Ngày 18/4, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức cuộc họp báo thường kỳ quý 1/2019. Tại cuộc họp, liên quan đến vấn đề giáo dục trên địa bàn, một phóng viên đề cập tới văn bản số 527/KL-SGDĐT ngày 14/3/2019 của Sở GD&ĐT tỉnh về việc kết luận kiểm tra đơn phản ánh tại Trường THPT chuyên Lam Sơn.
Cụ thể, theo kết luận của Sở GD&ĐT thì trường này có một số sai phạm về như về dạy thêm học thêm, thu chi... "Trách nhiệm trước hết thuộc về hiệu trưởng, nhưng là đơn vị quản lý trực tiếp, Sở GD&ĐT có trách nhiệm như thế nào", phóng viên đặt câu hỏi.
Một phóng viên khác đề cập tới việc Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lam Sơn bị truy thu tiền phụ cấp đứng lớp do năm học 2015-2016, không đứng lớp hoặc không dạy đủ số tiết theo quy định. "Việc này có xảy ra ở các trường khác hay không?", phóng viên hỏi.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thi, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho hay, qua phản ánh của các cơ quan báo chí, Sở đã cho kiểm tra và có kết luận rõ ràng về sai phạm tại trường.
"Chúng tôi cũng có kiến nghị đối với nhà trường kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân đơn vị để xảy ra việc đó. Vừa rồi, UBND tỉnh cũng có văn bản yêu cầu trường Lam Sơn kiểm điểm. Đến nay, sau kết luận, trường Lam Sơn cũng cơ bản khắc phục tình trạng sai phạm xảy ra".
|
Trường THPT chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa). |
Cũng tại cuộc họp, giới truyền thông còn quan tâm tới việc phân bổ biên chế giáo viên của Sở GD&ĐT (tại công văn số 336/SGDĐT-TCCB ngày 22/2/2019), trong đó có việc Sở giao định mức biên chế giáo viên/lớp giữa trường chuẩn quốc gia và trường chưa đạt chuẩn dựa trên cơ sở nào (hiện Sở giao 2.19 giáo viên/lớp đối với trường chuẩn, 2.09 đối với trường chưa chuẩn).
"Một số trường THPT dôi dư giáo viên thì lại được tiếp tục giao biên chế bằng số giáo viên dôi dư đó, kể cả trường có kế hoạch giải thể trong năm 2019. Điều này có đúng hay không, nguyên nhân vì sao?," phóng viên hỏi.
Tại một số trường THPT hiện nay có một số bộ môn đang thiếu rất nhiều giáo viên, đặc biệt là đối với các trường miền núi. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là các năm học trước một số giáo viên dạy các bộ môn này bị điều chuyển đi trường khác trong khi bộ môn đang thiếu giáo viên. "Tỉnh có hướng khắc phục như thế nào?", phóng viên hỏi.
Trả lời câu hỏi của phóng viên, ông Nguyễn Văn Thi nói: "Qua phản ánh của các cơ quan báo chí, chúng tôi đã từng bước tiếp thu, cũng như có biện pháp khắc phục, kịp thời chấn chỉnh các vi phạm trong ngành".
Trả lời cụ thể vấn đề mà một số phóng viên quan tâm nói trên, đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa cho biết, ngày 28/12/2018, UBND tỉnh giao bổ sung thêm biên chế. Đối với trường chuẩn phải có đủ giáo viên, cơ sở vật chất. Với các trường đạt chuẩn rồi mà giao biên chế giáo viên dưới mức thì không chuẩn.
Về thông tin có trường đã dôi dư giáo viên rồi mà lại được giao biên chế giáo viên thêm bằng mức dôi dư đó, ông Nguyễn Văn Thi cho hay: "Chúng tôi sẽ cho kiểm tra vấn đề này".