Theo đó, con rắn nhỏ xuất hiện trên hộc hành lý của hành khách, buộc máy bay phải dừng khởi hành từ TP.HCM đi Hà Nội chiều 7/6. Đây là 1 con rắn con, dài khoảng 20 cm, là loại rắn cảnh, không phải rắn độc.
|
Con rắn xuất hiện trong khoang hành lý máy bay. |
Trao đổi cùng Kiến thức, ông Bùi Doãn Nề, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không cho rằng, xuất hiện rắn trên máy bay chỉ có từ hành lý của hành khách mang lên, loại trừ trường hợp rắn ở tự nhiên chui vào máy bay.
Theo đó, đây là rắn không có nọc độc, lại bé nên có thể hành khách mang theo hành lý, cho vào hộp hoặc túi xách nhưng không bị phát hiện. Khi cho vào hộc hành lý, bằng cách nào đó rắn thoát ra ngoài và bị phát hiện. Trước đây cũng đã có vụ rắn độc trên máy bay được phát hiện khi hành khách mang ra nước ngoài bán.
Ông Nề cũng nhấn mạnh, rắn là động vật bị cấm mang lên máy bay. Nên dù là rắn cảnh, việc mang rắn lên máy bay cũng vi phạm quy định an toàn bay.
Trước đó, Cục trưởng Đinh Việt Thắng cho biết đang yêu cầu các cơ quan liên quan xác minh, làm rõ vụ việc. Chúng tôi đang yêu cầu các bên liên quan báo cáo, làm rõ sự việc, lập tổ xác minh để đưa ra hình thức xử lý.
Trong điều lệ vận chuyển của hãng hàng không đều có những quy định cụ thể về vận chuyển động vật sống. Tùy từng loại sẽ có quy định tương ứng về điều kiện đóng gói bao bì. Các hãng có thể có nhưng quy định khác nhau trong điều lệ vận chuyển, tuy nhiên, đối với động vật sống, cơ bản giống nhau vì cũng theo khuyến cáo của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA).
Theo đó, động vật cảnh vận chuyển dạng hành lý ký gửi chỉ bao gồm: Chó, mèo, chim. Các vật nuôi khác không được coi là động vật cảnh và phải được vận chuyển theo đường hàng hóa. Vì thế, dù là rắn cảnh nhưng hành khách mang lên máy bay là vi phạm quy định. Muốn vận chuyển rắn cảnh, khách phải được sự cho phép của hãng vận chuyển phải gửi theo đường hàng hóa.
Hơn nữa, các loại động vật sống nếu được chấp nhận vận chuyển (kể cả theo đường hàng hóa hay hành lý ký gửi) đều phải tuân theo những quy chuẩn về đóng gói (chuồng, cũi, lồng) rất nghiêm ngặt.
|
Luật sư Nguyễn Hồng Giang, Trưởng Văn phòng luật sư Vũ Lợi. |
Ở góc độ pháp luật, luật sư Nguyễn Hồng Giang, Trưởng Văn phòng luật sư Vũ Lợi cho biết, chiểu theo quy định của hàng không, tuỳ mức độ vi phạm có thể bị phạt hành chính; theo dõi trực quan; cấm bay có thời hạn hoặc vĩnh viễn;... Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cũng cần xác định đó là rắn không độc nhưng là loài rắn gì, có quý hiếm, nằm trong sách đỏ không...
Nếu hành khách cố tình mang theo động vật hoang dã, nguy hiểm; động vậy quý hiếm trong sách đỏ lên máy bay có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 244 Bộ luật hình sự năm 2015, về tội “Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” (theo tình tiết buôn bán, vận chuyển qua biên giới).
Ngoài ra còn liên đới tới: nhân viên an ninh (soi chiếu hành lý); cùng các bộ phận liên quan khác tại nơi để lọt hành lý có chứa động vật hoang dã…
Theo quy định của hàng không của hãng Vietnam Ariline), hành khách có thể mang theo động vật cảnh lên khoang máy bay. Hoặc vận chuyển động vật cảnh theo hành lý ký gửi. Dịch vụ được cung ứng tùy thuộc vào vị trí chất xếp trên khoang hành khách của từng loại tàu bay Vietnam Airlines. Tuy nhiên phải đăng ký, trả phí và có lồng chuyên dụng đối với thú cảnh, vật nuôi.
>>> Xem thêm video: Những vụ tai nạn máy bay trực thăng Mi-17 đáng lưu tâm