác nhau và tài trợ xã hội; các nguyên tắc về mua sắm, sử dụng vật tư y tế, thuốc chữa bệnh, các quy định về KCB trong tình trạng đặc biệt đối với các nhóm bệnh đặc biệt như nhóm A… để có tầm nhìn khái quát, có tính dài hạn. 


 

Theo Đức Minh/Plo

>> xem thêm

Bình luận(0)