Sáp nhập một số tỉnh: "Nên làm thí điểm tránh ảnh hưởng lớn"

Google News

"Trong 63 tỉnh, thành của Việt Nam, bao nhiêu tỉnh, thành nằm trong dạng sáp nhập? Ví dụ 10 tỉnh nằm trong diện sáp nhập sẽ sắp xếp thí điểm bao nhiêu tỉnh? Chứ không phải thực hiện đồng loạt" - đại biểu Quốc hội khóa XIV Phạm Văn Hòa nói.

Những tỉnh nào có thể nằm trong danh sách sáp nhập?
Mới đây, Bộ Nội vụ đã có dự thảo báo cáo, tờ trình và Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều trong Nghị quyết số 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính để lấy ý kiến người dân.
Theo dự thảo, đơn vị hành chính cấp tỉnh được phân làm hai loại là tỉnh miền núi, vùng cao và còn lại, với hai tiêu chí diện tích tự nhiên và quy mô dân số.
Cụ thể, với tỉnh miền núi, vùng cao, tiêu chuẩn phải có số dân từ 900.000 người trở lên, diện tích tự nhiên ít nhất 8.000 km2. Trường hợp tỉnh có diện tích tự nhiên rộng hơn ít nhất 150% so với mức tiêu chuẩn, thì quy mô dân số từ 700.000 người trở lên.
Đối với những tỉnh không phải miền núi, dân số từ 1,4 triệu người trở lên và diện tích tự nhiên trên 5.000 km2.
Sap nhap mot so tinh:
 Bắc Ninh là tỉnh có diện tích nhỏ nhất chỉ với 822,7 km2 nhưng lại có dân số tương đối lớn, với khoảng 1,37 triệu người. Ảnh: Vietnammoi
Bộ Nội vụ cho biết việc sửa đổi quy định về tiêu chuẩn quy mô dân số của địa phương miền núi, vùng cao sẽ theo hướng tỉnh, huyện có diện tích tự nhiên rộng hơn 150% trở lên so với mức tiêu chuẩn thì quy mô dân số được giảm 25% so với quy định. Điều này nhằm phù hợp với đặc thù của đơn vị hành chính miền núi, vùng cao có diện tích tự nhiên lớn, địa hình phức tạp, dân số ít.
Kết quả Tổng điều tra dân số năm 2019 của Tổng Cục Thống kê cho thấy, các tỉnh có dân số ít nhất gồm: Bắc Kạn, Lai Châu, Cao Bằng, Kon Tum, Ninh Thuận, Điện Biên, Đắk Nông, Quảng Trị, Lào Cai, Hậu Giang. Trong số 10 tỉnh này, dân số chỉ giao động từ 314 – 733 nghìn người.
Khu vực miền núi phía Bắc có 5 tỉnh có dân số ít nhất. Trong đó, Bắc Kạn là tỉnh ít dân nhất, chỉ với 314 nghìn người. Đứng thứ hai là Lai Châu, tỉnh có diện tích lớn nhưng dân số chỉ hơn 460 nghìn người. Đứng vị trí thứ 3 là Cao Bằng với trên 530 nghìn người.
Có 2 tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên dân số ít là Kon Tum với 540 nghìn người và Đắk Nông có 622 nghìn người.
Về diện tích tự nhiên, Bắc Ninh là tỉnh có diện tích nhỏ nhất chỉ với 822,7 km2 nhưng lại có dân số tương đối lớn, với khoảng 1,37 triệu người. Đứng vị trí thứ hai là tỉnh Hà Nam với 860,9 km2, thuộc vùng đồng bằng sông Hồng, giáp nhiều tỉnh như Hà Nội, Nam Định, Thái Bình.
Tỉnh diện tích nhỏ nhất kế tiếp là Hưng Yên với 930,2 km2. Vĩnh Phúc ở vị trí thứ tư trong số các tỉnh có diện tích nhỏ nhất Việt Nam và Đà Nẵng là thành phố trực thuộc Trung ương, nhưng chỉ với diện tích 1.284,9 km2, đứng thứ năm trong số các tỉnh, thành có diện tích nhỏ nhất. Đà Nẵng giáp Thừa Thiên Huế, Quảng Nam.
Dự thảo của Bộ Nội vụ cho thấy, các đơn vị hành chính phải được rà soát, đánh giá theo tiêu chuẩn mới quy định tại Nghị quyết. Trường hợp không đạt tiêu chuẩn về quy mô dân số và diện tích tự nhiên của đơn vị hành chính, địa phương phải sáp nhập, sắp xếp theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cơ quan có thẩm quyền.
Ngoài ra, việc thành lập, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính sẽ căn cứ thêm các yếu tố về bảo vệ chủ quyền quốc gia, quốc phòng, an ninh, bảo tồn, phát triển di sản văn hóa, lịch sử và du lịch quốc gia. Dự kiến quý I/2022, việc sắp xếp lại các đơn vị hành cấp huyện, cấp xã và làm điểm ở cấp tỉnh sẽ diễn ra.
Nên làm thí điểm
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, đại biểu Quốc hội khóa XIV Phạm Văn Hòa cho biết, tại kỳ họp của Quốc hội khóa XIV, ông đã có ý kiến nên sáp nhập tại một số tỉnh thí điểm có diện tích và dân số thấp để làm giảm bớt đơn vị hành chính cấp tỉnh, giảm bớt ngân sách nhà nước gắn cho cán bộ công chức, viên chức trong toàn tỉnh.
“Ngân sách hàng năm chi cho bộ máy này không phải ít tiền nên tôi nghĩ rằng nên hợp nhất, sáp nhập để bộ máy được tinh gọn, hoạt động có hiệu quả và giảm bớt ngân sách nhà nước”- ông Phạm Văn Hòa nói.
Tuy nhiên, ông Hòa cho rằng, sẽ rất khó khăn trong việc sáp nhập tỉnh, nhất là vấn đề con người khi cần phải giải quyết chính sách cho hàng loạt các cán bộ.
“Bộ máy công chức, viên chức cấp huyện hơn trăm người không kể giáo dục và y tế. Đối với cấp tỉnh sáp nhập lại sẽ giảm con người rất lớn. Do đó trước tiên phải quan tâm đến vấn đề con người. Giải quyết được chính sách, chế độ cho các cán bộ công chức, viên chức, người lao động khi sáp nhập cấp tỉnh là cực kỳ quan trọng. Con người là nguồn gốc của mọi công việc”- ông Hòa nói.
Sap nhap mot so tinh:
Đại biểu Quốc hội khóa XIV Phạm Văn Hòa. 
Theo ông Hòa, việc sáp nhập sẽ ảnh hưởng đến tư tưởng, suy nghĩ và công ăn việc làm của con người. Từ đó, ông Hòa cho biết, bản thân đồng tình với đề xuất của Bộ Nội vụ nhưng cần phải có lộ trình, cần phải tính toán, sắp xếp và ban hành chế độ chính sách khi tinh giản khi các cán bộ đó không còn làm việc trong cơ quan nhà nước nhưng được hưởng chế độ chính sách đó để làm công việc khác.
“Tôi cho rằng, đây là việc phải làm thận trọng, khách quan để các cán bộ đó an tâm, ổn định cuộc sống. Một vấn đề nữa là phải quan tâm động viên về tinh thần, tư tưởng, giải thích cặn kẽ để không có sự phản ứng khi sáp nhập. Đồng thời, phải lựa chọn người tài, đức, người làm được việc, nhạy bén, giỏi giang, đảm bảo về năng lực, trình độ phẩm chất đạo đức, chứ không thể loại những cán bộ này ra để chọn người nhà, người thân vào bộ máy” – ông Phạm Văn Hòa nêu ý kiến.
Ông Phạm Văn Hòa cho rằng, nên thực hiện thí điểm trên cơ sở căn cứ các tiêu chí của Bộ Nội vụ đề ra về diện tích, dân số.
“Trong 63 tỉnh, thành của Việt Nam, bao nhiêu tỉnh, thành nằm trong dạng sáp nhập? Nếu lấy ví dụ 10 tỉnh nằm trong diện sáp nhập sẽ sắp xếp thí điểm bao nhiêu tỉnh? Chứ không phải thực hiện đồng loạt, 10 tỉnh trong diện sáp nhập mà phải làm hết cả 10 tỉnh. Cần phải có lộ trình, thứ tự, ưu tiên tỉnh nào trước, tỉnh nào sau. Đương nhiên phải có cấp thẩm quyền phê duyệt nhưng không phải thực hiện đồng loạt bởi sẽ ảnh hưởng rất lớn. Làm sao sắp xếp hợp lý, hài hòa là tốt nhất”- ông Hòa cho biết.
>>> Mời độc giả xem thêm video Bộ Nội vụ đề xuất thí điểm sáp nhập một số tỉnh:

Nguồn: Truyền hình Đồng Tháp.

Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)