Ông Trương Quý Dương: "Nỗi đau của bị cáo là nỗi đau cả ngành y tế"

Google News

(Kiến Thức) - "Nỗi đau của bị cáo là nỗi đau của cả ngành y tế. Đó là nỗi đau của bệnh nhân, nỗi đau của cán bộ y tế…”, bị cáo Trương Quý Dương - nguyên Giám đốc BVĐK Hòa Bình nói tại phiên tòa xét xử vụ án chạy thận.

Chiều ngày 14/1, phiên tòa xử vụ án “Vô ý làm chết người”; “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” khiến 9 bệnh nhân tử vong tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình bước sang phần xét hỏi.
Bị cáo Trương Quý Dương – Nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình là người đầu tiên lên bục xét hỏi. Ông Dương cũng là lần đầu tiên khai báo trước Hội đồng xét xử bởi những phiên tòa trước, ông Dương đã không có mặt tại tòa dù là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Lúc xảy ra sự cố không ai nói bệnh nhân bị ngộ độc, chỉ nghĩ họ dị ứng
Tại phiên xét hỏi, khi trả lời HĐXX về việc có nhớ khi xuống khoa thì có ai báo cáo về việc xử lý không?, bị cáo Dương cho biết, sau khi xảy ra sự cố hôm 29/5/2017, ông Dương nhận được báo cáo về việc nhiều bệnh nhân tử vong khi chạy thận từ bác sĩ Hoàng Đình Khiếu (Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình).
Tuy nhiên, theo bị cáo Trương Quý Dương, khi đó cấp dưới chưa nói đến tình trạng ngộ độc. Thời điểm đó, bản thân ông Dương và ông Hoàng Đình Khiếu đều nhận định đó là một ca dị ứng.
"Bây giờ tôi đang bận một số việc, các anh cứ xử lý. Khi diễn biến xấu đi, tôi mới xuống cùng để giải quyết”, bị cáo Dương thuật lại và nói: “Ở bệnh viện nhỏ như Hòa Bình, việc xảy ra các ca dị ứng là hết sức bình thường, không cần đến giám đốc trực tiếp xử lý. Bởi vậy, tôi đã giao ông Hoàng Đình Khiếu tiếp tục theo dõi, xử lý trong phạm vi chuyên môn, rồi có gì báo cáo tôi.".
Ong Truong Quy Duong:
 Bị cáo Trương Quý Dương trả lời HĐXX.
Theo lời bị cáo Dương, khi biết có một số người tử vong và xác định đây không phải một ca dị ứng mà có dấu hiệu ngộ độc hóa chất, ông Trương Quý Dương mới xuất hiện ở Đơn nguyên thận nhân tạo.
Giải thích về điều này, ông Dương cho biết: “Ở một bệnh viện có gần 40 chuyên khoa và 700 cán bộ, thì với tư cách là người lãnh đạo bệnh viện, tôi phải lo rất nhiều việc. Nếu đó chỉ là một ca dị ứng, thì một giám đốc như tôi không nhất thiết phải xuất hiện".
Ông Trương Quý Dương nói thêm: “Khi chuyên ngành nào xảy ra vấn đề, bác sĩ chuyên ngành đó trực tiếp liên hệ đầu mối để báo cáo” và giải thích bản thân ông chỉ chuyên khoa ngoại. Do đó, sự cố nếu xảy ra ở chuyên khoa khác thì phải bác sĩ chuyên khoa đó thông báo. Do vậy, với Đơn nguyên thận, bị cáo thi thoảng xuống kiểm tra và động viên anh em làm việc, có tháng xuống 1-2 lần”.
Cựu Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cũng cho biết, theo quy chế của bệnh viện, phó giám đốc có quyền thay giám đốc, chịu trách nhiệm trong lĩnh vực mà mình phụ trách, trong đó có cả lĩnh vực chuyên môn.
“Khi xuống Khoa Hồi sức đã được bác sĩ Hoàng Công Tình báo cáo, rằng 18 bệnh nhân bị sốc phản vệ, trong đó một số người đã tử vong. Ngay lập tức, tôi đã chỉ đạo cấp dưới liên hệ với các bệnh viện xung quanh để đưa những người còn sống sang thải độc. May mắn 10 bệnh nhân trong đó đã được cứu sống”, bị cáo Trương Quý Dương nói.
Trả lời HĐXX về việc phân quyền trong BVĐK Hòa Bình, bị cáo Trương Quý Dương cho biết, trong quy chế ghi rất rõ Phó giám đốc được thay mặt cho Giám đốc trong lĩnh vực phụ trách.
Thông qua việc phân cấp trong quyết định 262, trong đó có có việc phân cấp cho các phó giám đốc, trưởng khoa, trưởng phòng... quyết định trên đã được tập thể thông qua. Đây là ý chí của cán bộ nhân viên bệnh viện chứ không phải của riêng bị cáo.
Theo ông Dương, bị cáo Khiếu được phân công phụ trách 13 khoa phòng trong đó có phòng vật tư đồng thời kiêm nhiệm trưởng khoa Hồi sức cấp cứu. Ông Dương cho biết, rất hài lòng trước kết quả hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của ông Khiếu.
Cũng theo lời khai của bị cáo Trương Quý Dương, khi sự cố xảy ra đã xuống Đơn nguyên thận và trao đổi về chuyên môn với trưởng khoa, phó khoa và các bác sĩ, nhưng chủ yếu là trao đổi với ông Hoàng Đình Khiếu.
Tại phiên tòa, khi trả lời HĐXX, bị cáo Dương cũng không biết chính xác bệnh nhân nào là bệnh nhân đầu tiên tử vong và thời điểm tử vong là khi nào. Bị cáo cho biết, do bận tiếp các đoàn Trung ương về thăm hỏi và kiểm tra tình hình sau vụ tai biến, đồng thời phải liên lạc với các đầu mối để xử lý sự cố, nên đã chỉ đạo cho phòng hành chính và kế toán cùng với cấp dưới đưa cho gia đình nạn nhân 2 lần, mỗi lần 10 triệu đồng làm chi phí mai táng, đồng thời chỉ đạo cấp dưới đến thăm hỏi các gia đình nạn nhân.
Nỗi đau của bị cáo là nỗi đau của cả ngành y tế
Tại phần trả lời HĐXX, bị cáo Trương Quý Dương nói rằng, nếu gói gọn lại một từ để có thể nói về sự cố khiến 9 người chết, bị cáo xin được nói từ "đau".
“Nỗi đau của bị cáo là nỗi đau của cả ngành y tế. Đó là nỗi đau của bệnh nhân, nỗi đau của cán bộ y tế…”, bị cáo Trương Quý Dương nói.
Theo bị cáo Trương Quý Dương, với một bệnh viện tuyến tỉnh thì đây là một trong những kỹ thuật (kỹ thuật chạy thận) mà lãnh đạo bệnh viện cùng bệnh viện Bạch Mai tâm huyết nhất, nhưng không ngờ xảy ra sự việc như vậy. Ông Dương khẳng định không chối bỏ trách nhiệm và ngay sau khi xảy ra sự cố ông đã thay mặt bệnh viện nhận trách nhiệm.
Cựu giám đốc Bệnh viện nghĩ cơ bản đủ điều kiện thành lập Đơn Nguyên thận
Trả lời câu hỏi về cơ sở pháp lý khi thành lập đơn nguyên thận nhân tạo ông Dương nói rằng: "Bị cáo nghĩ rằng cơ bản là đủ điều kiện".
Bị cáo Dương khẳng định, chỉ khi nào bệnh viện thành lập khoa phòng mới thì mới phải xin ý kiến cấp trên. Còn dưới cấp khoa, phòng là thuộc thẩm quyền của bệnh viện.
"Nếu về mặt lý thuyết thì việc ra quyết định thành lập đơn nguyên có có thể không, nhưng do điều kiện lúc đó có đặc thù việc phân chia buồng do chức trách của trưởng khoa. Nhưng do đây là kỹ thuật mới nên cần phải có đầu mối liên hệ với tuyến trên", bị cáo Dương nói.
Theo ông Dương, qua trao đổi với đơn vị chuyển giao thì cơ bản đủ điều kiện thành lập đơn nguyên thận nhân tạo: "Nếu đủ thì đã thành lập khoa thận tiết liệu nhưng vì không đủ nên chỉ thành lập đơn nguyên thuộc khoa". Cựu Giám đốc bệnh viện Đa khoa Hòa Bình cũng cho biết bệnh viện có bác sĩ, điều dưỡng được đào tạo về lọc máu.
Khi HĐXX nhắc đến việc có phải có kỹ sư, kỹ thuật viên lọc máu? Ông Dương trả lời: "Theo quy chế bệnh viện không có chức danh kỹ thuật viên lọc máu mà đây là nhiệm vụ của kỹ thuật viên. Như vậy, nếu một nhân viên nào được đào tạo về nhiệm vụ này cũng có thể đáp ứng".
Ông Dương cũng khẳng định không có quy định cụ thể nào về việc một bác sĩ hay điều dưỡng phụ trách bao nhiêu máy bao nhiêu bệnh nhân.
Nguyên giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết về chuyên môn con người bị cáo rất yên tâm còn về cơ sở vật chất thì bệnh viện đã tìm rất nhiều nguồn. Còn về mặt pháp lý sau khi có quyết định 23 của bộ y tế thì bệnh viện đã xin phép sở y tế cho phép triển khai kỹ thuật đó.
Về con người, ông Trương Quý Dương nói căn cứ theo đề xuất tham mưu. Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình đã ký hợp đồng với bệnh viện Bạch Mai (khoảng 5 hợp đồng) chuyển giao kỹ thuật vì Bạch Mai được Bộ Y tế có quyết định bằng văn bản. Cũng theo ông Dương có 26 cán bộ được cử đi đào tạo tại bệnh viện Bạch Mai. Trong đó có 3 bác sĩ gồm bác sĩ Khiếu, bác sĩ Tình và bác sĩ Hoàng Công Lương, ngoài ra có bác sĩ Tiến theo hợp đồng 1816. Những người được đào tạo đều có chứng chỉ ghi rõ đã thực hiện kỹ thuật gì, bao nhiêu lần.
Về cơ sở vật chất, ông Dương cho biết lãnh đạo bệnh viện cùng với bị cáo làm nhiều nguồn. Thứ nhất là từ dự án xây dựng lại bệnh viện hệ thống RO số 1. Do nguồn kinh phí hạn hẹp nên bệnh viện quyết định bổ sung thêm 1 kênh nữa từ nguồn xã hội hóa RO số 2. Toàn bộ hệ thống RO đều do bệnh viện dùng kinh phí để mua, duy nhất chỉ xã hội hóa trong máy chạy thận.
Trong số 18 máy thì bệnh viện sở hữu 13 máy còn 5 máy liên kết. Bệnh viện thuê máy là theo quy định của pháp luật. Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn và điều kiện kinh tế bị cáo thấy như thế là hoàn toàn có lợi cho bệnh viện, cho tỉnh vì không phải bỏ ra đồng nào, có lợi cho nhân dân. Theo ông Dương, việc ký hợp đồng với công ty Thiên Sơn đã được nghiên cứu kỹ.
Có hay không việc liên doanh liên kết giữa bệnh viện và công ty Thiên Sơn?
Trong quá trình hợp tác Thiên Sơn hoàn toàn đáp ứng về mặt chuyên môn. Tổng cộng có 4 lần bệnh viện ký với Thiên Sơn, mỗi lần ký đều phải theo quy trình. Do mỗi lần nhu cầu đề xuất 1-2 máy nên việc phối hợp quản lý không thuận tiện nên bệnh viện quyết định chọn 1 đơn vị để phối hợp quản lý. Về việc ký kết thực hiện theo thông tư 15 của Bộ Y tế về xã hội hóa.
Trong quá trình hợp tác giữa hai bên, trách nhiệm của bệnh viện là tổ chức vận hành máy đúng quy định. Toàn bộ những vấn đề về con người là của bệnh viện. Bệnh viện có trách nhiệm sử dụng đúng quy định và có nghĩa vụ với Thiên Sơn. Còn công ty Thiên Sơn có nghĩa vụ cung cấp máy theo như hợp đồng. Máy mới 100%, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chuyển giao kỹ thuật vận hành máy, đảm bảo máy hoạt động liên tục.
Về mức thu, giai đoạn đầu, mỗi ca chạy thận có mức thu là 400 nghìn đồng. Bị cáo Dương khẳng định, đây là doanh thu chứ không phải lợi nhuận bởi để có số tiền này thì phải có chi phí nhiều loại vật tư từ kim tiêm đến băng dính và tiền điện, nước...Bị cáo Dương khẳng định đã chỉ đạo không thu thêm của bệnh nhân bất cư khoản thu nào. Sang giai đoạn 2 thu 7,7 usd/ca là do giá vật tư cao.
Trả lời câu hỏi về việc Thiên Sơn có quyền can thiệp vào việc chạy thận hay không chạy? Ông Dương khẳng định là không có sự can thiệp. Việc Thiên Sơn cử người giám sát không ảnh hưởng gì đến hoạt động của bệnh viện và bệnh viện cũng không phải trả tiền cho công ty này. "Việc Thiên Sơn cử người đến bệnh viện đếm ca chạy thận không phải là giám sát chất lượng chạy thận mà là do quyền lợi của họ. Họ cử đến giám sát số ca chạy thận".
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)