Phạm Nhật Vũ được đề nghị áp dụng 'đầy đủ, triệt để' tình tiết giảm nhẹ

Google News

Đây là quan điểm của viện kiểm sát khi truy tố bị can Phạm Nhật Vũ hành vi đưa hối lộ. Ông Vũ cũng không bị xử lý tội danh khác vì đã khắc phục hơn 8.000 tỷ đồng cả gốc lẫn lãi cho Mobifone; được Giáo hội Phật giáo tại 6 tỉnh thành xin cho hưởng khoan hồng...
 

Viện KSND Tối cao vừa ra cáo trạng truy tố 14 bị can trong vụ án Tổng Cty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Cty CP Nghe nhìn toàn cầu (AVG) gây thiệt hại 6.590 tỷ đồng. Trong đó, có 13 bị can truy tố về tội “Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”.
Số này gồm các ông Nguyễn Bắc Son (SN 1953), Trương Minh Tuấn (SN 1960) – cùng nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT); Phạm Đình Trọng (SN 1970) - nguyên Vụ trưởng Vụ quản lý doanh nghiệp, Bộ TT&TT; Lê Nam Trà (SN 1961) - nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) MobiFone; Cao Duy Hải (SN 1961) - nguyên Tổng GĐ MobiFone...
Pham Nhat Vu duoc de nghi ap dung 'day du, triet de' tinh tiet giam nhe
 Bị can Phạm Nhật Vũ.
Trong số 13 người nói trên, các ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Cao Duy Hải, Lê Nam Trà còn bị truy tố thêm tội “Nhận hối lộ” theo quy định tại Khoản 4, Điều 354, Bộ luật Hình sự. Riêng bị can Phạm Nhật Vũ (SN 1973) - nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị AVG bị truy tố về tội “Đưa hối lộ” theo quy định tại Khoản 4, Điều 364, Bộ luật Hình sự.
Theo cáo trạng, năm 2015, MobiFone thực hiện Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình theo hình thức đầu tư vốn nhà nước mua 95% cổ phần của AVG với số tiền 8.900 tỷ đồng.
Trong khi đó, giá trị thực của AVG thấp hơn giá tiền trên nhiều lần nhưng Phạm Nhật Vũ đã đưa ra các thông tin khác nhau nhằm “thổi giá”. Đồng thời, bị can Vũ tác động tới nhóm bị can là người có chức vụ quyền hạn để thương vụ mua bán được diễn ra nhanh chóng.
Cơ quan truy tố khẳng định việc Mobifone mua cổ phần của AVG là trái quy định và đã khiến Nhà nước bị thiệt hại 6.590 tỷ đồng gồm 6.475 tỷ đồng tiền bị thiệt hại khi MobiFone mua AVG và 115 tỷ đồng là tiền lãi của các hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn phải rút trước hạn để thanh toán cho các cổ đông của AVG.
Qua thương vụ, Phạm Nhật Vũ cũng “cảm ơn” Nguyễn Bắc Son 3 triệu USD, Trương Minh Tuấn 200 nghìn USD, Lê Nam Trà 2,5 triệu USD, Cao Duy Hải 500 nghìn USD. Các bị can nhận tiền hoàn toàn biết hành vi sai phạm, hiểu rõ việc nhận tiền của Phạm Nhật Vũ là do đã chỉ đạo, quyết định việc MobiFone mua cổ phần của AVG.
Theo VKSND Tối cao, bị can Phạm Nhật Vũ không phải chịu trách nhiệm về các hậu quả thiệt hại của Mobifone do hành vi phạm tội vi phạm đầu tư công của Nguyễn Bắc Son và các đồng phạm.
Lý do, ông Vũ đã chủ động trả lại Mobifone hơn 8.445 tỷ đồng tiền chuyển nhượng cổ phần và hơn 329 tỷ đồng tiền lãi; bị can cũng tự nguyện khai báo, giúp việc giải quyết vụ án được nhanh chóng...
Phạm Nhật Vũ cũng được Trung ương Giáo hội Phật giáo ghi nhận có nhiều đóng góp cho an sinh xã hội, trùng tu di tích văn hóa...; được Ban trị sự Phật giáo tại Hà Nội, Cao Bằng, Tuyên Quang, Hà Giang, Hưng Yên, Hà Tĩnh gửi đơn đề nghị cho hưởng chính sách khoan hồng.
Vì vậy, cáo trạng nêu: “Với những tình tiết giảm nhẹ đáng kể như trên, cần áp dụng đầy đủ, triệt để các quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 3; Khoản 1, 2 Điều 51 và các quy định khác của BLHS năm 2015 để xem xét mức hình phạt tương xứng với các tình tiết giảm nhẹ nêu trên của bị can Phạm Nhật Vũ”.
Điểm d, Khoản 1, Điều 3 BLHS: “Khoan hồng đối với người tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, tố giác đồng phạm, lập công chuộc tội, ăn năn, hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra”.
Điều 51 BLHS:
1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:
a) Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm;
....
2. Khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.
Theo Xuân Ân/Tiền Phong

>> xem thêm

Bình luận(0)