Chiều tối ngày 23/11, trên mạng xã hội lan truyền thông tin với nội dung: Công an huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu vừa ngăn chặn một vụ đưa trẻ em trái phép qua biên giới, khả năng là buôn bán trẻ em.
Cũng theo những thông tin này, hiện có 9 bé trai được giải cứu. Thông tin được chia sẻ kèm theo hình ảnh 3 người phụ nữ và 9 bé trai. Thậm chí, thông tin trên mạng còn cho rằng, do nhân thân của 9 cháu bé chưa được làm rõ nên Công an huyện Phong Thổ ra thông báo khẩn để thu thập thông tin…
Ngay lập tức, trong tối 23/11, những nội dung trên được rất nhiều trang facebook cá nhân chia sẻ, gây hoang mang dư luận. Theo đó, lãnh đạo phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Lai Châu đã bác thông tin trên. Tất cả những thông tin lan truyền đó là hoàn toàn bịa đặt, sai sự thật. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Lai Châu không hề có vụ việc giải cứu 9 bé trai bị đưa qua biên giới.
|
Thông tin được đăng tải trên mạng xã hội. |
Theo tìm hiểu của PV Kiến Thức, hình ảnh 3 người phụ nữ được đăng tải kèm những thông tin bịa đặt, thực chất là 3 đối tượng trong một vụ án mua bán phụ nữ mà Công an huyện Tương Dương (tỉnh Nghệ An) đã triệt phá vào hồi tháng 8/2019.
Còn đối với hình ảnh 9 bé trai được đăng tải kèm theo nội dung "bắt cóc trẻ em bán qua biên giới", thực chất là hình ảnh của các cháu bé tại một trung tâm bảo trợ xã hội.
Đối tượng đưa thông tin bịa đặt lên mạng xã hội đã cố tình lấy ảnh của 3 bị can trong một vụ án ghép với ảnh 9 cháu nhỏ của một trung tâm bảo trợ xã hội để "minh họa" cho bài viết nhằm "câu view", gây sự chú ý cho người đọc.
Cơ quan công an khuyến cáo, người dân khi tiếp nhận những thông tin trên mạng xã hội cần cẩn trọng, tìm hiểu kỹ, không nên đăng tải những thông tin thiếu chính xác, không được kiểm chứng khiến dư luận hoang mang; trước khi chia sẻ thông tin cần suy nghĩ kỹ càng, tránh vì thiếu hiểu biết mà vi phạm pháp luật…
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Văn Phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, mỗi thông tin đưa lên mạng xã hội đều có thể tác động tới người khác, tác động tới cộng đồng.
Hiến pháp và Pháp luật Việt Nam ghi nhận, bảo đảm và bảo vệ các quyền tự do nhân thân của công dân, bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân. Điều này được quy định tại Điều 20, Điều 21, Hiến pháp năm 2013 và Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín được quy định tại Điều 34, Bộ luật Dân sự năm 2015.
|
Luật sư Đặng Văn Cường, Văn Phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội.
|
Luật sư Đặng Văn Cường nói: “Hành vi vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác trên mạng xã hội, mạng viễn thông, mạng internet mà chưa tới mức nghiêm trọng, chưa nguy hiểm cho xã hội sẽ bị xem xét xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 3, Điều 66, Nghị định số 174/2013/NĐ-CP, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Còn nếu, hành vi vu khống, bịa đặt, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác gây hậu quả nghiêm trọng thể hiện là tung tin, bịa đặt những câu chuyện không có thật nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác thì hành vi này sẽ bị xử lý hình sự về tội Vu khống được quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015 và điều 228 Bộ luật Hình sự 2015". Theo Luật sư Đặng Văn Cường, tùy theo mức độ, tính chất và mục đích của hành vi mà có hướng xử lý hành chính hoặc hình sự.
>>> Xem thêm video: Lật tẩy thủ đoạn mua bán trẻ em xuyên quốc gia