Trong phát biểu kết luận tại Hội nghị sơ kết bảo đảm trật tự an toàn giao thông quý I/2024 vào sáng 24/4, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng đặc biệt lưu ý vấn đề ý thức của người lái trong việc chấp hành luật giao thông.
Bộ trưởng Thắng nhận định việc xử phạt nguội ô tô đang làm rất tốt nhưng vi phạm của xe máy còn rất nhiều, cần có hình thức xử phạt nguội đối với phương tiện này. Ông nhận định, việc cải thiện hành vi của người đi xe máy chắc chắn sẽ giúp kéo giảm tai nạn giao thông trong thời gian tới.
Thực tế, việc kiểm soát và phạt nguội đối với phương tiện giao thông là xe máy đã được nhiều địa phương thực hiện. Bên cạnh những hiệu quả bước đầu, công tác phạt nguội xe máy vi phạm giao thông cũng còn gặp nhiều bất cập, chưa xuyên suốt.
|
Một xe máy bị xử phạt nguội. |
Một cán bộ CSGT trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cho biết, việc xử phạt nguội đối với các phương tiện vi phạm giao thông là một trong những biện pháp bảo đảm ATGT và tạo tính răn đe cho chủ xe cũng như người điều khiển phương tiện. Lâu nay, phạt nguội xe ô tô đã phổ biến, còn xe máy thì chưa thường xuyên, gặp nhiều khó khăn trong công tác xử lý.
Theo cán bộ này, mặc dù đã có quy định định danh biển số, nhưng thực tế những chủ xe máy chưa thực sự tuân thủ và còn phớt lờ, làm ngơ đối với quy định này. Việc sang tên, đổi biển chưa được các chủ xe hay người mua xe chủ động thực hiện. Thậm chí, tại các vùng quê, nơi giao thông hạn chế hay như xe máy cũ, xe giá trị thấp thì việc sang tên, đổi biển dường như không thực hiện. Do đó, việc kiểm soát và xử phạt sao cho "đúng xe, đúng người" là không đơn giản.
"Theo quy định hiện nay, dữ liệu hình ảnh phạt nguội chỉ có giá trị trong một thời gian nhất định. Do đó, hết thời hạn mà chủ xe không đến để xác minh cũng rất khó xử lý. Trường hợp cơ quan chức năng đã gửi giấy báo phạt nguội cho cho chủ xe (chủ cũ), nhưng thực tế chủ xe mới (không sang tên) lại là người khác, họ không nhận được giấy báo và sẽ vin lý do này để cho rằng đã quá thời hạn nên đơn vị xử lý rất khó ra quyết định xử phạt", cán bộ CSGT nói.
Theo vị cán bộ CSGT, để có hiệu quả hơn trong công tác phạt nguội đối với xe máy nói riêng và các phương tiện tham gia giao thông nói chung, cần nghiên cứu, xem xét việc tích hợp một tài khoản ngân hàng vào phương tiện và chủ phương tiện phải có trách nhiệm quản lý và sử dụng xe của mình sao cho không vi phạm giao thông.
Chia sẻ với báo chí về vấn đề phạt nguội xe máy, PGS. TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức (trường Đại học Việt Đức) cho rằng, việc xử phạt nguội đối với xe cá nhân, đặc biệt là xe mô tô, xe gắn máy là cần thiết vì số lượng xe lớn.
Tuy nhiên, để triển khai ngay trên diện rộng thì rất khó. Bởi lẽ để phạt nguội cần có số lượng lớn hệ thống camera khắp nơi trên toàn quốc để phát hiện những hành vi vi phạm. Thứ hai, ô tô có 2 biển phía trước và phía sau nên camera dễ soi được biển số nhưng xe máy chỉ có biển số phía sau.
“Một vấn đề thách thức nữa là xe máy ở nước ta được bán trao tay nhiều, thậm chí có xe qua mấy chủ. Do đó, xảy ra hiện tượng xe lưu thông ở tỉnh A nhưng chủ thực sự lại ở tỉnh B. Vậy camera làm cách nào để xác định được chính xác người điều khiển phương tiện vi phạm?”, PGS. TS Vũ Anh Tuấn đặt vấn đề.
Do đó, theo chuyên gia này, việc triển khai phạt nguội cần có lộ trình. Đầu tiên là phải đăng ký biển số xe máy chính chủ trên phạm vi toàn quốc. Tiếp đến cần quy định xe máy phải lắp biển cả trước và sau giống như Thái Lan, Indonesia hay Malaysia. Cuối cùng là cần có hệ thống camera AI để hỗ trợ phát hiện những phương tiện vi phạm.
>>> Mời độc giả xem thêm video 80% người vi phạm giao thông không đóng phạt nguội: