Nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, nhìn về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị có nhiều điểm sáng khi tỷ lệ nữ tham gia lĩnh vực chính trị và giữ vị trí lãnh đạo trong các cơ quan quyền lực của Nhà nước và địa phương ngày càng cao.
Cụ thể, 19 nữ Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Nhiệm kỳ 2020-2025, cả nước có 9 nữ Bí thư Tỉnh ủy gồm Hà Nam, Vĩnh Phúc, Lạng Sơn, Thái Nguyên, An Giang, Bắc Ninh, Ninh Bình, Quảng Ngãi, Lai Châu và 14 phó bí thư nữ. Tỷ lệ nữ ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ cấp tỉnh (nhiệm kỳ 2020 - 2025) trung bình toàn quốc đạt 16%, tăng 0,2 % so với cuối nhiệm kỳ trước.
|
Nhiệm kỳ 2020-2025, cả nước có 9 nữ Bí thư Tỉnh ủy. |
Quốc hội khóa XIV (2016-2021) là nhiệm kỳ đầu tiên Việt Nam có nữ Chủ tịch Quốc hội, và 26,7% đại biểu là nữ. Báo cáo phát triển con người năm 2020 của UNDP, Việt Nam đứng thứ 65/162 quốc gia và nằm trong nhóm 1/3 các nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ nữ ĐBQH. Dự kiến, Quốc hội khóa XV tới, đại biểu là phụ nữ bảo đảm tỷ lệ ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội.
Trao đổi với PV về việc khi phái đẹp làm lãnh đạo trong hệ thống chính trị sẽ có vai trò, ý nghĩa như thế nào để thúc đẩy sự phát triển xã hội bền vững, PGS. TS Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng cho rằng, việc phụ nữ hiện nay được tham gia chính trị đã thể hiện sự tiến bộ của bình đẳng giới của Việt Nam. Đồng thời cho thấy, năng lực và uy tín của phụ nữ ngày càng được khẳng định, vững vàng tham gia nắm giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt.
PGS.TS Bùi Thị An nói rằng, từ cách mạng tháng 8/1945 đến nay là một bước tiến rất dài trong bình đẳng giới, thể hiện ở việc ngày nay, phụ nữ có quyền tham gia tất cả các lĩnh vực trong xã hội chính trị, khoa học, kinh tế…Nhiều phụ nữ đã được làm chủ ở các vị trí rất quan trọng.
Tuy nhiên, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng cho rằng, tỷ lệ nữ hiện vẫn chưa xứng được với các tiềm năng.
Bà Bùi Thị An phân tích, phụ nữ chiếm hơn một nửa dân số. Đến nay, thực hiện điều hiến định, phụ nữ hoàn toàn bình đẳng và đã tham gia tất cả các lĩnh vực.
“Phụ nữ bây giờ không chỉ là bếp núc, nội trợ, không chỉ là sinh con mà đã vượt qua giới hạn đó rất nhiều và hoàn toàn gánh nhiệm vụ ngang bằng với nam giới. Điều đó thể hiện phụ nữ cũng làm trong doanh nghiệp, cũng làm trong kinh tế, cũng đi giảng dạy, nghiên cứu và tham gia lĩnh vực chính trị khi tham gia Quốc hội, Chính phủ…” – bà Bùi Thị An nói.
Cho rằng đây là vai trò cực kỳ quan trọng, PGS.TS Bùi Thị An phân tích, nếu nói về lĩnh vực bình đẳng giới, không ai có thể hiểu phụ nữ bằng phụ nữ.
Bởi vậy, bà An cho rằng, nếu phụ nữ được tham gia từ Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ thì những chính sách liên quan đến phụ nữ thì họ là người hiểu nhất và sẽ đưa ra những quyết định phù hợp với nguyện vọng đại đa số nữ giới hơn.
“Khi đã phù hợp với đại đa số nữ giới, sẽ có tính khả thi rất cao và sẽ mang tính chất thúc đẩy sự phát triển xã hội bền vững. Cho nên việc phụ nữ được tham gia Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội hay lãnh đạo các địa phương ở tầm ra quyết định có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự tiến bộ của cả giới nữ Việt Nam” - PGS.TS Bùi Thị An nêu ý kiến.
|
PGS.TS Bùi Thị An. |
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho biết, hiện nay, Việt Nam tỷ lệ giới tính theo dân số, nữ nhiều hơn nam. Tuy nhiên, tỷ lệ nữ tham gia công tác chính quyền, tham gia chính trị lại thấp hơn nam giới. Đại biểu Hòa cho rằng, đây là điều bình thường.
Theo đại biểu đoàn Đồng Tháp, nữ giới về trình độ, năng lực, phẩm chất đều không thua nam giới, thậm chí còn giỏi hơn. Tuy nhiên, điều hạn chế của nữ giới, theo phong tục tập quán của Việt Nam hiện nay, nữ giới sinh con, nuôi con và chăm con tốt hơn nam giới. Đặc biệt, nữ giới ở nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa lại chăm con,quản lý con nhiều hơn là nam giới.
“Do đó, họ luôn nghĩ rằng, chăm con, nuôi con, tạo mọi điều kiện để nam giới tham gia hoạt động xã hội vẫn còn. Đó là nguyên nhân sâu xa. Nữ giới thường an phận, ít tham gia công tác xã hội, tham gia chính trị nhưng họ lại tạo điều kiện cho nam giới là chồng của họ tham gia.” – đại biểu Hòa nói.
Đại biểu Phạm Văn Hòa dẫn một thực tế, trong nghị trường Quốc hội, trong Đại hội Đảng và trong hệ thống chính quyền, cán bộ công chức, viên chức là lãnh đạo hiện nay, nam giới nhiều hơn là nữ giới.
“Tất nhiên, từng bước, nhận thức, ý thức của nam giới và nữ giới tiến bộ hơn. Nữ giới tham gia công tác xã hội, tham gia chính trị, tham gia sản xuất, kinh doanh nhiều hơn. Tuy nhiên tỉ lệ này vẫn chưa thể bằng nam giới.
Dù vậy cho thấy, một bước tiến bộ rất tốt, rất rõ rệt đó là dần dần nữ giới đã chiếm lĩnh được thị trường, chiếm lĩnh được trong nhận thức, ý thức, trong xã hội và được giữ vị trí rất quan trọng trong chính trị cũng như trong hoạt động xã hội.
Có nhiều nữ giới đã giữ những vị trí rất quan trọng, đặc biệt có thể thấy rõ nhất qua Đại hội lần thứ XIII của Đảng vừa qua khi nữ giới được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng nhiều” – Đại biểu Hòa nói.
Theo đại biểu Hòa, hiện nay, Ban Chấp hành Trung ương có cơ cấu rõ ràng và Quốc hội tới đây, tỷ lệ nữ giới chiếm không dưới 35% trong tổng số Đại biểu Quốc hội ứng cử. “Đây là một bước tiến rất lớn” – ông Hòa nói.
Đại biểu Hòa nói thêm, sắp tơi đây chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, tỷ lệ nữ giới được giới thiệu rất nhiều, đảm bảo không dưới 35%. Ông đánh giá, giới nữ hiện nay rất được coi trọng và xem trong trong đời sống chính trị, xã hội của Việt Nam hiện nay và tương lai không xa số lượng cán bộ nữ ở cả ba bộ phận của hệ thống chính trị (Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội) từ cả cấp trung ương tới địa phương sẽ tiếp tục tăng cao. Đây là điều quan trọng để thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị.
>>> Mời độc giả xem thêm video Trung ương bầu Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Ban Bí thư khóa XIII
Nguồn: Truyền hình Đồng Tháp.