Cha tôi là một bệnh nhân ung thư và qua đời vì căn bệnh này. Tôi đã nếm trải những năm tháng cha mình nằm viện triền miên sau những năm chiến tranh khi ông ở chiến trường ra Bắc với cơ man bệnh nan y.
Năm 1974, cha tôi được bệnh viện Hữu Nghị mời các giáo sư đến hội chẩn và kết luận bị K ở giai đoạn cuối. Do biết tiếng Pháp nên ông nghe được họ nói gì. Nhưng là người chịu đựng giỏi, ông đã giấu không nói với gia đình mà chỉ nói riêng với em trai, nhờ chú tôi sau này cưu mang một trong ba anh em tôi khi ông qua đời.
Cùng buồng bệnh với cha tôi hồi đó là một bệnh nhân người Lào. Ông cũng biết tiếng Pháp nên hiểu bệnh tình của mình ra sao. Đêm nào ông cũng khóc như đứa trẻ và chỉ sau 10 hôm, ông sụt 5 ký vì suy sụp tinh thần trầm trọng.
Thế rồi, bằng liệu pháp điều trị khoa học cùng thái độ lạc quan và có lẽ cả sự may mắn, cha tôi xin nghỉ hưu sớm, luyện tập thể thao kiên trì và sống thêm được đúng 30 năm. Nhiều chuyên gia y tế rất ngạc nhiên về chuyện hy hữu này.
Đến năm 2004, cha tôi lại mắc ung thư nhưng không phải bệnh cũ tái phát. Ông rất bình tĩnh, bằng lòng với những gì cuộc sống đã cho ông suốt 30 năm sống chung với ung thư, bằng lòng khi thấy các con đã trưởng thành. Thế nhưng ông vẫn khát khao được sống tiếp để vui vầy cùng vợ con những năm cuối đời. Ông đã viết những dòng chữ nguệch ngoạc lên giấy, khi mắt đã nhắm nghiền, tay đã run rẩy: "Tôi không muốn chết!" ...
Cha tôi đã không thể vượt qua lần bạo bệnh thứ 2, dù gia đình tôi đã tìm nhiều cách chữa trị bằng mọi thứ thuốc có thể lùng được nếu có người mách...
|
Bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện K trung ương (Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Khánh/ Tuổi trẻ |
Tôi nhắc lại một câu chuyện riêng, nhưng có lẽ chúng ta đều thấu hiểu những gia đình không may có người mắc ung thư, thì ai cũng chỉ mong người thân giảm bớt đau đớn, chóng bình phục, thoát hiểm, chí ít là sống thêm được ngày tháng nào thì tốt ngày tháng đó. Họ đều không tiếc tiền dù nghèo khó, không tiếc công sức, thậm chí bán tài sản, vay nợ và luôn kỳ vọng vào những thứ "biệt dược" nào đó cứu được mạng sống người thân. Ngoài thuốc men và bệnh viện, họ còn biết trông vào đâu trong những ngày tháng sinh tử đó?
Vậy nên dễ hiểu được sự phẫn nộ của dư luận những ngày qua trước hành vi gian trá, vô đạo đức của nhóm lãnh đạo, cán bộ ở Công ty cổ phần dược Việt Nam (VN Pharma) đã chỉ đạo nhân viên làm giả giấy tờ rồi tuồn 9.300 hộp thuốc điều trị ung thư dỏm vào Việt Nam. Tôi không tin nổi khi họ bình thản khai báo tại toà: "Thuốc không gây nguy hiểm đến người sử dụng”.
Dõi theo những thông tin của phiên tòa không thể không hoang mang. Quá trình điều tra, Ngô Anh Quốc (nguyên phó tổng giám đốc VN Pharma) đã giao nộp cho cơ quan điều tra một số giấy biên nhận chi 7,5 tỉ đồng cho nhân viên phòng bán hàng để chi phí cho bác sĩ. Tại cơ quan điều tra, các bị cáo cũng đã khai nhận VN Pharma nâng khống giá thuốc H - Capita 500 mg trong lô thuốc 9.300 hộp nhập khẩu nói trên, từ 27 USD/hộp lên 75 USD/ hộp nhằm hợp thức hóa khoản chi phí hoa hồng cho việc bán thuốc này vào các bệnh viện.
Thử hỏi sức khỏe, tính mạng của những bệnh nhân ung thư sẽ ra sao khi phải chi hàng đống tiền mua về loại thuốc dỏm đắt đỏ ấy?
|
Các bị cáo tại tòa. Ảnh: Đoàn Nga |
Các bị cáo trong vụ buôn lậu tân dược tại công ty CP VN Pharma đã bị tòa tuyên án. Nhưng dư luận đã trông đợi những bản án nghiêm khắc hơn và muốn họ suốt đời phải gánh bản án của lương tâm, đạo đức. Ngoài ra, dư luận cũng trông đợi việc mở rộng điều tra xem liệu có ai, cơ quan nào từng tiếp tay cho họ phạm tội.
Sau khi tuyên án với các bị cáo, TAND TP. HCM đã kiến nghị làm rõ hành vi của các đối tượng là cán bộ Cục Quản lý dược (trong việc thẩm định cấp phép lô thuốc), nếu có sai phạm sẽ khởi tố thành một vụ án khác. Đồng thời, kiến nghị làm rõ số tiền hoa hồng chi cho các bác sỹ. Những điều này được làm rõ sẽ là áp lực để ngành Y tế chấn chỉnh nghiêm túc y đức, năng lực, trách nhiệm của cán bộ, vấn nạn “hoa hồng” trong ngành, và tình trạng nhóm lợi ích trong quản lý dược phẩm?