Mới đây, Công an TP Hồ Chí Minh xác nhận thông tin đã có văn bản đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị phối hợp cùng xác minh việc làm từ thiện của ông Võ Nguyễn Hoài Linh (tức nghệ sĩ, danh hài Hoài Linh) hỗ trợ 1,5 tỷ cho người dân huyện Triệu Phong do ảnh hưởng bão, lụt năm 2020. Hoài Linh kêu gọi ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng do đợt bão lũ miền Trung cuối năm 2020 và công bố nhận được hơn 13 tỷ đồng vào ngày 11/11/2020. Tuy nhiên, sau đó danh hài đã chậm giải ngân, gây bức xúc trên mạng xã hội.
Hoài Linh cũng là một trong số nghệ sĩ đang được các đơn vị Công an TPHCM kiểm tra, rà soát liên quan kêu gọi, quyên góp từ thiện cùng với các nghệ sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Thủy Tiên, Trấn Thành và ông Võ Hoàng Yên… mà bà Nguyễn Phương Hằng phản ánh trong các buổi livestream.
|
Ca sĩ Thủy Tiên, nghệ sĩ Hoài Linh, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây liên quan làm từ thiện.
|
Thời điểm này, Cục Cảnh sát hình sự phối hợp UBND và MTTQ Việt Nam các cấp ở các tỉnh miền Trung như Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi… xác minh xác minh làm rõ số tiền cứu trợ của ca sĩ Thủy Tiên tại các địa phương này.
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, việc rà soát hoạt động từ thiện của một số nghệ sĩ ở các tỉnh miền Trung năm 2020 để làm rõ có tiêu cực, khuất tất, vi phạm pháp luật hay không là cần thiết để trả lời một số đơn thư tố cáo cũng như giải quyết những băn khoăn, thắc mắc của dư luận trong thời gian qua.
Hoạt động từ thiện từ phát của một số nghệ sĩ thời gian qua có nhiều dư luận không tốt, thậm chí có những đơn tố cáo, tố giác khiến dư luận nghi ngờ. Do đó, việc cơ quan điều tra căn cứ vào các đơn thư tố cáo, tố giác, căn cứ vào dư luận trên báo chí, mạng xã hội để tiến hành thụ lý tin báo là có căn cứ, đúng pháp luật, trên cơ sở đó sẽ làm rõ có hành vi vi phạm pháp luật hay không để kết luận, giải quyết kịp thời, nghiêm minh và công bằng.
Luật sư Cường cho rằng, đối với nghệ sĩ Hoài Linh dù kêu gọi quyên góp được gần 14 tỷ năm 2020 nhưng chậm giải ngân, nửa năm sau khi dư luận lên tiếng mới giải ngân khi hậu quả thiên tai gần như đã khắc phục xong khiến người dân nghi ngờ vào tính minh bạch trong hoạt động từ thiện của một số nghệ sĩ. Do đó, cơ quan điều tra sẽ làm rõ, Hoài Linh đã quyên góp được bao nhiêu tiền, có giải ngân hết số tiền đó hay không, đồng thời làm rõ lý do tại sao nghệ sĩ này lại chậm giải ngân. Nếu có căn cứ chứng minh hành vi chậm giải ngân 6 tháng nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ, việc những nghệ sĩ đứng ra kêu gọi từ thiện đã tiếp nhận được bao nhiêu tiền, số tiền được tiếp nhận vào những tài khoản nào và quản lý, phân phát ra sao. Qua các thông tin sao kê tài khoản ngân hàng có thể biết là số tiền đã nhận được là bao nhiêu, có chuyển đi các tài khoản khác hay không, số tiền rút ra là bao nhiêu.
Trên cơ sở đó, cơ quan điều tra sẽ làm rõ đồng bào miền Trung đã nhận được bao nhiêu tiền trong tổng số tiền các nghệ sĩ đã quyên góp được. Các giấy xác nhận, tài liệu, thông tin của những người đứng ra kêu gọi hoạt động từ thiện và xác nhận của chính quyền địa phương là các tài liệu quan trọng để xác định việc giải ngân đã diễn ra như thế nào và đã giải ngân được bao nhiêu tiền.
Trường hợp có căn cứ cho thấy những người đã đứng ra kêu gọi từ thiện chưa phân phát hết số tiền đã quyên góp được thì hành vi có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự và xử lý về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo điều 175 bộ luật hình sự năm 2015.
Trường hợp phát hiện ra những giấy tờ giả mạo về việc đã phân phát số tiền đó thì đó cũng là căn cứ để khởi tố vụ án hình sự. Hành vi giả mạo, gian dối là đã phân phát số tiền từ thiện để chiếm đoạt số tiền đó là hành vi vi phạm pháp luật. Với số tiền chiếm đoạt từ 4.000.000 đồng trở lên thì hành vi này thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo điều 175 bộ luật hình sự năm 2015.
“Việc xác minh đối với ai, xác minh nội dung nào, xác minh như thế nào sẽ do cơ quan điều tra quyết định để làm rõ các tình tiết của vụ việc, làm căn cứ để quyết định có khởi tố vụ án hình sự hay không. Nhưng dù thủ tục được thực hiện như thế nào chăng nữa thì việc xác minh tin báo vẫn phải đảm bảo tính khách quan, đầy đủ, toàn diện để đánh giá chứng cứ, kết luận sự việc. Khi có thông tin đầy đủ về việc số tiền đã quyên góp, số tiền đã giải ngân, diễn biến của hoạt động giải ngân thì cơ quan điều tra sẽ có căn cứ để kết luận vụ việc”- luật sư Cường nêu ý kiến.
Đến nay, việc xác minh thông tin đối với hoạt động từ thiện của ca sĩ Thủy Tiên và nghệ sĩ Hoài Linh đang diễn ra. Ngoài ra đối với các ca sĩ, nghệ sĩ, những người khác đứng ra kêu gọi quyên góp từ thiện mà có đơn thư tố cáo, tố giác hoặc có dư luận xấu, cơ quan điều tra cũng sẽ tiến hành xác minh làm rõ để có kết luận, xử lý theo quy định của pháp luật.
Bởi vậy, trong giai đoạn này, chính quyền địa phương nơi xảy ra lũ lụt năm 2020 có trách nhiệm cung cấp các thông tin, tài liệu, tại điệu, xác nhận vụ việc làm căn cứ để cơ quan điều tra đánh giá chứng cứ, kết luận và giải quyết vụ việc theo quy định pháp luật.
Theo luật sư Cường, về nguyên tắc là người tố cáo và người bị tố cáo đều có quyền cung cấp các tài liệu, chứng cứ, đồ vật để chứng minh cho yêu cầu của mình, các cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ các tài liệu chứng cứ có liên quan có nghĩa vụ cung cấp tài liệu chứng cứ. Còn việc đánh giá chứng cứ như thế nào, giá trị chứng minh của các chứng cứ đến đâu sẽ do các cơ quan tiến hành tố tụng đánh giá.
Trao đổi với báo chí, ông Lưu Bình Nhưỡng, ĐBQH khóa XIV, Phó Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, nếu đã có dấu hiệu phạm tội, cơ quan chức năng phải vào cuộc để đảm bảo kỷ cương, phép nước. Chính quyền có trách nhiệm phải đưa ra câu trả lời chính thức, và chính xác cho dư luận để kết thúc những tranh cãi, lùm xùm như vừa qua.
>>> Mời độc giả xem thêm video Xem video "Thủy Tiên - Công Vinh livestream sao kê từ thiện":