Tình trạng buôn bán người đã trở thành vấn đề "nóng" ở nhiều nước trên thế giới khi trẻ em chiếm tới 62% trong số các nạn nhân. Trong đó, nạn nhân chủ yếu là trẻ em gái.
Mới đây, cảnh sát thành phố Surabaya, thủ phủ tỉnh Đông Java, Indonesia bắt giữ 4 kẻ tình nghi vì cáo buộc buôn bán trẻ em qua mạng xã hội Instagram. Theo thông tin từ cảnh sát, một phụ nữ 22 tuổi, tên là LA, đã tìm cách bán đứa con 11 tháng tuổi trong vụ giao dịch buôn bán trẻ em. Người mua phải trả 15 triệu rupiah (985 USD) cho LA, 5 triệu rupiah cho nhà môi giới và 2,5 triệu rupiah cho Alton Phinandita - chủ sở hữu tài khoản Instagram.
Cảnh sát cũng phát hiện tài khoản Instagram này có đăng nhiều ảnh trẻ sơ sinh bị làm mờ mặt, có thông tin chi tiết về tuổi, nơi sinh và tôn giáo. Một số cuộc hội thoại trao đổi giữa khách hàng và người điều hành cũng được chụp lại rồi đăng trên tài khoản Instagram.
|
Trẻ em là một trong những mục tiêu bị ngắm tới nhiều nhất của các băng nhóm tội phạm buôn người. |
Liên quan đến sự việc này, Đại tá Sudamiran, trưởng phòng điều tra của sở cảnh sát Surabaya, cho biết các nghi phạm có thể bị phạt tù 15 năm vì vi phạm luật bảo vệ trẻ em. Hiện cơ quan chức năng đang làm rõ động cơ của người mua cũng như điều tra vụ án sâu hơn.
Đây là một trong những vụ buôn bán trẻ em mới nhất bị cảnh sát phát giác. Vào năm 2014, Văn phòng LHQ về phòng chống tội phạm và ma túy (UNODC) công bố báo cáo về vấn nạn buôn bán người trên thế giới gây xôn xao dư luận. Cụ thể, báo cáo chỉ ra một số khu vực trên thế giới như châu Phi và Trung Đông, tình trạng buôn người đã trở thành một vấn nạn lớn khi trẻ em là mục tiêu bị ngắm tới nhiều nhất của các băng nhóm tội phạm buôn người.
Theo UNODC, thế giới có khoảng 510 đường dây buôn bán người và ít nhất 152 quốc gia có nạn nhân trong các vụ buôn bán trẻ em. Giới chức trách các nước đã triệt phá và bắt giữ được nhiều tên tội phạm tham gia đường dây buôn bán trẻ em. Sau khi bị bắt, những kẻ cầm đầu các đường dây buôn bán trẻ em đều phải đối mặt với những bản án nghiêm khắc như phạt tù có thời hạn, chung thân hoặc tử hình.
Mời độc giả xem video: Cảnh báo tội phạm mua bán người lấy nội tạng (nguồn: VTV1)
Trước vấn nạn buôn bán người, trong đó đa số nạn nhân là trẻ em, Giám đốc điều hành UNODC, ông Yury Fedotov cho hay những con số thống kê trong báo cáo của cơ quan này chỉ là những trường hợp được giới chức trách các nước phát hiện và xử lý. Do vậy, nó chỉ phản ánh một phần thực tế.
Để xử lý và ngăn chặn vấn nạn buôn bán trẻ em, Giám đốc điều hành UNODC Fedotov nhấn mạnh mỗi quốc gia trên thế giới cần phải áp dụng Công ước Liên hợp quốc chống tội phạm có tổ chức xuyên biên giới và nghị định thư, cam kết thực hiện đầy đủ các điều khoản của công ước.