Chiều ngày 30/10, VietNamNet đã có buổi làm việc với ông Phan Quốc Việt, CEO của Tâm Việt group – nơi đang tiếp quản, nuôi dạy khoảng 40 trẻ tự kỷ.
Hiện trung tâm Tâm Việt đã kết thúc hợp đồng thuê cơ sở tại trường ĐH TDTT Bắc Ninh (nơi phóng viên VietNamNet thâm nhập, quay video và phản ánh trong các bài trước), chuyển về tại một cơ sở chăm sóc y tế - khám chữa bệnh ở thôn Đông Ngàn, xã Đông Hội (huyện Đông Anh, Hà Nội).
Khi phóng viên đề nghị được đi thăm và ghi nhận hình ảnh nơi ăn ở mới của các cháu, ông Việt thoái thác với lý do, chủ nhà không cho phép. Do đó, toàn bộ nội dung trao đổi được diễn ra bên dưới chân đê, sát với chỗ ở của các cháu đang được cho tá túc, ở nhờ.
Trẻ tự kỷ, trầm cảm chung sống với người nghiện hút
Ông Phan Quốc Việt khẳng định, Tâm Việt không dạy học, không chữa bệnh, chỉ rèn kỹ năng sống. Tuy nhiên, các cháu là học viên của trung tâm, nhiều cháu bị tự kỷ, tăng động từ nhỏ, gia đình đã đưa đi chạy chữa tại nhiều bệnh viện trong và ngoài nước nhưng không thuyên giảm. Cuối cùng bố mẹ các em đưa các em tới đây để “nhờ thầy Việt”.
|
Ông Phan Quốc Việt trong buổi gặp PV VietNamNet. |
Ông Việt cho biết, từ năm 2015 đến nay, Tâm Việt đã từng thu nhận khoảng 400 – 500 người, chủ yếu là các đối tượng không bình thường như tự kỷ, tăng động, nghiện game… Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có số lượng học viên đông đến như vậy.
Thời điểm hiện tại, số lượng duy trì ở con số 40 “học viên” ăn ở tại trung tâm.
Giúp việc ông Việt có 8 hướng dẫn viên và 7 trợ giảng, tổng số 15 người. Các hướng dẫn viên này được gọi là “thầy”; một số trẻ gọi họ là “bố”, “mẹ”.
Trong câu chuyện chia sẻ, ông Việt cho biết, trung tâm Tâm Việt mới tiếp nhận một đối tượng nghiện thuốc phiện, cùng ở, cùng sinh hoạt trong một không gian chung với trẻ tự kỷ. Học viên nhiều tuổi nhất của trung tâm đã 42 tuổi và là người trước từng nghiện rượu.
Chúng tôi đặt vấn đề ngược lại, người nghiện thuộc đối tượng quản lý của cơ quan chuyên môn chứ không thể cho ở chung với các cháu không nghiện, không dính vào ma túy… Trung tâm Tâm Việt không có chức năng dạy học, điều trị bệnh… nên không được phép nhận những đối tượng này…, ông Việt không trả lời và chuyển sang các nội dung khác.
|
Giờ học của trẻ tự kỷ ở Tâm Việt. |
Ông Việt cũng cho biết, trung tâm có một bác sỹ 60 tuổi, tuy nhiên, khi chúng tôi xin phép được gặp bác sỹ này thì ông Việt nói “về quê chưa lên”.
Giáo trình dạy trẻ tại Tâm Việt do ông Việt tự soạn ra và chưa được kiểm định
Ông Việt khẳng định, tại trung tâm Tâm Việt, các “học viên” được rèn kỹ năng sống. Đó là các bài tập về tung bóng, đi thăng bằng, đi xe đạp một bánh, đứng trên bập bênh và đầu đội chai nước.
Người đàn ông này còn tự hào khoe: “Tôi đọc nhiều sách vở, tài liệu của nước ngoài và tự tìm ra phương pháp này. Các con được dạy những kỹ năng này sẽ khiến chúng tập trung chú ý vào một thứ duy nhất. Cái này nó liên quan đến não bộ. Cái dây thần kinh của các trẻ tự kỷ này giống như các vết nối bị đứt đoạn và Tâm Việt là người nối lại việc đứt đoạn đó”.
|
PV đề nghị được đi thăm và ghi nhận hình ảnh nơi ăn ở mới của các cháu, ông Việt thoái thác với lý do, chủ nhà không cho phép. |
Từ những phương pháp tự mình sáng tạo ra, ông Việt đào tạo cho các nhân viên của Trung tâm trong thời gian khoảng 3 tháng, sau đó các nhân viên này sẽ trở thành giáo viên, thành “hướng dẫn viên” dạy trẻ tự kỷ.
Khi chúng tôi hỏi về bằng cấp của các “thầy” giáo của trung tâm, ông Việt cho biết: “Các thầy này được tôi trực tiếp đào tạo kỹ năng, sau đó dạy cho các cháu; rồi chính các cháu cũng có thể giúp đỡ, dạy lẫn nhau, trở thành thầy của nhau.
Khi đề cập đến việc, các cháu được học văn hóa thời gian nào, ông Việt cho biết: không dạy văn hóa, vì đây là Trung tâm dạy kỹ năng sống. Ông cũng đưa ra bộ giáo trình do ông tự soạn có tên “Thực hành kỹ năng sống” từ quyển 1 đến quyển 9 đứng tên TS. Phan Quốc Việt chủ biên.
Tuy nhiên, ông Việt thừa nhận bộ giáo trình này chưa được cơ quan nào kiểm định, xác nhận hay có Hội đồng đánh giá kiểm tra, xác nhận.
Mỗi tháng Tâm Việt thu 300 triệu đồng
Về khoản học phí khủng các gia đình có con tự kỷ đóng cho trung tâm (3 mức 9 triệu 8, 14 triệu 8 và 19 triệu 8), ông Việt cho hay: với số lượng 40 học viên, 15 cán bộ nhân viên, hướng dẫn viên… lên tới 50 – 60 người, chi phí nuôi ăn ở mỗi tháng lên tới 300 triệu đồng.
“Mỗi tháng chúng tôi phải thu được ngần đấy tiền thì mới đủ để hoạt động. Có nhiều gia đình các cháu nghèo, không có tiền, chúng tôi nhận cả bố mẹ các cháu lên ở cùng, cùng chúng tôi chăm sóc các cháu. Đó là lý do học phí ở đây có thể là 20 triệu đồng/tháng; có thể là 0 đồng”, ông Việt nói.
O đồng mà ông nói ở đây là chi phí ông tính phần cùng ăn, cùng ở của bố mẹ có con ở cùng, được ngầm hiểu là làm công không có lương để bù vào phần chi phí mỗi tháng lẽ ra phải đóng góp cho trung tâm như 3 mức trên.
Trưởng công an xã Đông Hội nơi trung tâm Tâm Việt đang đóng xác nhận, trong thời gian 1 tháng ăn ở lưu trú tại địa phương, các em này chưa bị phản ánh của người dân về điều tiếng gì.
Chánh văn phòng UBND huyện Đông Anh Hoàng Hải Đăng cho biết, UBND huyện mới được báo cáo về sự việc; hiện đang yêu cầu phòng LĐ-TB-XH kiểm tra việc trung tâm chăm sóc y tế - khám chữa bệnh tại thôn Đông Ngàn được cho là có liên doanh, liên kết với Trung tâm Tâm Việt để chăm sóc, khám chữa đối với các trường hợp trẻ tự kỷ, tăng động này hay không.