Phó Giám đốc Sở Hà Giang khóc, kêu oan... có giống “Chí Phèo”?

Google News

(Kiến Thức) - Trước tòa, cựu Phó GĐ Sở GD&ĐT Hà Giang Triệu Thị Chính khóc nức nở và kêu oan, nói mình vô tội. Dư luận đặt ra câu hỏi, cựu Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang oan thật hay lại giống nhân vật "Chí Phèo"?

Tại phiên tòa sơ thẩm xét xử gian lận điểm thi THPT quốc gia năm 2018 ở Hà Giang ngày 18/10, bị cáo Triệu Thị Chính (cựu Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang) thu hút sự chú ý của những người có mặt tại phiên tòa và dư luận khi tự bào chữa cho mình đã khóc nức nở khi nhắc đến ông Triệu Tài Vinh và nói mình vô tội.
Nữ bị cáo này không đồng ý với việc VKSND tỉnh Hà Giang truy tố mình về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, theo Điều 358 Bộ luật Hình sự.
Nói về nghi vấn có nhận lợi ích vật chất và phi vật chất, trong đó có hứa hẹn tạo thuận lợi trong công việc, bị cáo Triệu Thị Chính nói rằng, bản thân đã hết tuổi cơ cấu và chuẩn bị về hưu, vậy thì ai hứa hẹn tôi về lợi ích phi vật chất như chức vụ.
Pho Giam doc So Ha Giang khoc, keu oan... co giong “Chi Pheo”?
 Bị cáo Triệu Thị Chính.
"Trong 7 thí sinh thầy Sử nhờ tôi thì tôi phải nhận lợi ích phi vật chất từ ông Sử, chứ tôi không nhận từ ông Triệu Tài Vinh. Tôi mang tiếng em ông Triệu Tài Vinh bao lâu nay. Tôi lên hiệu trưởng trường nội trú, lên phó giám đốc sở, ông Triệu Tài Vinh có biết đâu!”, bà Chính nói.
Bà Chính nói rằng, chủ tọa có tuyên như thế nào thì bà vẫn có thể ngẩng cao đầu để nói rằng tôi không phạm tội. Đồng thời đề nghị đại diện VKS chỉ rõ trong các tin nhắn mà bà nhận được hoặc tin nhắn bà gửi đi, nội dung nào thể hiện bà nhận hay đòi lợi ích phi vật chất từ người nhờ xem điểm thi?
Tuy nhiên khi đối đáp lại bà Chính, đại diện VKS tỉnh Hà Giang bà Vũ Thị Thanh Nga bảo lưu quan điểm buộc tội đối với bị cáo Chính.
Kiểm sát viên Vũ Thị Thanh Nga đã đưa ra 5 chứng cứ và cho rằng đã đủ căn cứ để buộc tội bị cáo Triệu Thị Chính, trong đó có những chứng cứ dựa trên tin nhắn được gửi đến số điện thoại của bà Chính nhờ nâng điểm và tin nhắn trả lời của bà Chính. Những tin nhắn này được doanh nghiệp viễn thông lớn gửi công văn cung cấp cho Cơ quan An ninh điều tra theo yêu cầu của cơ quan này.
Cụ thể, một tin nhắn do cán bộ Sở Tài chính gửi cho bị cáo Chính với nội dung: "Mình có đứa cháu thi 12 vừa rồi, bạn giúp mình với nhé" hay một tin nhắn khác do bị cáo Chính gửi đi: "Hôm nay em mới đọc tin nhắn chị ơi. Em sẽ cố gắng xem xét môn thi tự luận, khó khăn lắm chị ạ. Thương các cháu Hà Giang mình". Từ đó, công tố viên này khẳng định, nội dung các đoạn tin nhắn trên chỉ rõ việc người thân các thí sinh đã nhờ bị cáo nâng điểm, không phải nhờ xem điểm như bà Chính khai nhận.
Bên cạnh đó, đại diện VKS cũng dựa trên lời khai của bị cáo Nguyễn Thanh Hoài về việc bà Chính đưa cho Nguyễn Thanh Hoài (Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục - Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang) tờ giấy in thông tin 13 thí sinh nhờ nâng điểm môn Ngữ văn cho các thí sinh, trong đó có ghi rõ về số điểm cần nâng để chỉ ra yếu tố lợi ích phi vật chất mà bị cáo Triệu Thị Chính đề nghị làm rõ.
Công tố viên chỉ ra rằng trong danh sách 13 thí sinh mà bà Chính nhận để giúp đỡ, có 2 thí sinh là người thân của bị cáo này. "Bị cáo đã được lợi từ danh sách này, nếu thí sinh mà được nâng điểm trót lọt thì anh em, người thân bị cáo cũng được lợi", đại diện VKS lập luận.
Luận tội trước đó, VKS cho rằng bị cáo Triệu Thị Chính đã không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ của Trưởng Ban chấm thi mà còn vi phạm quy chế thi. Quá trình điều tra và tại tòa, nữ bị cáo không thành khẩn nhận tội. Tuy nhiên, với các tài liệu và chứng cứ có được, VKS có đủ căn cứ để kết luận bà Chính đã nhờ Nguyễn Thanh Hoài nâng điểm cho các thí sinh. Hành vi của bà Chính đã thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm. Việc 12 thí sinh này chưa được nâng điểm là do khách quan, nằm ngoài ý chí chủ quan của các bị cáo.
Đối đáp lại VKS, bị cáo Triệu Thị Chính "thề không làm gì vi phạm pháp luật", thậm chí còn cho rằng các anh chị em ruột của mình có tên Cần – Kiệm – Liêm – Chính là có lý do: “Tôi tin vào pháp luật, còn những cái na ná tôi không chấp nhận. Tôi thề, tại sao anh chị em nhà tôi có tên là Cần, Kiệm, Liêm, Chính là như vậy”. Đồng thời, bà Chính cho rằng hai cấp dưới của mình là Hoài và Lương có tư thù với mình nên cố tình lôi bà vào cuộc.
Bà Chính còn cho rằng nếu Cơ quan An ninh điều tra xem toàn bộ tin nhắn sau ngày xảy ra sự việc, cũng cần xem đến tin nhắn do bà Chính nhắn tin cho Bộ trưởng, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT và Bí thư tỉnh ủy Triệu Tài Vinh để thấy rõ bà trong sạch.
"Tôi có thể ngẩng cao đầu nói với toàn thể nhân dân Việt Nam là tôi không nâng điểm mà tôi là người chống tiêu cực. Chính vì thế nên Bộ GD&ĐT mới có được những file điểm gốc để chấm thẩm định", bà Triệu Thị Chính nói.
Nói lời sau cùng tại tòa, cựu Phó giám đốc Sở GD&ĐT Triệu Thị Chính giãi bày khi xảy ra vụ việc, bà vô cùng đau xót bởi bản thân là một nhà giáo. Bà nói dù 107 thí sinh Hà Giang được nâng điểm vượt khỏi sự kiểm soát của bà nhưng lúc đó với cương vị Phó giám đốc, bị cáo đã nhận trách nhiệm về mình. Đồng thời, gửi lời xin lỗi lãnh đạo tỉnh, ngành giáo dục và nhân dân tỉnh Hà Giang. Tuy nhiên, bà Chính nói rằng bản thân sẵn sàng chịu kỷ luật trong ngành nhưng tôi khẳng định tôi không phạm tội.
Trước việc bà Triệu Thị Chính khóc nức nở, kêu oan tại tòa, dư luận đặt ra câu hỏi, cựu Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang oan thật hay lại giống nhân vật "Chí Phèo"?
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)