Sau sự việc một cây phượng bật gốc, gãy đổ trong khuôn viên trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TPHCM) khiến 1 học sinh tử vong, nhiều học sinh khác bị thương, hàng loạt sự cố cây xanh gãy đổ trong trường học đã xảy ra và mới đây nhất là vụ việc cây phượng cổng trường THCS Trần Hưng Đạo (TP.Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai) bất ngờ bật gốc đè trúng 3 em học sinh dẫn tới bị thương nhẹ.
Những sự cố trên khiến vấn đề an toàn cây xanh trong trường học đã được đặt ra. Bộ GD&ĐT cùng các địa phương đã yêu cầu nhà trường tiến hành kiểm tra, cắt tỉa, xử lý các cây nguy hiểm, có thể gãy đổ để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh, giáo viên.
|
Nhiều người xót xa khi chứng kiến hình ảnh những cây phượng trong trường học bị đồng loạt đốn hạ khi vừa nở hoa rực rỡ. |
Cắt tỉa cây xanh, loại bỏ những cây nguy hiểm có nguy cơ gãy đổ trong khuôn viên trường học là việc làm cần thiết. Dù biết rằng, cây xanh gãy đổ không ai mong muốn, nhất là khi cây gãy đổ, bật gốc do gió bão, thiên tai nhưng cây đổ do nghiêng hay sâu mọt mà không phát hiện xử lý kịp thời là do lỗi của con người, trách nhiệm thuộc về những người quản lý cây xanh và không thể không có trách nhiệm của nhà trường.
Tuy nhiên, sau sự cố hàng loạt cây xanh bị gãy đổ trong trường học tại TP HCM và một số địa phương đã xuất hiện tâm lý lo ngại có thêm những vụ tai nạn do cây xanh đổ ngã.
Để tránh bị trách nhiệm liên đới, một cách thức lạ lùng được nhiều trường lựa chọn đó là đồng loạt đốn hạ cây cổ thụ, thậm chí những cây còn khỏe mạnh, đường kính không lớn mà không cần có những đánh giá, khảo sát chuyên môn. Nhiều trường học không chặt cây vì tiếc nuối đã cưa trụi toàn bộ cành cây chỉ còn trơ gốc như cây cột điện. Không chỉ cây phượng nhiều cây xanh khác như bàng cũng bị chặt hạ, cắt trụi kiểu “chặt nhầm còn hơn bỏ sót”.
Những hình ảnh cây xanh đồng loạt bị đốn hạ, cây xanh chỉ còn trơ gốc, sân trường trống trơn cây xanh được đăng tải lên mạng xã hội những ngày qua khiến nhiều người không khỏi xót xa tiếc nuối. Nhiều ý kiến đã lên tiếng chỉ trích việc các trường đồng loạt chặt hạ cây xanh là hành động cực đoan, sợ trách nhiệm và vô cảm với sức khỏe của các học sinh của một bộ phận những người làm giáo dục.
Để trồng được một cây xanh cổ thụ to khỏe, phủ tán rộng khắp sân trường, cần đến vài chục hoặc vài trăm năm. Những cây xanh ấy không chỉ tạo cảnh quan, bóng mát, điều hòa dưỡng khí, nhất là tại trường học nơi mỗi ngày có hàng nghìn học sinh theo học.
Hơn nữa thời điểm này dù bước vào thời tiết đỉnh điểm của nắng nóng mùa hè, học sinh vẫn phải đến trường để học bù cho thời gian nghỉ phòng chống dịch COVID-19, cây xanh càng có giá trị vô cùng quan trọng.
Cây xanh trong trường học không chỉ mang giá trị làm đẹp cảnh quan, che bóng mát thông thường mà còn có ý nghĩa lớn về mặt cảm xúc đối với các thế hệ học trò, đặc biệt là cây phượng vĩ.
Bởi mùa hoa phượng nở cũng trùng với thời điểm kết thúc năm học được coi là màu chia tay, nơi lưu giữ kỷ niệm của lớp lớp thế hệ học trò. Không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ Xuân Diệu trong bài “Hoa học trò” lại nhắc đến hoa phượng như một biểu tượng của hoa học trò.
Theo tiêu chuẩn về cây xanh trong trường học hay tiêu chuẩn quốc gia TCVN 8270:2009 về Quy hoạch cây xanh sử dụng hạn chế và chuyên dụng trong đô thị hoặc Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9257:2012 về Quy hoạch cây xanh sử dụng công cộng trong các đô thị. Trong đó nêu rõ tiêu chuẩn cây xanh trường học phải chọn cây cao, tán rộng cho bóng râm tốt, gây ấn tượng mạnh và khuyến khích nên trong các cây bàng, phượng... trong trường học.
|
Thay vì chặt cây cần có phương án "mặc áo giáp" cho cây để chằng chống tránh bật gốc. Ảnh: VOV |
Do đó, cần ngừng ngay việc đồng loạt chặt hạ cây xanh, đặc biệt là cây bàng, cây phượng trong trường học. Dù vụ tai nạn cây phượng đổ tại trường THCS Bạch Đằng là một sự cố thương tâm vô cùng đáng tiếc. Nhưng thay vì chặt hạ, cắt trụi cây xanh, nhà trường cần phối hợp với đơn vị quản lý cây xanh chỉ chặt hạ với những cây sâu mục không thể gìn giữ, còn với những cây khỏe mạnh cần phải có phương án để chăm sóc. Phải coi việc kiểm tra, cắt tỉa cành cây, chỉ loại trừ những cây sâu mục là việc làm thường xuyên liên tục để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Vấn đề đặt ra, làm sao vừa phát triển cây xanh trong trường học để tạo môi trường xanh, sạch đẹp vừa phải đảm bảo an toàn.
Do vậy, chúng ta đừng đổ tội cho cây xanh mỗi khi xảy ra sự cố mà ồ ạt chặt hạ, cưa cành trụi lủi mà cần nghiên cứu các phương án gìn giữ cây xanh mà vẫn đảm bảo an toàn. Một biện pháp để cây xanh cổ thụ chắc chắn, an toàn đã được nhiều quốc gia áp dụng chính là việc “mặc áo giáp sắt cho cây xanh”.
Thực tế tại Nhật Bản, Trung Quốc, một số nước châu Âu đã giữ an toàn chống ngã đổ cho cây xanh bằng cách sử dụng vòng đai thép lớn quanh thân cây để gia cố, kèm theo đó là các trụ ống thép lớn cắm xuống quanh gốc theo kiểu như… kiềng 3 chân chắc chắn, vững chãi, có thể chống chọi được với gió lớn, dông bão. Phương án chằng chống cho cây cũng được TP Hải Phòng áp dụng trên một số tuyến phố và có hiệu quả cao.
Việc “mặc áo giáp cho cây xanh” vừa có thể giữ cây, giữ được ý nghĩa cây của tuổi học trò, vừa làm đẹp cảnh quan trường học mà vẫn đảm bảo an toàn, không bị bật gốc.
Ngoài ra có nhiều phương án khác vẫn có thể gìn giữ cây xanh trường học như nhà trường hợp đồng với công ty công viên cây xanh hạ độ cao cây, mé nhánh, tỉa cành để hạn chế rủi ro, thường xuyên kiểm tra, thăm khám cây xanh, chỉ trường hợp không thể giữ lại mới phải chặt hạ cây xanh.
Đồng loạt chặt hạ một cây xanh trong trường học có thể giúp nhà trường tránh được trách nhiệm khi cây gãy đổ những sẽ có lỗi khi làm tổn thương lớp lớp thế hệ học trò. Đừng vì sợ trách nhiệm mà hủy đi những giá trị vô cùng to lớn do cây xanh mang lại.
>>> Mời độc giả xem video Đồng loạt chặt cây xanh trong trường có cực đoan?