Quảng Nam: Xã Phước Lộc với 904 nhân khẩu bị cô lập, mất liên lạc hoàn toàn

Google News

(Kiến Thức) - Sáng 31/10, ông Nguyễn Quảng, Phó Chủ tịch phụ trách UBND huyện Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) cho biết, hiện nay toàn bộ xã Phước Lộc đã bị cô lập, mất liên lạc hoàn toàn.

Phước Lộc là xã đã báo cáo về vụ hàng loạt vụ sạt lở đất, lũ quét dẫn đến 11 người dân bị vùi lấp tại thôn 3 (5 thi thể, 8 người hiện vẫn mất tích), 2 cán bộ xã bị tử vong tại thôn 1 từ ngày 29/10.
“Đường vào xã Phước Lộc đã bị hư hỏng nặng, không thể ra vào, xã mất điện nhiều ngày nay nên không còn liên lạc được bằng điện thoại” – ông Quảng nói và cho biết, ngày 29, 30/10 huyện đã cử nhiều đoàn băng rừng, vượt suối để cố gắng tìm đường vào xã nhưng đến nay vẫn không thể tiếp cận. Hiện nay không thể nắm được tình hình thiên tai, đời sống của người dân trong xã.
Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Nam, Trưởng ban Chỉ đạo tiền phương tìm kiếm cứu nạn tại huyện Phước Sơn, ông Nguyễn Mạnh Hà cho biết, các báo cáo trước của xã thì đây không chỉ là sạt lở đất mà là một vụ lũ quét, rất nguy hiểm cho người dân địa phương và lực lượng tìm kiếm cứu nạn.
Quang Nam: xa Phuoc Loc voi 904 nhan khau bi co lap, mat lien lac hoan toan
Hiện trường vụ sạt lở đất ở xã Phước Lộc. Ảnh: TTXVN 
Đường vào xã bị sạt lở nghiêm trọng nhiều điểm, nếu thời tiết thuận lợi cũng phải mất hàng tuần, nếu mưa phải mất cả tháng mới có thể thông đường vào đến xã Phước Lộc. Tiếp cận xã bằng cách băng rừng cũng rất khó khăn, nguy hiểm, chúng tôi đã thử nhiều lần nhưng chưa thành công.” – ông Hà nói.
Đáng chú ý, trước thời điểm bị mất liên lạc, UBND xã Phước Lộc báo cáo còn dự trữ khoảng 4 tấn gạo, ngoài ra rất nhiều lương thực, thực phẩm của người dân đã bị cuốn trôi. Bên cạnh việc tìm kiếm người bị mất tích do sạt lở, xã cũng đã chủ động lo nơi ăn ở an toàn cho người dân.
Xã Phước Lộc là xã vùng cao đặc biệt khó khăn, với tổng cộng 904 nhân khẩu, chủ yếu làm nông nghiệp, là một trong những xã nhiều hộ nghèo nhất trong huyện Phước Sơn. Tại thôn 3, xã Phước Lộc, nơi xảy ra vụ sạt lở, người dân chủ yếu làm nghề nuôi ong rừng, trồng cây dược liệu nên rất gìn giữ, quý trọng cây rừng.
Do ảnh hưởng bão số 9, trên địa bàn xã Phước Lộc có mưa lớn, khiến nhiều khu vực trong xã bị sạt lở. 14 giờ chiều 28/10, một vụ sạt lở đã xảy ra tại thôn 3 (thôn 6 cũ) xã Phước Lộc, khiến hàng chục người mất tích. Địa điểm sạt lở cách UBND xã hàng chục cây số, không có sóng điện thoại nên cán bộ thôn đã phải băng rừng nhiều giờ để báo cáo với chính quyền xã.
Tại cuộc họp bàn với các lực lượng huyện Phước Sơn về phương án tiếp tế cho 2 xã Phước Thành, Phước Lộc, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Nam Nguyễn Mạnh Hà chó biết, hiện nay phải tập trung lo cho dân 2 xã Phước Thành và Phước Lộc. Việc tìm kiếm những người mất tích tiếp tục huy động lực lượng tại chỗ, do tuyến đường vào khu vực này vẫn chưa thông. Lực lượng tăng cường sẽ vào hỗ trợ ngay sau khi thông tuyến đường bộ đến khu vực này.
Ông Hà yêu cầu ưu tiên thông đường từ Phước Công qua Phước Lộc, sau đó tiếp tục khai thông về hướng Phước Thành, vì khả năng thông đường các tuyến khác sẽ mất rất nhiều thời gian.
“Trong ngày mai (1/11) phải cố gắng đưa lương thực, thực phẩm vào các xã. Có thể sử dụng cáp tời để chuyển hàng, sau đó địa phương cử người tiếp nhận và phân phát cho dân, đảm bảo đến tay người dân trước cơn bão số 10” – ông Nguyễn Mạnh Hà chỉ đạo.
Trước đó, ngày 30/10, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Công văn 6385/UBND-KTN gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Sư đoàn Phòng không 372 đề nghị hỗ trợ tiếp tế lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm cho các hộ dân xã Phước Lộc, Phước Thành của huyện Phước Sơn.
Công văn nêu rõ, do ảnh hưởng của bão Molave (bão số 9), các địa phương trong tỉnh có gió bão lớn, mưa to đến rất to, nước lũ dâng cao làm sạt lở cầu cống, đường giao thông; sạt lở núi làm vùi lấp nhà cửa, công trình công cộng gây thiệt hại lớn đến tài sản của Nhà nước, tính mạng, tài sản của người dân trên địa bàn tỉnh, nhất là các huyện miền núi.
Trong đó, do bị sạt lở núi trên địa bàn huyện Phước Sơn nên đã chia cắt giao thông, gây cô lập khoảng 3.000 hộ dân tại 2 xã Phước Lộc, Phước Thành từ ngày 28/10 đến nay. Do bão lũ quá lớn nên nhiều nhà dân tại 2 xã này bị hư hại toàn phần, lương thực, gia súc, nhu yếu phẩm bị cuốn trôi.
Khi bị chia cắt, cô lập, UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các lực lượng bằng mọi giá phải nhanh chóng tiếp cận để tiếp tế lương thực, thực phẩm, nước uống và nhu yếu phẩm thiết yếu khác. Nhưng do đoạn đường để di chuyển từ trung tâm huyện đến 2 địa phương này khá xa (hơn 50km), bị chia cắt bởi các điểm sông suối và sạt lở đất rất phức tạp; dự lường cho việc khắc phục các tuyến đường, cầu cống cần thời gian dài trong khi thời tiết thường xuyên mưa lũ, nhất là bão số 10 sắp đến; khả năng lực lượng tại chỗ của tỉnh khó tiếp cận được nếu không có sự hỗ trợ chi viện của các lực lượng thuộc Bộ Quốc phòng và Quân khu 5.
Trước tình hình cấp bách nêu trên, UBND tỉnh Quảng Nam kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Sư đoàn Phòng không 372, lực lượng vũ trang cùng chính quyền địa phương khảo sát, xây dựng phương án tiếp tế ngay lương thực, nước uống, y tế, nhu yếu phẩm thiết yếu khác đảm bảo trong thời gian 30 ngày cho số lượng người tại 2 xã Phước Lộc, Phước Thành đang bị cô lập bằng đường không đảm bảo kịp thời và an toàn nhất.
Bão số 9 đã khiến 144 người chết, mất tích và bị thương
Theo báo cáo mới nhất của Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tại, tổng hợp từ các địa phương, thiệt hại do bão số 9 và mưa lũ tính đến 7h00 ngày 31/10/2020 như sau:
Đã có 27 người chết, tăng 4 người so với 29/10. Trong đó, Quảng Nam 23 người, gồm: Nam Trà My 17 người (tăng 2 người tìm thấy ở Trà Leng); Bắc Trà My 01 người; Phước Sơn 5 người. Gia Lai 1 người, Đắk Lắk 1 người. Nghệ An: 2 người (tăng 2 người)
50 người còn mất tích (tăng 3 người so với báo cáo 29/10 gồm 4 người Nghệ An và 1 người Kon Tum, giảm 2 người ở Trà Leng (Quảng Nam), gồm: Quảng Nam 22 người (Nam Trà My: 13; Phước Sơn: 8, Hiệp Đức 1); Bình Định 23 người ; Nghệ An 4 người , Kon Tum 1 người .
Người bị thương: 67 người (tăng 22 người so với báo cáo ngày 29/10 gồm Quảng Nam tăng 1 người, Bình Định 17 người, Kon Tum 1 người), gồm: Quảng Nam: 46 người (Nam Trà My 46 người); Bình Định 17 người, Nghệ An: 3; Kon Tum: 1 người.
Đã sơ tán 4.115 hộ dân ra khỏi khu vực bị ngập lụt và nguy cơ sạt lở đất (Nghệ An 2.916 hộ, Hà Tĩnh 1.199 hộ).
Đã khôi phục, cung cấp điện trở lại cho 366 xã, đang còn mất điện tại 359 xã tại 7 tỉnh gồm: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum. Các tỉnh: Quảng Bình, Phú Yên, Gia Lai, Đắk Lắk đã khôi phục xong, cung cấp điện cho toàn tỉnh.
Hiện tại, EVN đang tiếp tục huy động các nguồn lực để kiểm tra và khôi phục để cấp điện nhanh nhất cho các phụ tải khi đảm bảo các điều kiện về an toàn.
>>> Mời độc giả xem thêm video Vụ sạt lở vùi lấp 53 người: Đau đớn chứng kiến cả nhà bị vùi lấp trong đất đá
 


Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)