Sẽ khởi động việc tìm kiếm chiếc MiG-21 mất tích ở Tam Đảo 47 năm trước

Google News

Trong thời gian sớm nhất, Quân chủng PK-KQ sẽ khởi động việc tìm kiếm chiếc máy bay MiG-21 mất tích cùng phi công Công Phương Thảo và chuyên gia Liên Xô Poyarkov 47 năm trước.

Ngày 7/3, Phòng Cứu hộ cứu nạn - cơ quan đầu mối của Quân chủng Phòng không không quân trong công tác tìm kiếm, cứu nạn đã có buổi làm việc thứ hai với đại diện nhóm tìm kiếm.
Tại buổi làm việc, phòng thông báo mảnh kim loại nghi là của máy bay đã được chuyển cho bộ phận chuyên môn để đánh giá. Trong thời gian sớm nhất, không quân sẽ khởi động việc tìm kiếm chiếc máy bay huấn luyện MiG-21 mất tích cùng phi công Công Phương Thảo và chuyên gia Liên Xô Poyarkov 47 năm trước.
Những nhận định ban đầu
Trong buổi bàn giao mảnh kim loại hôm trước, 28-2, những đại diện Phòng Cứu hộ cứu nạn, vốn xuất thân phi công MiG-21, đã nhận ngay ra sự tương đồng của vật tìm thấy được với chiếc máy bay thân quen của mình.
Với nhóm tìm kiếm, đánh giá mảnh hợp kim nhôm tìm được ở Tam Đảo có phải là của chiếc máy bay huấn luyện hai chỗ ngồi MiG-21 bị mất tích không là thách thức đầu tiên khi TS Nguyễn Lê Anh về tới Hà Nội.
Trong cuốn kỷ yếu Nhớ ơn các liệt sĩ không quân nhân dân Việt Nam, NXB Quân đội nhân dân phát hành năm 2010, có thống kê khá chi tiết các trường hợp lính không quân hy sinh trong chiến đấu ở khu vực Vĩnh Phúc và Thái Nguyên - nằm hai bên dãy Tam Đảo. Theo đó, nhiều loại máy bay tham chiến trên khu vực này: MiG-17, MiG-19, MiG-21 của không quân Việt Nam; F-4, F105 của không quân Mỹ...
Với liệt sĩ Công Phương Thảo, cuốn kỷ yếu này không đề cập tới loại máy bay huấn luyện. Tuy nhiên, một tài liệu khác cho hay chiếc máy bay mà anh Thảo cùng chuyên gia Liên Xô Poyarkov điều khiển, mất tích hôm 30-4-1971 là UMiG-21 hoặc một tên gọi khác là MiG-21U - loại máy bay huấn luyện hai chỗ ngồi để phân biệt với tiêm kích chiến đấu một chỗ ngồi MiG-21. Cựu phi công Nguyễn Khánh Duy, bạn cùng lớp huấn luyện ở Trung đoàn Không quân 921, cũng nhớ như vậy.
 Đại diện Quân chủng Phòng không không quân ký biên bản bàn giao mảnh vỡ máy bay do TS Nguyễn Lê Anh chuyển tới. Ảnh: TUYẾN PHAN
Khi thấy mảnh kim loại trên Facebook, một nick là Nhat Dinh ngay lập tức liên hệ với TS Lê Anh. Đó là ông Đào Nhật Đinh, một chuyên gia về môi trường, thường hay bình luận nhiều vấn đề về khoa học, công nghệ trên mạng xã hội. “Mình qua chỗ Lê Anh trực tiếp coi mảnh kim loại thì thấy rõ lớp vỏ đuya-ra với các đinh tán, ốc vít đặc trưng của máy bay. Lại có một thiết bị kiểu như khóa và khe trên còn dính mảnh kính hoặc mi-ca dày nữa nên phán đoán ngay khả năng liên quan đến buồng lái. Tìm trên mạng hàng loạt ảnh các loại MiG-17, MiG-19, MiG-21 và MiG-21U thì thấy khớp hoàn toàn với MiG-21U hai chỗ ngồi. Đơn giản vậy thôi” - ông Đinh kể lại.
Đại tá Lê Đức Minh, Trưởng phòng Cứu hộ cứu nạn thuộc Quân chủng phòng không, mặc dù có chung nhận xét nhưng cho biết còn rất nhiều việc phải làm.
Có vẻ mảnh vỡ là của chiếc MiG-21
“Kẹp trong khe phía trên mảnh kim loại có mẩu mi-ca dày và một chốt khóa. Cảm quan mà nói, có vẻ mảnh vỡ này là phần nối khung máy bay với vòm trước buồng lái, ngay phía trái máy ngắm và chốt kia là khóa kín ngoài buồng lái trước. Phi công thường nhìn xuống mặt đất qua phía đó khi thao tác hạ cánh” - Trưởng phòng Cứu hộ cứu nạn Lê Đức Minh.
Vẫn còn một khối sắt trong khe núi
Thông tin mới nhất là lãnh đạo quân chủng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng vào cuộc. Đầu tiên là chuyển mảnh vỡ cho bộ phận kỹ thuật đang quản lý MiG21-U, cùng đời với chiếc mất tích để so sánh, đối chiếu. Khi có kết quả chính thức và thêm các thông tin hỗ trợ khác, quân chủng sẽ phối hợp với nhóm tìm kiếm trở lại thực địa Tam Đảo - nơi đã tìm thấy mảnh kim loại kia, cũng là nơi mà người dân Mỹ Yên, Đại Từ, Thái Nguyên nói đã xẻ thịt, bán đồng nát một máy bay rơi trong núi hàng chục năm trước.
Chưa thể phán đoán kết quả tìm kiếm tới đây, song trao đổi với phóng viên chiều 8-3, ông Dương Văn Phú, người dân địa phương tham gia cuộc tìm kiếm và trực tiếp cùng TS Lê Anh phát hiện mảnh vỡ hôm rồi, khẳng định vẫn còn một khối sắt với những bánh răng lớn dưới khe cạn.
“Khoảng năm 1995-1996, tôi có thấy một khối kim loại nặng, 4-5 người bê không nổi, ở vị trí thẳng dưới chỗ tìm thấy mảnh kim loại hôm trước, cách khoảng một giờ leo núi. Hồi đó tôi còn đóng một cái chêm sắt vào, định gỡ các bánh răng ra nhưng không được. Chiếc nêm bị kẹt lại. Giờ lâu rồi nhưng nếu cần tôi sẽ cố lần tìm lại chỗ ấy” - ông Phú nói.
Tại sao nhiều vụ rơi máy bay xảy ra ở vùng Tam Đảo?
Trong trí nhớ của cựu phi công Nguyễn Khánh Duy, sở dĩ vùng trời các tỉnh quanh dãy Tam Đảo xảy ra nhiều vụ không chiến là vì sân bay Đa Phúc (nay là Nội Bài) và các trạm radar hồi đó đều ở phía Nam và Tây Nam dãy Tam Đảo. “Đây là dãy núi dài và cao nhất đồng bằng Bắc bộ. Radar bị cản sóng nên mặt bên kia dãy núi bọn tôi gọi là vùng mù radar. Tụi phi công Mỹ toàn ẩn nấp đằng sau đó để tấn công các cơ sở công nghiệp, quốc phòng của ta và do đó đấy cũng là nơi xảy ra nhiều vụ không chiến giữa không quân ta và Mỹ, nhất là khu vực Đại Từ, Thái Nguyên” - ông Duy giải thích.
Cũng theo ông Duy, vì Trung đoàn 921 - đơn vị không quân chiến đấu chủ lực thời chống Mỹ đóng quân chủ yếu ở sân bay Đa Phúc nên quanh đó cũng bố trí các khu vực huấn luyện bay. Vùng trời Thái Nguyên là một khu vực như vậy và đây chính là vùng bay huấn luyện của phi công Công Phương Thảo và chuyên gia Poyarkov.
Theo Nghĩa Nhân/Plo

>> xem thêm

Bình luận(0)