Ngày 5/6 tới, TAND Cấp cao tại Hà Nội dự kiến xét xử phúc thẩm Đinh Mạnh Thắng (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư và thương mại dầu khí Sông Đà - PVP Land) và 3 đồng phạm có đơn kháng cáo.
Phiên tòa có 3 thẩm phán, trong đó ông Ngô Hồng Phúc làm chủ tọa. 2 kiểm sát viên cao cấp thuộc VKSND Cấp cao giữ quyền công tố.
Có khoảng 10 luật sư tham gia bào chữa. Theo lịch, phiên phúc thẩm kéo dài 3 ngày (5-7/6).
|
Bị cáo Đinh Mạnh Thắng. Ảnh: TTXVN. |
Trước đó, đầu tháng 2, TAND Hà Nội xét xử sơ thẩm, tuyên bị cáo Đinh Mạnh Thắng 9 năm tù, Trịnh Xuân Thanh (cựu Chủ tịch PVC) chung thân, Đào Duy Phong (cựu Chủ tịch PVP Land) 16 năm tù, Nguyễn Ngọc Sinh (cựu Tổng giám đốc PVP Land) 13 năm tù, Thái Kiều Hương (cựu Tổng giám đốc công ty Vietsan) và Huỳnh Nguyễn Quốc Duy (kinh doanh tự do) cùng mức án 10 năm tù.
2 bị cáo còn lại gồm Lê Hòa Bình (cựu Chủ tịch công ty 1/5) án 8 năm tù, Nguyễn Thị Kim Thoa (cựu Kế toán trưởng công ty 1/5) 6 năm tù. Tổng hợp cả bản án trước đó họ đã lĩnh do liên quan vụ án khác, Bình và Thoa cùng lĩnh án chung thân.
Sau bản án sơ thẩm, 6 bị cáo đã gửi đơn kháng án. Tuy nhiên, trước khi tòa xử phúc thẩm, Trịnh Xuân Thanh và Đào Duy Phong đã rút kháng cáo.
Theo đơn gửi TAND Cấp cao, em trai ông Đinh La Thăng đề nghị cấp phúc thẩm xem xét lại tội danh Tham ô để làm căn cứ giảm nhẹ hình phạt.
3 người còn lại gồm Nguyễn Thị Kim Thoa, Thái Kiều Hương và Huỳnh Nguyễn Quốc Duy đều xin giảm nhẹ hình phạt và hạ mức bồi thường dân sự.
Theo bản án sơ thẩm, Trịnh Xuân Thanh quản lý phần vốn góp của PVC tại PVP Land. Thanh có vai trò quan trọng trong việc chuyển nhượng cổ phần tại PVP Land. Trong đó, dự án Nam Đàn Plaza do PVP Land chiếm 50,5% vốn.
Đầu 2010, Lê Hòa Bình muốn mua dự án Nam Đàn nên đã nhờ Huỳnh Nguyễn Quốc Duy môi giới. Tháng 3/2010, Bình cùng với 5 người đặt cọc mua 24 triệu cổ phần với giá gần 500 tỷ đồng.
Để mua tiếp số cổ phần còn lại, Thái Kiều Hương nhờ Đinh Mạnh Thắng kết nối gặp Trịnh Xuân Thanh đề nghị cho PVP Land thoái vốn tại dự án Nam Đàn. Sau đó, Trịnh Xuân Thanh đã chỉ đạo Đào Duy Phong thu xếp việc mua bán.
Tòa sơ thẩm kết luận Thanh biết rõ giá gốc chuyển nhượng cổ phần tương đương 52 triệu đồng/m2 đất dự án, nhưng vẫn chỉ đạo các đồng phạm ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với mức giá tương đương 34 triệu đồng/m2, để được hưởng tiền chênh lệch.
Đinh Mạnh Thắng đã câu kết, tạo ra công đoạn mua bán, chuyển nhượng trái phép bằng cách tạo giá trị vật chất thấp nhưng vẫn có lãi. Tổng số tiền các bị cáo chiếm đoạt được 49 tỷ đồng.
Theo bản án sơ thẩm, Trịnh Xuân Thanh chiếm đoạt được 14 tỷ đồng, Đinh Mạnh Thắng chiếm đoạt 5 tỷ, các bị cáo còn lại chiếm đoạt được tổng số tiền 30 tỷ.