Cáo trạng mới được VKSND Tối cao ban hành truy tố ông Nguyễn Bắc Son (cựu Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông) và 13 bị can liên quan thương vụ MobiFone mua cổ phần AVG nêu rõ, sau khi nhận hối lộ 3 triệu USD từ ông Phạm Nhật Vũ tại nhà riêng, ông Son đã mang 3 triệu USD lên phòng làm việc tại tầng 2 và xếp đầy vào 1 chiếc va li du lịch loại nhỏ màu đen nhãn hiệu Samsonite, xếp đầy 1 ba lô du lịch tối màu; số còn lại cho vào 1 chiếc va li du lịch loại to màu trắng nhãn hiệu Samsonite, sau đó cất ra ngoài ban công được quây kín bằng khung nhôm kính.
Toàn bộ số tiền 3 triệu USD, Nguyễn Bắc Son đưa cho con gái Nguyễn Thị Thu Huyền khoảng 10 lần, mỗi lần từ 300.000 USD đến 400.000 USD trong những lần Huyền từ TP HCM ra Hà Nội thăm gia đình, khi đưa tiền Son dặn không được gửi tiết kiệm, còn đầu tư vào đâu thì tùy.
|
Ông Nguyễn Bắc Son. |
Dư luận quan tâm, nếu ông Nguyễn Bắc Son thông qua con gái sử dụng số tiền trên vào mục đích đầu tư hoặc thực hiện các giao dịch nhằm che giấu nguồn gốc tài sản đó thì bản thân ông Son có phạm thêm tội “rửa tiền”?
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, cơ quan điều tra sẽ làm rõ vai trò và trách nhiệm của những người đã sử dụng số tiền mà ông Nguyễn Bắc Son đã nhận từ vụ AVG, trong đó có con gái là Nguyễn Thị Thu Huyền.
Với các tài liệu, chứng cứ mà cơ quan điều tra đã thu thập được thì khoản tiền 3 triệu đô mà ông Nguyễn Bắc Son có được là do nhận hối lộ - tài sản do phạm tội mà có. Số tiền này được xác định là vật chứng của vụ án nên phải truy tìm, thu giữ để xung công quỹ nhà nước.
Nếu người nào biết rõ số tiền đó là do phạm tội mà có nhưng vẫn cố ý chứa chấp, tiêu thụ thì sẽ bị xử lý hình sự về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có theo quy định tại Điều 323 Bộ luật hình sự năm 2015, hình phạt có thể tới 15 năm tù.
Như vậy, nếu cơ quan điều tra thu thâp được chứng cứ chứng minh ông Nguyễn Bắc Son đã sử dụng số tiền trên vào mục đích đầu tư hoặc thực hiện các giao dịch nhằm che giấu nguồn gốc tài sản đó thì ông này sẽ bị xử lý thêm về tội rửa tiền theo quy định tại Điều 324 Bộ luật hình sự.
Cùng với đó, nếu có căn cứ cho thấy người thân trong gia đình ông Son biết rõ tài sản đó là có nguồn gốc do phạm tội nhưng vẫn chứa chấp, tiêu thụ thì mới bị xử lý hình sự theo Điều 323 Bộ luật hình sự. Còn trường hợp người chứa chấp, tiêu thụ, sử dụng số tiền đó không biết rõ nguồn gốc số tiền, không biết số tiền đó là do phạm tội mà có thì không bị xử lý hình sự.
Trong trường hợp người khác hoặc người thực hiện hành vi phạm tội biết rõ số tiền, tài sản đó là do phạm tội mà có nhưng vẫn thực hiện các giao dịch qua ngân hàng, hoặc giao dịch khác hoặc sử dụng số tiền, tài sản đó vào mục đích kinh doanh thì sẽ bị xử lý hình sự về tội rửa tiền theo quy định của Điều 324 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với hình phạt cao nhất là 15 năm tù.
Nói về trường hợp hành vi của con gái ông Son, luật sư Đặng Văn Cường cho biết, nếu con gái ông Son nhận, sử dụng số tiền đó mà không biết là tiền do phạm tội mà có thì có trách nhiệm hoàn trả, giao nộp cho cơ quan tố tụng. Nếu biết rõ tiền đó là do phạm tội mà có những vẫn chứa chấp, tiêu thụ thì sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 323 Bộ luật hình sự, nếu biết rõ số tiền đó là phạm pháp mà vẫn mang đi đầu tư, che giấu nguồn gốc tài sản thì sẽ bịi xử lý về tội rửa tiền theo Điều 324 Bộ luật hình sự nêu trên.
“Bởi vậy, trong vụ án này, cơ quan điều tra cần làm rõ con gái ông Son có nhận, sử dụng số tiền do phạm tội mà có như lời khai của ông Son hay không? Nếu có nhận sử dụng thì người phụ nữ này có biết đó là tài sản do phạm tội mà có hay không? Đó là những vấn đề quan trọng để có những biện pháp xử lý tiếp theo”, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết.