Từ "bàn tay vàng" trong làng phẫu thuật tim mạch
Xuất hiện tại tòa, hình ảnh ông Nguyễn Quang Tuấn khiến nhiều người xót xa khi mái tóc bạc trắng, khuôn mặt mệt mỏi, hốc hác và lo lắng. Xót xa không chỉ bởi hình ảnh tiều tụy của cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội mà còn tiếc nuối bởi ông Tuấn từng là “Nhân tài đất Việt”, người có “đôi tay vàng” trong ngành tim mạch.
Ông Nguyễn Quang Tuấn là một bác sĩ, giáo sư, tiến sĩ y khoa, Chủ tịch Hội Tim mạch can thiệp Việt Nam, Chủ tịch Hội Tim mạch Hà Nội, thành viên Ban Cố vấn Hội Tim mạch học can thiệp châu Á-Thái Bình Dương (FAPSIC), thành viên Hội Tim mạch học can thiệp Hoa Kỳ (FSCAI). Ông Tuấn từng đảm nhiệm Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội và đại biểu quốc hội Việt Nam khóa XIV nhiệm kỳ 2016-2021.
|
Bị cáo Nguyễn Quang Tuấn tại tòa. |
Được đào tạo bài bản từ ngành bác sĩ đa khoa Đại học Y Hà Nội, bác sĩ nội trú chuyên ngành tim mạch, từng đi tu nghiệp chương trình 2 năm tại Đại học Toulouse, Pháp về ngành Tim mạch can thiệp và tốt nghiệp loại xuất sắc, bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Đại học Y Hà Nội, được phong hàm Phó giáo sư, ông Tuấn là một bác sĩ đầu ngành tim mạch của Việt Nam.
Ông Tuấn cũng là người được trao giải nhất Giải thưởng "Nhân tài đất Việt" trong lĩnh vực y tế cho đề tài "Can thiệp động mạch vành qua đường ống thông (đặt stent)", được công nhận đạt chuẩn Chức danh Giáo sư ngành Y năm 2017. Ông cũng từng nhận được nhiều bằng khen của Thủ tướng; Nhận danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2016; Thầy thuốc ưu tú năm 2017; Huân chương Lao động hạng Ba năm 2019. Trong suốt thời gian hành nghề y, “bàn tay vàng” của vị chuyên gia đầu ngành tim mạch này đã cứu sống bao nhiêu bệnh nhân, từ đây, ông được gắn liền với biệt danh nghề nghiệp “Tuấn Tim”.
Đến lời xót xa trước tòa khi vi phạm quy định về đầu thầu
Tại phiên tòa, ông Tuấn thể hiện sự ăn năn khi thừa nhận những sai phạm như cáo trạng truy tố và nhiều lần nói "bị cáo xin nhận trách nhiệm".
Theo bị cáo Tuấn, trước khi bị cáo làm Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội thì bệnh viện đã có chủ trương đấu thầu vật tư thiết bị y tế.
“Từ khi làm giám đốc bệnh viện, bị cáo chỉ chỉ đạo chung về công tác thẩm định giá chứ không chỉ đạo cụ thể một ai, làm những việc gì. Bị cáo chỉ đạo cấp dưới liên hệ với công ty thẩm định giá. Quá trình tổ chức, bị cáo không yêu cầu cấp dưới báo cáo thường xuyên mà đến khi kết thúc công việc đấu thầu thì bị cáo ký các văn bản liên quan”, bị cáo Tuấn khai.
Bị cáo Tuấn thừa nhận việc, chỉ định thầu không đúng, nhưng cho rằng, ở thời điểm đó thì bị cáo không có cách nào khác. Bị cáo Tuấn cũng thừa nhận sai phạm như cáo trạng đã xác định, đồng thời thừa nhận trách nhiệm cao nhất khi chỉ định thầu trong trong thời điểm bị cáo là Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội.
Về số tiền được hưởng lợi từ việc chỉ định thầu, bị cáo Tuấn cho biết: “Bị cáo được biếu chai rượu ngoại và 10.000 USD chứ không hưởng lợi thêm gì. Sau khi vụ án xảy ra, bị cáo đã hoàn trả lại số tiền 10.000 USD và nói với gia đình nộp 6 tỷ đồng để khắc phục hậu quả của vụ án”.
Công bố bản luận tội đối với ông Nguyễn Quang Tuấn, Viện Kiểm sát đề nghị mức án 4-5 năm tù với ông Tuấn về tội vi phạm các quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Mức án đề nghị này thấp hơn so với khung hình phạt ông Tuấn bị truy tố từ 10-20 năm tù.
Đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, vụ án "thổi giá" thiết bị vật tư y tế tại Bệnh viện Tim Hà Nội là một "điển hình trong móc ngoặc lợi ích nhóm". Ông Tuấn đã làm trái quy định, vi phạm đấu thầu, tạo điều kiện cho Công ty Hoàng Nga, Công ty Kim Hòa Phát ký gửi vật tư y tế để bệnh viện sử dụng trước. Sau đó hợp thức, hoàn thiện các thủ tục đấu thầu rộng rãi, chỉ định thầu rút gọn và ký quyết định để hai công ty trúng gói thầu đấu thầu rộng rãi năm 2016 cùng bốn gói chỉ định thầu năm 2017. Giá vật tư, hóa chất đưa vào bệnh viện được thanh toán theo đơn giá thỏa thuận trước đó giữa ông Tuấn và doanh nghiệp. Để hợp thức hồ sơ thầu mua vật tư tiêu hao can thiệp tim mạch của hai công ty này, ông Tuấn và cấp dưới đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu.
Viện Kiểm sát cho rằng, tài liệu chứng cứ thu thập trong quá trình điều tra và quá trình xét hỏi tại tòa cho thấy việc truy tố xét xử ông Nguyễn Quang Tuấn là hoàn toàn đúng.
Ông Tuấn là người lãnh đạo cao nhất, có hiểu biết trong chuyên môn và công tác đấu thầu, giữ vai trò chủ mưu chỉ đạo các bị cáo khác thực hiện sai phạm nhiều lần, thực hiện hành vi phạm tội trong thời gian dài. Hành vi của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại gần 54 tỷ đồng.
Từ những lập luận trên, Viện Kiểm sát cho rằng cần hình phạt nghiêm khắc với ông Nguyễn Quang Tuấn. Tuy nhiên quá trình giải quyết vụ án, ông Tuấn được đánh giá là thành khẩn, nộp số tiền hưởng lợi, có nhiều thành tích trong quá trình công tác, đặc biệt tại phiên tòa thể hiện sự ăn năn...Do đó Viện Kiểm sát đề nghị mức án thấp hơn khung truy tố đối với ông Tuấn "để có cơ hội sửa chữa lỗi lầm bản thân".
Tiếc cho ông Tuấn nhưng...
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp đánh giá , ông Nguyễn Quang Tuấn là một bác sĩ rất giỏi. Từng giữ chức Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, sau đó được đưa qua làm Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai. Cả 2 bệnh viện đều rất lớn và uy tín hàng đầu của cả nước. Đây là vinh dự lớn lao của cá nhân ông Tuấn vì nhận được sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
“Ở trong ngành Y, ông Tuấn rất giỏi, rất tâm huyết. Với tư cách đại biểu Quốc hội (khóa XIV), ông Tuấn cũng rất trách nhiệm, đóng góp nhiều ý kiến, nội dung, phản biện nhiều vấn đề chí lý, phù hợp với thực tiễn trong các dự thảo luật và tình hình kinh tế xã hội, nhất là trong ngành Y. Quốc hội đánh giá rất cao vai trò của ông Tuấn. Nhưng thật đáng tiếc khi ông Tuấn lại mắc sai phạm”, ông Hòa nói.
Theo đại biểu tỉnh Đồng Tháp: “Có tài mà không có đức, tài không đi đôi với đức thì không có giá trị gì hết. Rất xót vì ông Nguyễn Quang Tuấn là một trong những người tài nhưng vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức. Đây là bài học kinh nghiệm xương máu, hồi chuông cảnh tỉnh cho những thầy thuốc”.
Nói về một số ý kiến cho rằng, bác sĩ giỏi chỉ nên làm chuyên môn, không nên làm nhà quản lý, đại biểu Hòa cho biết, bác sĩ giỏi chỉ nên làm chuyên môn là đúng, nhưng chưa phù hợp. Nếu chỉ lo chuyên môn thì bản thân ông không đồng tình.
“Trong hoạt động quản lý, điều hành nếu không hiểu, không thông các quy định về đấu thầu, đấu giá hoàn toàn có thể thuê đơn vị tư vấn và đơn vị tư vấn họ sẽ chịu trách nhiệm về việc này. Chưa kể, họ còn có đội ngũ tham mưu, đội ngũ tư vấn… Luật pháp cho phép bệnh viện được thuê tư vấn chứ luật không cấm. Họ có thể vừa là bác sĩ giỏi, đồng thời cũng là nhà quản lý giỏi nếu có tâm sáng”, đại biểu Hòa nói và cho rằng, Thầy thuốc phải giỏi, hiểu về chuyên môn là “chuyên”; còn “hồng” thì phải có đạo đức, có phẩm chất, có lương tâm nghề nghiệp giống như Bác Hồ nói “Lương y như từ mẫu”. Đây là vấn đề cực kỳ quan trọng và cần phải đào tạo đội ngũ bác sĩ. Khi “vừa hồng, vừa chuyên” làm gì cũng không bị cám dỗ để vướng vào lao lý như những sự việc đáng tiếc như trong thời gian qua.
>>> Mời độc giả xem thêm video Phát hiện số lượng lớn vật tư, thiết bị y tế có dấu hiệu làm giả