Ngày 3/6, UBND quận Hoàn Kiếm (TP Hà Nội) cùng các đơn vị liên quan tổ chức phát động cuộc thi thiết kế công trình cột mốc Km0 - thuộc Dự án đầu tư xây dựng, cải tạo chỉnh trang khu vực xung quanh Hồ Gươm.
Dư luận đã có nhiều ý kiến tranh luận về sự cần thiết xây dựng cột mốc Km0 tại Hồ Gươm, vị trí đặt cột mốc cây số 0 của Hà Nội? kiến trúc to hay nhỏ, đứng hay nằm? Đồng thời cho rằng, cần lấy ý kiến rộng rãi của người dân.
Để làm rõ thông tin xung quanh vụ việc trên, PV Kiến Thức đã có cuộc trao đổi với TS KTS Đào Ngọc Nghiêm – nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam.
|
Hiện không xác định được cụ thể vị trí mốc số 0 là ở đâu. Có người thì nói trước cửa Bưu điện Hà Nội, có người lại nói ở ngã tư Tràng Tiền – Hàng Khay... |
Đặt cộc mốc Km0 tại Hồ Gươm là đúng
Thưa KTS Đào Ngọc Nghiêm, UBND quận Hoàn Kiếm vừa phát động cuộc thi thiết kế công trình cột mốc Km0 - thuộc Dự án đầu tư xây dựng, cải tạo chỉnh trang khu vực xung quanh Hồ Gươm, ông đánh giá thế nào về việc đặt cộc mốc Km0 tại Hồ Gươm?
Khu vực hồ Gươm trong lịch sử phát triển của Hà Nội luôn được xác định là khu vực trung tâm. Đối với các nước trên thế giới, khu vực trung tâm hay tổ chức các công trình kiến trúc nhỏ, nơi tổ chức các sự kiện. Nhiều nước đã tổ chức tại khu vực trung tâm cột mốc Km số 0. Trong lịch sử phát triển của thủ đô Hà Nội, để xác định tọa độ của Hà Nội trước đây người ta đã dùng mốc km0 tại khu vực Hồ Gươm.
Tuy nhiên, hiện nay, qua nhiều tài liệu, chứng cứ thì không xác định được cụ thể vị trí mốc số 0 là ở đâu. Có người thì nói trước cửa Bưu điện Hà Nội, có người lại nói ở ngã tư Tràng Tiền – Hàng Khay nhưng có người lại nói ở quảng trường Đông Kinh – Nghĩa Thục, có người lại nói cột mốc số 0 ở khu vực khác gần quảng trường Ba Đình. Nghĩa là cột mốc số 0 đứng về yếu tố khoa học để khẳng định thì rất khó xác định và không có tư liệu nào về cột mốc này.
Đây là vấn đề cần xem xét nhưng không phải yếu tố quyết định. Bởi Việt Nam qua giai đoạn phát triển cũng có nhiều hệ tọa độ. Lúc đầu chúng ta theo hệ tọa độ của Pháp, sau đó lại áp dụng theo hệ tọa độ của các nước Xã hội chủ nghĩa như Liên Xô, cột mốc khi đó là Pháo Đài Láng, gần đây chúng ta lại theo hệ tọa độ từ hệ vệ tinh của Mỹ. Như vậy, vị trí chính xác của mốc số 0 để làm thì không cần thiết phải xác định rõ ràng và cũng khó để có thể xác định được.
Khu vực Hồ Gươm ai cũng cảm nhận thấy gần như ai cũng cảm nhận thấy và gần như các nước đều làm ở khu trung tâm của thành phố. Như vậy, chúng ta đặt cộc mốc số 0 tại Hồ Gươm thuộc quận Hoàn Kiếm là đúng.
|
TS. Đào Ngọc Nghiêm. |
Không nên bó buộc chỉ ở 3 vị trí
Ban tổ chức cuộc thi đưa ra 3 vị trí xây dựng cột mốc để lựa chọn là Ngã tư phố Đinh Tiên Hoàng - Hàng Khay là vị trí đồng hồ hoa Thụy Sỹ hiện nay; bên bờ Hồ Gươm, đối diện tượng đài Lý Thái Tổ; sân trước tượng đài vua Lý Thái Tổ. Một số ý kiến cho rằng không nên bó buộc tại 3 vị trí trên, ông nghĩ sao về vấn đề này?
Hiện nay trên thế giới có nhiều giải pháp về cột mốc số 0 là khác nhau. Có những trường hợp chỉ là hình vẽ trên mặt đất nhưng có những trường hợp chỉ là những kiến trúc nhỏ nổi trên mặt đất, cũng có những trường hợp lại nằm ngầm sâu. Rõ ràng có vị trí không gian rất cụ thể mà ở mỗi nước lại một khác. Ví như ở Pháp đặt tại trước cửa Nhà thờ Đức Bà, một số nước khác thì lại là bãi thảm cỏ...
Đối với lịch sử phát triển của Hà Nội đặt ở khu vực hồ Gươm là đúng nhưng đặt vị trí ở đâu thì là vấn đề cần nghiên cứu trao đổi. Hiện nay, UBND quận Hoàn Kiếm đưa ra tổ chức thi cột mốc km0 với sự tham gia của Hội Kiến trúc sư, hội Mỹ thuật, một số hội chuyên ngành nhưng lại xác định 3 vị trí xây dựng cột mốc Km0 tại Khu vực ngã tư phố Đinh Tiên Hoàng – Hàng Khay, là vị trí đồng hồ hoa Thụy Sĩ hiện nay; Phía bên bờ Hồ Gươm, đối diện tượng đài Lý Thái Tổ và sân trước tượng đài vua Lý Thái Tổ.
Tuy nhiên, 3 vị trí này chưa phải là thuyết phục. Tôi đề nghị ngoài 3 vị trí này nên để các tác giả tham gia người ta nghiên cứu thêm và chủ động đề xuất vị trí cột mốc Km0. Bởi cột mốc Km0 không chỉ là ý nghĩa km0 mà còn là không gian công cộng để tôn vinh khu vực hồ Gươm, phù hợp với cảnh quan xung quanh và nâng tầm vị thế của Hồ Gươm đối với các vùng và cả quốc gia. Do đó thể lệ cuộc thi đặt ra 3 vị trí là rất khó thuyết phục.
Xây dựng Km0 tại Hồ Gươm là cần thiết nhưng cần lấy ý kiến người dân
Có ý kiến cho rằng việc xây dựng Km0 tại Hồ Gươm là cần thiết nhưng phải lấy ý kiến của cộng đồng, người dân. Bởi nhiều công trình, dự án tại khu cực Hồ Gươm đã từng bị người dân phản ứng không thể triển khai và khi triển khai đã phải sửa chữa?
Việc đặt ra cột mốc Km0 tại khu vực Hồ Gươm là phù hợp với truyền thống phát triển, làm tôn vinh thêm giá trị của Hồ Gươm. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là làm thế nào để hài hòa với cảnh quan khu vực xung quanh. Bởi khu vực Hồ Gươm đã được nghiên cứu quy hoạch từ những năm 1995, 1996. Hồ Gươm, Ba Đình, Hồ Tây là 3 khu vực phải được Bộ Chính trị có ý kiến sau đó mới được phê duyệt.
|
Nhà sử học Dương Trung Quốc đề xuất chọn vị trí cột mốc Km0 tại khu vực Tháp Hòa Phong. |
Đối với khu vực Hồ Gươm đã có rất nhiều công trình nghiên cứu dự án để làm, thậm chí có gần 40 dự án nhưng cuối cùng với ý kiến của cộng đồng, người dân chưa đến 10 công trình được triển khai còn tất cả "vẽ xong lại để đấy". Có công trình còn vấp phải sự phản ứng của dư luận rất nhiều như khách sạn vàng có đến hơn 120 bài báo viết bàn luận về dự án này, nhà Cá mập xây xong cũng phải sửa do ý kiến của dư luận.
Khi còn đương làm Thủ tướng, Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng đã có văn bản chỉ đạo Hà Nội phải điều chỉnh lại một số công trình để làm tôn vinh cảnh quan Hồ Gươm như cải tạo lại nhà Bưu điện, chỉnh trang lại mặt đứng trụ sở ủy ban, cải tạo lại một số công trình.
Sau quy hoạch năm 1996 có điều lệ quản lý và đã tổ chức cuộc thi ý tưởng xung quanh Hồ Gươm và gần đây là dự án cải tạo chỉnh trang của quận Hoàn Kiếm làm. Cho thấy có cả một quá trình phát triển nhưng gần như vẫn còn có những vấn đề cần xin ý kiến.
Có thể khẳng định rằng khi tạo lập một công trình mới tại Hồ Gươm, vai trò ý kiến của cộng đồng là yếu tố quan trọng hơn là ý kiến của Hội đồng thẩm định. Ví như kè Hồ Gươm vừa rồi phải lấy ý kiến của người dân, tổ chức các hội thảo, khi được đồng thuận mới được làm thí điểm. Trong khi cột mốc số 0 còn ý nghĩa hơn nhiều.
Do đó dù khẳng định đây là việc cần làm, nên làm nhưng rất khó vì xung quanh Hồ Gươm đã nhiều các công trình đề xuất ra nhưng không thực hiện được. Do đó, dự án xây dựng cột mốc số 0 dù cần làm nhưng phải thận trọng và vai trò của nhân dân là quan trọng và có ý nghĩa quyết định, truyền thông phải vào cuộc để phản ánh ý kiến người dân để người có thẩm quyền quyết định chính thức.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi trên!
Cột mốc Km0 không nên là các công trình tượng đài cao lớn
KST Nguyễn Thúc Hoàng, nguyên phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, cột mốc Km0 chỉ nên đặt nằm phẳng trên mặt đất giống như cột mốc Km0 của nước Pháp trước sân Nhà thờ Đức bà Paris hay cột mốc Km0 của Mỹ cũng vậy. Ông Hoàng cũng cho rằng, cột mốc Km0 không nên là các công trình tượng đài cao lớn, dựng đứng lên trên mặt đất bởi xung quanh Hồ Gươm "không nên làm công trình gì nổi bật lên".
Cột mốc Km0 không nhất thiết phải ôm hết cả "dân tộc và hiện đại"
TS.KTS Emmanuel Cerise (Viện PRX vùng thủ đô Paris) nhìn nhận, Hà Nội dựng Cột mốc Km0 mang tính biểu tượng văn hóa, phục vụ cho phát triển du lịch và thương hiệu của thủ đô thì nó không nhất thiết phải giống với cột mốc của Pháp hay Mỹ.
TS.KTS Emmanuel Cerise cũng gợi ý, cột mốc Km0 không nhất thiết phải ôm hết cả "dân tộc và hiện đại" vào một thiết kế như một tiêu chí của ban tổ chức, mà có thể "buông rơi" truyền thống nghìn năm Thăng Long để sáng tạo một biểu tượng hoàn toàn hiện đại như một biểu tưởng mở ra một thời kỳ mới của Hà Nội, một thời kỳ ngàn năm khác.
>>> Mời độc giả xem video Hà Nội sẽ xây dựng cột mốc Km số 0
Nguồn: Truyền hình Nhân dân.