Quốc hội sẽ miễn nhiệm chức phó thủ tướng với ông Vương Đình Huệ

Google News

Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV có nội dung xem xét, phê chuẩn miễn nhiệm chức phó thủ tướng của ông Vương Đình Huệ. Ông Huệ được phân công làm Bí thư Hà Nội từ tháng 2/2020.

Chiều 24/4, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chuẩn bị chương trình kỳ họp 9, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc bổ sung nội dung về công tác nhân sự. Theo bà Phóng, công tác nhân sự tại kỳ họp 9 bao gồm việc phê chuẩn, miễn nhiệm và bầu nhân sự.
"Nội dung về nhân sự nên đưa vào đợt 2, họp tập trung", Phó chủ tịch Quốc hội nêu ý kiến.
Kết luận nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng chốt lại việc bổ sung nội dung công tác nhân sự vào chương trình kỳ họp. Bà đề nghị Ban Công tác đại biểu phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương sớm hoàn thành nội dung này.
Quốc hội sẽ xem xét miễn nhiệm chức phó thủ tướng của ông Vương Đình Huệ tại kỳ họp thứ 9 diễn ra vào giữa năm. Ảnh: Hoàng Hà. 
  "Chúng ta có phê chuẩn miễn nhiệm, bầu nhân sự ngay kỳ họp này. Vì vừa rồi có phó thủ tướng được phân công công tác mới", bà Ngân nói.
Như vậy, tại kỳ họp sắp tới, Quốc hội sẽ xem xét phê chuẩn miễn nhiệm chức phó thủ tướng với ông Vương Đình Huệ.
Ông Huệ được Bộ Chính trị điều động, phân công làm Bí thư Thành ủy Hà Nội thay cho ông Hoàng Trung Hải, kể từ 7/2.
Sau khi ông Huệ nhận nhiệm vụ này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng ban hành nghị quyết phê chuẩn kết quả bầu ông giữ chức vụ Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội.
Video: Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm Bí thư Thành ủy Hà Nội

Nguồn PLO

Theo quy định, việc miễn nhiệm chức danh phó thủ tướng của ông Vương Đình Huệ do Chính phủ đề xuất và được Quốc hội thông qua tại kỳ họp Quốc hội thường kỳ trong năm.
Một nội dung khác về nhân sự dự kiến tại kỳ họp 9 sắp tới là Quốc hội bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Theo chương trình dự kiến, ngày 17/6 (trong đợt 2 của kỳ họp, họp bằng hình thức tập trung), Ủy ban Thường vụ trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia. Sau đó, Quốc hội sẽ bỏ phiếu kín và công bố kết quả bầu chức danh này.
Một ngày sau, Quốc hội sẽ bỏ phiếu phê chuẩn danh sách Phó chủ tịch và Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia.
Theo dự kiến, kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV khai mạc trong khoảng ngày 20-25/5 và chia thành hai đợt.
Đợt 1 họp trực tuyến (dự kiến 5-7 ngày) qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 63 đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành. Đại biểu Quốc hội ở địa phương nào sẽ tham dự ở điểm cầu tại địa phương đó.
Đợt 2, sau khi công bố kết thúc dịch, đại biểu Quốc hội sẽ được mời về họp tập trung trong khoảng 7-10 ngày để xem xét các nội dung mật, biểu quyết thông qua luật, nghị quyết; bế mạc kỳ họp...
Theo Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)