Vụ án bác sĩ Hoàng Công Lương: Ông Trương Quý Dương vẫn “vô tội”?

Google News

(Kiến Thức) - Với vai trò là người đứng đầu cơ quan "chịu trách nhiệm về toàn bộ về mọi mặt hoạt động của bệnh viện và pháp luật của Nhà nước", ông Trương Quý Dương phải chịu trách nhiệm hành chính liên đới của người đứng đầu cơ quan.

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình vừa hoàn tất kết luận điều tra bổ sung vụ án “Vô ý làm chết người” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” khiến 9 người chết khi chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Bản kết luận điều tra bổ sung của Công an tỉnh Hòa Bình đã nêu rõ về trách nhiệm của ông Trương Quý Dương – Nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Theo đó, với chức trách nhiệm vụ là người đứng đầu, ông Trương Quý Dương đã phân công, phân nhiệm vụ trong công tác chỉ đạo, điều hành. Đối với việc thực hiện hợp đồng thay thế, sửa chữa bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2, ông Dương đã giao trách nhiệm cho Phòng vật tư phối hợp với Khoa hành chính chịu trách nhiệm thực hiện. Trong quá trình thực hiện, Phòng vật tư và Khoa hồi sức tích cực không báo cáo về tiến độ, cách thức thực hiện để giám đốc nắm bắt, chỉ đạo.
 Ông Trương Quý Dương.
Việc ký hợp đồng số 315/BVĐKT-TS đối với ông Đỗ Anh Tuấn - Giám đốc Công ty cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn với nội dung cung cấp vật tư, sửa chữa, tuyệt trùng, xét nhiệm kiểm tra sinh hóa tiêu chuẩn AAMI hệ thống lọc nước RO số 2 cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình là đúng theo pháp luật. Ngoài ra, đã tiến hành giám định đối với trang thiết bị, vật tư phục vụ chạy thận đều đảm bảo chất lượng theo hợp đồng và tiêu chuẩn kỹ thuật quy định.
Tuy nhiên, trong quá trình lãnh đạo, điều hành, ông Trương Quý Dương chưa sâu sát trong thực hiện chức trách người đứng đầu bệnh viện.
Cụ thể, từ năm 2015 đến 2017 không có quyết định giao phụ trách đơn nguyên thận cho cá nhân cụ thể để điều hành hoạt động đơn nguyên. Không có quyết định giao hệ thống RO số 2 cho cá nhân trong Khoa Hồi sức tích cực đảm nhiệm. Từ khi có quyết định thành lập đơn nguyên thận, giám đốc không chỉ đạo ban hành văn bản quy định cụ thể về quy trình bảo quản, sửa chữa, bàn giao đưa vào hệ thống lọc nước RO số 2. Từ đó, để xảy tình trạng vận hành, sử dụng hệ thống RO tùy tiện trong thời gian dài.
Bản kết luận điều tra bổ sung của Công an tỉnh Hòa Bình cũng nêu rõ, với vai trò là người đứng đầu cơ quan "chịu trách nhiệm về toàn bộ về mọi mặt hoạt động của bệnh viện và pháp luật của Nhà nước", nên ông Trương Quý Dương phải chịu trách nhiệm hành chính liên đới của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
Do đó, 9/1/2018, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Hòa Bình đã có công văn số 95 thông báo và đề nghị Sở Y tế tỉnh Hòa Bình xử lý sai phạm về mặt hành chính theo quy định của ngành y tế.
Trước đó, ngày 29/5/2017, tại Đơn nguyên thận nhân tạo của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đã xảy ra sự cố chạy thận làm 9 người tử vong. Trong vụ án trên, cơ quan điều tra đã truy tố Hoàng Công Lương (bác sĩ tại Đơn nguyên thận nhân tạo – BVĐK tỉnh Hòa Bình) và Trần Văn Sơn (cán bộ Phòng Vật tư-Trang thiết bị y tế BVĐK tỉnh Hòa Bình) về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”; Bùi Mạnh Quốc (giám đốc Công ty xử lý nước Trâm Anh) về tội “Vô ý làm chết người”.
Ngày 7/5/2018, TAND TP Hòa Bình mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án trên. Tuy nhiên, sau đó phiên tòa bị hoãn theo đề nghị của các luật sư. Đến ngày 15/5/2018, TAND TP Hòa Bình mở lại phiên tòa.
Sau 12 ngày xét xử (từ ngày 15/5 đến ngày 30/5, không tính ngày nghỉ thứ Bảy, Chủ Nhật), đến chiều 5/6, TAND TP Hòa Bình đã tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung do còn các tình tiết của vụ án cần phải làm rõ.
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)