Văn bản do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Lê Hồng Minh ký khẳng định: Việc quy hoạch và đầu tư phát triển Cảng hàng không Mộc Châu là cần thiết, nhằm phục vụ mục đích an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế trong thời gian tới.
Theo lãnh đạo tỉnh này, Sơn La là tỉnh có nhiều tiềm năng về tự nhiên (cảnh quan đẹp, khí hậu tốt, địa hình phong phú) về xã hội (với 12 dân tộc giàu bản sắc truyền thống) và hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế du lịch phong phú, có nhiều lợi thế để phát triển du lịch.
|
Ngoài sân bay Nà Sản, Sơn La tiếp tục đề xuất xây dựng sân bay Mộc Châu. |
Lượng khách đến với Sơn La đạt khoảng 2,5 triệu lượt người năm 2019; tăng trưởng nhanh, ổn định ở mức khoảng 23,2%/năm (tỷ lệ khách quốc tế là 31,84%; khách du lịch nội địa là 22,91%).
Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu (bao gồm 2 huyện Mộc Châu, Vân Hồ) nằm ở vị trí cửa ngõ đặc biệt quan trọng của tỉnh Sơn La và vùng Tây Bắc, là trung tâm du lịch trọng điểm của tỉnh Sơn La và khu vực Tây Bắc, cũng như cả nước.
Với tiềm năng lợi thế về phát triển du lịch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cùng với sự hình thành và phát triển Khu công nghiệp Vân Hồ, các nhà máy chế biến sản phẩm nông nghiệp, nhà máy chế biến sữa Vinamilk trên địa bàn huyện Mộc Châu, Vân Hồ có tác động tích cực, thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển; góp phần quan trọng vào việc xóa đói giảm nghèo; bảo đảm an sinh, an toàn xã hội và an ninh quốc phòng.
Với vị trí quan trọng, tiềm năng, lợi thế nêu trên và qua thống kê khảo sát cho thấy dự báo nhu cầu vận chuyển hành khách, trọng tâm là khách du lịch bằng đường hàng không trên địa bàn huyện Mộc Châu, Vân Hồ và vùng phụ cận sẽ tăng nhanh trong thời gian tới.
Theo đề xuất của Sơn La, Cảng hàng không Mộc Châu được xác định là sân bay cấp 4E, phần kỳ đầu tư làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (đến năm 2030), là cảng hàng không dân dụng (thực hiện khai thác các tuyến bay nội địa hàng không thường kỳ và một số tuyến quốc tế) với công suất dự kiến 1 triệu hành khách/năm.
Giai đoạn 2 (sau năm 2030), dự kiến công suất là 2 triệu hành khách/năm. Kết cấu đường băng dự kiến có chiều dài ≥ 1.800m. Về diện tích, đến năm 2030 khoảng 350ha; đến năm 2050 khoảng 500ha.
Dự kiến tổng mức đầu tư CHK Mộc Châu khoảng 6.500 tỷ đồng, đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Ngoài các tuyến đường bay nội địa đi/đến TP.HCM, Đà Nẵng, Cam Ranh, Buôn Ma Thuật, Pleiku, Phú Quốc..., địa phương còn muốn khai thác các đường bay quốc tế đi/đến khu vực Đông Bắc Á (Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông), khu vực Đông Nam Á (Viêng Chăn (Lào), Bangkok (Thái Lan), KualaLumpur (Malaysia), Jakarta (Indonesia)...).
Tại văn bản báo cáo Bộ GTVT, lãnh đạo Sơn La chưa nêu rõ vị trí của CHK Mộc Châu mà chỉ khẳng định “lựa chọn tại vị trí thuận lợi, địa hình bằng phẳng, phù hợp tiêu chuẩn kỹ thuật, đảm bảo quy mô khai thác, thuận lợi kết nối các tuyến giao thông đường bộ”.
Trước đó, hồi giữa tháng 8, UBND tỉnh Sơn La đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đầu tư xây dựng Cảng hàng không Nà Sản.
>>> Mời độc giả xem thêm video Cảnh báo lừa bán “gói thầu ảo” tại dự án sân bay Long Thành: