Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến xã hội về dự thảo phương án thi tốt nghiệp năm 2025 với 3 phương án thi:
Phương án 1: 4+2 tức là 4 môn thi bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử và 2 môn lựa chọn.
Phương án 2: 3+2 tức là 3 môn thi bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ và 2 môn lựa chọn.
Phương án 3: 2+2 tức là 2 môn thi bắt buộc: Ngữ văn, Toán và 2 môn lựa chọn.
|
Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. |
Trước đó, Bộ GD&ĐT cũng đã tiến hành các đợt khảo sát, lấy ý kiến về các phương án thi này.
Khảo sát thứ nhất thực hiện với 130.672 cán bộ, giáo viên cho kết quả: Gần 74% chọn phương án thi 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 môn lựa chọn.
Khảo sát thứ hai thực hiện với hơn 200 lãnh đạo Sở GD&ĐT và các phòng chuyên môn cho thấy: Gần 69% chọn phương án thi 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 môn lựa chọn.
Khảo sát thứ ba tại TP HCM, Long An, Tây Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang về 2 phương án thi là 4+2 và 2+2 thì cho kết quả: Gần 60% chọn thi 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ và và 2 môn lựa chọn khác.
5 lý do đề xuất chọn phương án thi tốt nghiệp 2+2
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, PGS.TS. Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên Chương trình GDPT môn Ngữ văn 2018 cho biết, chiều 5/10 vừa qua, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã mời ông cùng một số chủ biên Chương trình môn học cùng nhiều thành viên của Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực về Dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình mới vào năm 2025.
|
PGS.TS. Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên Chương trình GDPT môn Ngữ văn 2018. |
Một trong những căn cứ mà Bộ GD&ĐT nêu phương án thi tốt nghiệp là phải đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội: “Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng gọn nhẹ, giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, cung cấp dữ liệu cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học”. Nghĩa là vẫn có mục tiêu kép: công nhận tốt nghiệp và cung cấp dữ liệu để các ĐH xét tuyển sinh.
Ông ủng hộ phương án 3, tức là 2 môn thi bắt buộc: Ngữ văn, Toán và 2 môn lựa chọn bởi 5 lý do.
Thứ nhất, theo phương án này sẽ gọn nhẹ, giảm áp lực, giảm thời gian, đỡ tốn kém mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, cung cấp dữ liệu cho việc tuyển sinh... như NQ 29 và NQ 88 đã nêu.
Thứ hai, sẽ đáp ứng yêu cầu của CT 2018 đã nêu: “ phù hợp với năng lực và sở thích, điều kiện và hoàn cảnh của bản thân...”; “Bảo đảm tính hệ thống, đồng bộ giữa đổi mới các kỳ thi quốc gia với kiểm tra đánh giá thường xuyên, định kỳ trong quá trình dạy học; đồng bộ với lộ trình tự chủ giáo dục đại học”
Thứ 3, việc thi bắt buộc Toán và Ngữ văn, vì đây là 2 môn công cụ, tiêu biểu cho 2 loại tư duy, 2 lĩnh vực cơ bản và cũng là 2 môn học được nhiều nước lựa chọn trong đánh giá năng lực; cũng như thi tốt nghiệp cấp THPT...
Thứ 4, tạo sự hài hòa cho các khối tổ hợp môn học ở THPT; phù hợp, thuận tiện cho cả 2 đối tượng thí sinh hệ phổ thông và giáo dục thường xuyên.
Lý do cuối cùng, Ngoại ngữ, Lịch sử vốn đã bắt buộc, được chú ý trong dạy học hằng ngày, nên lúc thi cử cũng để học sinh tự chọn bình đẳng như các môn học còn lại.
“Bình thường hóa kì thi tốt nghiệp THPT, chỉ còn là một kì thi định kì lớn, nhẹ nhàng...”, ông Thống cho hay.
Cần quan tâm hơn tới ra đề thi
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống cho rằng, cùng với việc chọn phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025, một vấn đề mà Bộ GD&ĐT cần quan tâm hơn, đó là ra đề thi sắp như thế nào để đáp ứng được yêu cầu mới. Theo đó, cần phải làm rõ:
Thế nào là đề đánh giá năng lực ở mỗi môn học?
Đề thi cần thay đổi thế nào trong bối cảnh 1 chương trình nhiều sách giáo khoa và yêu cầu chống chép văn mẫu?
Cần tổ chức nghiên cứu, tập huấn, bồi dưỡng và đào tạo cán bộ ra đề thi theo yêu cầu mới, thử nghiệm và công bố sớm phạm vi, mô hình, cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT của các môn học.
Ông cũng đề nghị, Bộ GD&ĐT nên chú ý truyền thông, thi tốt nghiệp THPT là một chủ trương lớn, tránh trường hợp, khi xin ý kiến thì không ai quan tâm, cũng chẳng có góp ý gì (chẳng hạn, Dự thảo Phương án thi tốt nghiệp đã được Bộ GD&ĐT đăng trên cổng thông tin điện tử lấy ý kiến xã hội từ ngày 17/3/2023 đến 17/5/2023, suốt 2 tháng chỉ nhận được 25 email góp ý), nhưng khi bắt đầu làm lại có thể “nóng” dư luận.
Theo đánh giá từ Bộ GD&ĐT, mỗi phương án đều có ưu, nhược riêng. Theo đó, phương án 1 sẽ thi hết được 4 môn học bắt buộc trong chương trình, tuy nhiên, lại làm tăng áp lực thi cử, gây tốn kém do số buổi thi tăng lên. Ngoài ra, với 4 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Ngoại ngữ, nếu chọn phương án 1, số môn xã hội nhiều hơn số môn tự nhiên, sẽ không công bằng cho các thí sinh.
Lựa chọn 3 + 2 có ưu điểm là công tác tổ chức thi và việc thi của thí sinh sẽ được giảm nhẹ hơn, giảm áp lực, giảm tốn kém so với hiện nay. Việc được chọn 2 môn lựa chọn để thi giúp thí sinh phát huy năng lực sở trường; tạo điều kiện thuận lợi trong việc sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét vào các cơ sở giáo dục đại học.
Tuy nhiên, nhược điểm của phương án này là có thể ảnh hưởng đến việc dạy và học môn Lịch sử và Ngoại ngữ, hai môn này hiện nay đang là môn bắt buộc học.
Mời quý độc giả xem video thí sinh đánh giá về đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn năm 2023. Nguồn: Kiên Thức.