Sáng 28/3, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã có cuộc làm việc với Bộ GD&ĐT về tình hình thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã nêu sáu vấn đề mà Thủ tướng đề nghị bộ trưởng và lãnh đạo Bộ GD&ĐT giải trình, báo cáo thêm. Đây là những vấn đề dư luận rất quan tâm trong thời gian qua như việc công nhận chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư (GS, PGS); phẩm chất, đạo đức nhà giáo; thu nhập cho giáo viên...
|
Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ (đứng) tại buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng (bên trái là Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng). Ảnh: Đ.MINH |
Sắp có kết quả thanh tra việc phong hàm GS, PGS
Liên quan đến việc công nhận chức danh GS, PGS, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay: Bộ GD&ĐT đã có giải trình với Thủ tướng và công luận. Về cơ bản, các ứng viên đáp ứng tiêu chuẩn đạt chức danh GS, PGS với những tiêu chuẩn đã được xây dựng khoảng 20 năm. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nhạ thừa nhận cũng có những ứng viên chưa đáp ứng được tiêu chuẩn và các hội đồng cũng sàng lọc chưa chuẩn.
“Theo quy định, nếu xét xong thấy có vấn đề thì cần rà soát lại. Bước đầu, sau rà soát có 94 ứng viên có đơn thư cần phải giải quyết đúng theo quy trình và có các minh chứng chưa đủ tin cậy... Chúng tôi đã thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra, theo kế hoạch ngày 31-3 sẽ kết thúc. Hội đồng này thậm chí trao đổi, làm việc với từng ứng viên để họ “tâm phục, khẩu phục”. Cuối tháng sẽ có kết quả do ban thanh tra cung cấp. Ứng viên nào đáp ứng đầy đủ điều kiện thì công nhận, không đáp ứng đủ điều kiện thì không công nhận, dù bất kể là ai” - ông Nhạ cho hay.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung nói vấn đề công nhận hàm GS, PGS không phải nhất thời mà kéo dài suốt nhiều năm qua. “Sự việc vừa qua chỉ là giọt nước tràn ly. Tôi tưởng nhân vụ này chúng ta làm lại, thay đổi căn bản. Chúng ta phải thành lập một nhóm chuyên gia thực sự độc lập để rà soát lại tất cả, kiến nghị một cách làm mới nhưng chúng ta lại chưa làm như thế. Nếu không làm như vậy, tôi nghĩ xã hội tiếp tục bức xúc” - ông Cung nói.
Ông Cung nói: “Có nhiều người là GS, PGS nhưng ăn chẳng nên đọi, nói chẳng nên lời. Ngay cơ quan tôi có người làm PGS về yêu cầu tôi phải phong làm nghiên cứu viên cao cấp. Tôi trả lời không bao giờ làm như vậy, tôi phải nhìn anh làm được cái gì, tôi trả lương theo việc đó chứ không phải trả lương và phong cấp theo PGS, GS”.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ sau đó thông tin Hội đồng chức danh GS nhà nước đang nghiên cứu sửa đổi tiêu chuẩn chức danh GS, PGS. Tiêu chuẩn này liên quan đến nhiều nhóm đối tượng nên phải tính toán để đáp ứng được yêu cầu và phải hội nhập quốc tế. “Đến nay, về cơ bản tiêu chuẩn chức danh GS, PGS đã hài hòa được các nhóm ý kiến, đảm bảo yêu cầu. Tới đây, Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng để ban hành chuẩn mới thay thế chuẩn hiện nay có nội dung chưa đảm bảo” - ông Nhạ nói.
Bên cạnh dạy chữ cần dạy lễ
Một vấn đề khác Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT giải trình liên quan đến đạo đức, phẩm chất của nhà giáo như tình trạng ép học sinh học thêm, bạo lực, chạy điểm, chạy trường gây bức xúc cho xã hội. Và đặc biệt, gần đây liên tục xảy ra các vụ việc xúc phạm danh dự nhà giáo, hành hung giáo viên.
“Bộ lên tiếng thế nào, cảnh báo thế nào, thái độ thế nào để việc này chấm dứt? Chúng ta rất buồn khi học sinh lớp 8 ở Bến Tre lên bục giảng hành hung giáo viên, xưa không có chuyện đó. Rồi các vụ việc ở Trường Tiểu học Bình Chánh (Long An), giáo viên phạt học sinh quỳ rồi phụ huynh bắt giáo viên quỳ lại; rồi vụ việc bắt giáo viên đang có thai phải quỳ… Đây là những câu chuyện mà xã hội không thể chấp nhận được với một nghề cao quý là nghề giáo” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đặt vấn đề.
Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết đại đa số giáo viên tâm huyết, trách nhiệm với nghề nhưng vẫn còn một số ít chưa gương mẫu về đạo đức, như một số giáo viên mầm non đánh trẻ, hay ép học sinh học thêm. Con số này không nhiều nhưng ảnh hưởng đến hình ảnh nhà giáo. Nguyên nhân là do việc tu dưỡng, rèn luyện chưa tốt, cường độ làm việc quá tải, chính sách chưa đủ để họ phấn đấu, việc kiểm tra, thanh tra, xử lý chưa nghiêm.
Bà Nghĩa cho hay Bộ sẽ tiếp tục rà soát để hoàn thiện quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên các cấp học, tiếp tục triển khai Nghị định 80 về xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện (Nghị định 80/2017). Bộ cũng đang xây dựng đề án ứng xử văn hóa trong trường học, hoàn thiện cơ chế, chính sách tôn vinh, chế độ cho đội ngũ nhà giáo phấn đấu.
“Gần đây có sự xúc phạm danh dự đội ngũ nhà giáo, Bộ đang phối hợp với các địa phương tăng cường đảm bảo an toàn trường học, xây dựng quy định phòng, chống bạo lực học đường” - bà Nghĩa thông tin.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận đây là một trong những điểm nóng cần tập trung rà soát, cái yếu nhất là tổ chức thực hiện, phối hợp giữa các địa phương và chuyển biến trong các nhà trường. Tới đây Bộ sẽ làm quyết liệt nhưng để thành công cần có sự phối hợp của các địa phương. “Vấn đề dạy người cần tăng cường thêm. Bên cạnh việc dạy chữ cần phải dạy lễ để tạo chuyển biến rõ nét” - ông Nhạ nói.
Muốn có lương dăm bảy triệu phải mất 10-15 năm
Một vấn đề khác được Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề cập liên quan tới biên chế giáo viên. Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng nhắc tới một số vụ việc gần đây như 500 giáo viên Đắk Lắk mất việc làm; tình trạng giáo viên làm hợp đồng 10 năm nhưng lương thấp hơn lương cơ bản.
Liên quan đến biên chế giáo viên và lương, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay Bộ đã làm việc với tất cả tỉnh, thành, rà soát, nắm bắt nhu cầu giáo viên đến năm 2020 để tính toán, khắc phục tình trạng đào tạo không đi liền với nhu cầu và nâng cao chất lượng. “Đề nghị Quốc hội, Chính phủ cải thiện, nâng lương cho giáo viên. Hiện theo Luật Viên chức, lương khởi điểm dựa vào bằng cấp, lương rất thấp, muốn có dăm bảy triệu phải mất 10-15 năm” – ông Nhạ nói và cho biết việc sử dụng hợp đồng giáo viên rất bất cập, Bộ đang kiến nghị sửa đổi nghị định quy định vấn đề này.