Hành trình dài đầy nguy hiểm vượt biên sang Anh
Theo New York Times, hàng nghìn người Việt Nam vẫn quyết định bước vào những thùng hàng container chật chội và thiếu oxy để vượt biên sang Anh mỗi năm, dù đối mặt với nguy hiểm về sức khỏe và tính mạng.
Những người di cư trái phép phải sống trong những khu trại tạm bợ ở miền Bắc nước Pháp nhiều tháng trước khi bị "nhồi nhét" trong thùng container đông lạnh để qua mắt lực lượng biên phòng trên đường vượt biên sang Anh. Không chỉ vậy, họ còn thường xuyên bị đánh đập, hoặc bị tấn công tình dục bởi những kẻ trong đường dây đưa người di cư trái phép.
|
Vụ việc 39 người tử vong trong xe tải ở Essex (Anh) vừa qua có thể coi là một lời cảnh báo cho sự nguy hiểm mà người di cư phải đối mặt. Ảnh: Reuters |
Vụ việc 39 người thiệt mạng trên xe tải tại Essex gần đây có thể chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Việc những người nhập cư có tiếp tục chọn lựa con đường đầy nguy hiểm này để đến "miền đất hứa" trong tương lai hay không vẫn là một câu hỏi chưa có lời đáp.
Ước tính, 18.000 người Việt Nam trả từ 10.000 đến 50.000 USD cho các đường dây đưa người di cư trái phép để vượt biên sang châu Âu mỗi năm.
So với các quốc gia khác trong cùng châu lục, Anh trở thành một điểm đến hấp dẫn với những người di cư trái phép, bởi nơi đây có nhu cầu lớn về lao động trình độ thấp.
Sau khi vay mượn đủ tiền từ bạn bè và gia đình cho chuyến hành trình vượt biên sang Anh, những người di cư sẽ bắt đầu chặng đường ở Trung Quốc, nơi họ nhận được giấy tờ tùy thân giả.
Sau đó, những người này sẽ được đưa qua 2 con đường chính: từ Trung Quốc qua Nga, hoặc đi đường hàng không để đến châu Âu. Nếu đi theo con đường thứ nhất, những người di cư trái phép sẽ buộc phải vượt biên từ Nga sang Belarus hoặc Ba Lan, đối mặt với nhiều hiểm nguy, thiếu thốn và sự kiểm tra của biên phòng các nước này.
“Chúng tôi cảm thấy lạnh. Chúng tôi không ăn gì trong hai ngày và phải uống nước từ tuyết tan”, một người có tên Anh, 24 tuổi, chia sẻ với nhóm nghiên cứu trong một cuộc khảo sát những người di cư Việt Nam hồi năm 2017.
Trong khi đó, nếu bay đến châu Âu, họ được dặn đến quầy check-in của sân bay 10 phút trước khi đóng cửa để nhân viên không có đủ thời gian kiểm tra kỹ giấy tờ giả, theo thông tin từ tổ chức chống buôn bán trẻ em quốc tế ECPAT.
Dù theo cách nào, chuyến đi có thể kéo dài hàng tháng, thậm chí vài năm. Để có đủ tiền tiếp tục hành trình, nhiều người phải làm việc trong các xưởng may ở Nga hay các nhà hàng trên khắp châu Âu,... Chưa kể, chuyến hành trình có thể bị gián đoạn hoặc kết thúc bất cứ lúc nào nếu những người này bị bắt.
Cuộc sống bị bóc lột ở Anh nhưng vẫn phải im lặng...
Lợi dụng việc những người di cư không được bảo vệ bởi pháp luật, các băng nhóm tội phạm đưa người di cư trái phép thường tìm cách thao túng và lợi dụng họ.
Theo Sulaiha Ali - một luật sư về nhân quyền, người nhập cư trái phép thường được hứa hẹn về một công việc hợp pháp tại một nhà hàng hoặc công trường xây dựng khi đã đến Anh, nhưng trên thực tế, họ lại bị đưa vào những căn nhà trồng cần sa bất hợp pháp. Những người này sau đó sẽ bị nhốt trong khu nhà, sống chen chúc trong một căn phòng chật hẹp và luôn phải chịu rủi ro cháy nổ và ảnh hưởng của hóa chất bảo vệ thực vật đến sức khỏe.
|
Một tiệm nail của người Việt tại Tottenham, London, năm 2017. Ảnh: NYT. |
Ngoài ra, một ngành nghề phổ biến khác tại Anh cũng sử dụng lao động là dân nhập cư trái phép là nghề làm nail (móng). Trong các tiệm nail, những người chủ có thể kiểm soát mọi khía cạnh trong cuộc sống của người làm công, dẫn đến việc thoải mái lạm dụng sức lao động của họ.
Theo Ali, lực lượng chức năng cũng không giúp được gì nhiều khi ưu tiên của họ là tìm ra những người nhập cư trái phép để bắt giữ họ và trục xuất, chứ không phải là điều tra xem những người này có bị bóc lột lao động hay bị lạm dụng cho các công việc trái phép hay không. Chính vì lẽ đó, các tổ chức vận chuyển người trái phép càng "mặc sức" kiểm soát những người muốn di cư trong bóng tối.
Mời độc giả xem video về vụ việc 39 thi thể người nhập cư trong container ở Anh (Nguồn: Vietnam Plus)
Việc điều tra hoạt động đưa người vượt biên trái phép càng trở nên khó khăn hơn khi những người di cư bị những tên tội phạm đe dọa khiến họ sợ hãi không dám trình báo. Theo luật sư nhân quyền Firoza Saiyed, những người nhập cư thường bị "tiêm nhiễm" vào đầu về việc họ không được chính quyền (Anh) bảo vệ về pháp lý và vì thế, công việc điều tra, thẩm vấn những người này càng trở nên khó khăn hơn.