Học viện Báo chí và Tuyên truyền kỷ niệm 60 năm thành lập

Google News

Ngày 11/9, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập (1962-2022) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba.

Lễ kỷ niệm vinh dự được đón nhận lẵng hoa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng.
Đến dự lễ kỷ niệm có GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Bà Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch nước; Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương.
Hoc vien Bao chi va Tuyen truyen ky niem 60 nam thanh lap
 Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba cho Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Tại buổi lễ, PGS, TS Mai Đức Ngọc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường đã đọc thư chúc mừng của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập.
Phát biểu tại buổi lễ, PGS, TS Phạm Minh Sơn, Phó bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: “Hoạt động chuyên môn của nhà trường so với thời kỳ đầu đã có bước phát triển mạnh mẽ. Các ngành, chuyên ngành đào tạo chính quy được mở rộng ở cả trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Hoạt động quản lý đào tạo đổi mới theo phương thức hiện đại. Các trang thiết bị kỹ thuật hiện đại được đầu tư nhằm phục vụ kịp thời cho các chuyên ngành đào tạo đặc thù.
Bên cạnh đó, nhà trường đã mở rộng các hoạt động hợp tác với các đối tác nước ngoài, tham gia các dự án quốc tế. Hệ thống chương trình, giáo trình thường xuyên được đổi mới, cập nhật. Trong suốt chặng đường 60 năm qua, bằng lao động khoa học nghiêm túc và sáng tạo, các thế hệ cán bộ, giảng viên của học viện đã khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với lòng tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân”.
Trong 60 năm qua, học viện đã đào tạo, bồi dưỡng cho đất nước hơn 70 nghìn cán bộ có trình độ cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ trong lĩnh vực lý luận chính trị, công tác tư tưởng, báo chí-truyền thông, trong đó có hàng nghìn cán bộ nghiên cứu, giảng dạy lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ở hệ thống các trường Đảng, các trường đại học, cao đẳng, các cơ sở đào tạo của các tổ chức chính trị - xã hội và hàng nghìn phóng viên, biên tập viên, cán bộ làm công tác truyền thông, cán bộ quản lý ở các nhà xuất bản, các cơ quan báo chí, các cơ quan truyền thông trong cả nước.
Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao, xứng đáng là một trường Đảng, một trường đại học trọng điểm Quốc gia về đào tạo giảng viên lý luận chính trị, cán bộ báo chí - truyền thông, tư tưởng – văn hóa và một số lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn khác. Tại Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập, Học viện Báo chí và Tuyên truyền vinh dự được đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba.
Biểu dương, chúc mừng thành tích mà Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt được trong 60 năm qua, GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: 60 năm xây dựng và trưởng thành là điểm tựa để Học viện kế thừa, phát huy truyền thống vẻ vang, bề dày kinh nghiệm, quyết tâm phấn đấu xây dựng nhà trường ngày càng vững mạnh, tiếp tục khẳng định và phát huy vai trò của một trường Đảng, một trường đại học trọng điểm, nôi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngành tư tưởng – văn hóa, báo chí – truyền thông cho toàn xã hội.
Về nhiệm vụ thời gian tới của học viện, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã gợi mở một số vấn đề như: Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo hướng hiện đại, tăng cường tính liên thông, liên kết; giảng dạy lý thuyết phải gắn với tăng cường thực hành, kiến thức thực tiễn; chú trọng đào tạo cả về chuyên môn lẫn rèn luyện phẩm chất đạo đức.
Bên cạnh đó, học viện cần tăng cường nghiên cứu khoa học để nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, phục vụ trực tiếp nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và tư vấn chính sách. Học viện cần có nhiều hơn các báo cáo kiến nghị, báo cáo chắt lọc kết quả nghiên cứu; nỗ lực xây dựng thương hiệu, uy tín là một trường đại học định hướng nghiên cứu. Học viện cần tăng cường hiện đại hóa cơ sở vật chất, chăm lo cải thiện đời sống cho cán bộ, viên chức và điều kiện làm việc, học tập cho cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên.
Đồng thời, học viện cần tiếp tục xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ giảng viên trẻ, giỏi về chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm, lập trường chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, lối sống mẫu mực…
>>> Mời độc giả xem thêm video Bầu trời kỷ niệm trong cuốn lưu bút:

(Nguồn: VTV)

Thiên Tuấn

>> xem thêm

Bình luận(0)